Không nóng vội tăng trưởng

ANTĐ - “Bức tranh” kinh tế bảy tháng qua đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư chỉ ra, tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều chỉ số được cải thiện theo hướng tốt hơn. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bắt đầu tăng, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tuy vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2012 nhưng tốc độ tăng có xu hướng giảm dần. Điều này chứng tỏ những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang dần phát huy tác dụng, niềm tin ổn định kinh tế vĩ mô từng bước được củng cố.

Lòng tin khi giảm thì rất nhanh và việc khôi phục là rất khó. Thủ tướng Chính phủ vừa có cuộc gặp gỡ, tham vấn các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế để lắng nghe ý kiến về những vấn đề từ nay đến cuối năm 2013, nhất là các kế sách để thúc đẩy tăng trưởng tái cơ cấu nền kinh tế. Lạm phát trong 7 tháng qua đã được kiềm chế ở mức thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước. Nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng dần qua các tháng và hai quý. Một yếu tố có tính động lực của tăng trưởng là tiêu dùng cuối cùng (chiếm tới 70% GDP). Biểu biện chủ yếu là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tính theo giá thực tế thì chỉ số này tăng 12%, song nếu loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng chưa tới 4,9%.

Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư tăng thấp, một bộ phận lớn dân cư còn bị giảm. Theo nhận định của một số chuyên gia, nhìn tổng quát, tăng trưởng kinh tế đang diễn biến theo mô hình chữ U và năm 2013 đang ở đáy chữ này. Muốn vượt đáy đi lên cần phải có xung lực mới. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chỉ có “phá băng” tín dụng mới giúp phục hồi doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế. Với Việt Nam, ý kiến của giới chuyên gia cho rằng, có hai cách quan trọng là nâng tổng cầu và xử lý triệt để nợ xấu.

Với những doanh nghiệp vẫn còn nợ xấu mà không tiếp cận được vốn thì ngân hàng cần có cách xử lý linh hoạt hơn. Một số ý kiến đề xuất, Chính phủ nên tập trung tái cơ cấu vài ba tập đoàn kinh tế lớn để làm mẫu, không nên tái cơ cấu đại trà. Đề xuất được nhiều người đồng tình là Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi kinh tế 3 năm, theo đó phải kéo lãi suất trung hạn xuống. Từ nay đến cuối năm 2013, cố gắng bỏ trần lãi suất huy động. Đặc biệt, giá đầu vào như điện, xăng dầu, phân bón và giá dịch vụ y tế, giáo dục phải để Chính phủ điều hành tổng thể, không nên để các bộ tự điều chỉnh theo nhu cầu của riêng mình. 

Sau khi lắng nghe và thảo luận với giới chuyên gia, Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ nay đến cuối năm, điều hành của Chính phủ sẽ bám vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, không nóng vội tăng trưởng cao. Việc xử lý những vấn đề kinh tế trước mắt phải gắn bó chặt chẽ, thực hiện đồng thời với những giải pháp tái cơ cấu căn cơ lâu dài.