Không có sự lựa chọn

ANTĐ - Để chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-10, ngay từ bây giờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bắt tay vào một loạt công việc quan trọng. Ngoài công tác lập pháp, đây là kỳ họp đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, xác định lại nhiệm vụ của năm sau. Năm nay còn là thời điểm xem xét một số vấn đề đại sự, nhất là trong điều hành của Chính phủ không còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng.

Không còn là dự báo, Chính phủ nhận định GDP năm nay có thể chỉ đạt mức tăng 5,2-5,7% tức là thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra từ 6-6,5%. Nền kinh tế đã đi được hơn nửa chặng đường, thực tế và dự báo cho thấy, tình hình đã có tín hiệu khả quan hơn so với chặng đường vừa qua. Không phải Chính phủ không lường trước được GDP năm nay khó đạt được, mà tinh thần của Chính phủ là sẽ cố gắng đến mức cao nhất để đạt được tới đích đã đặt ra.

Chia sẻ tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có các phương án để chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý hợp với diễn biến tình hình. Theo đó, cần có những tính toán về khả năng đạt được các chỉ tiêu chủ yếu như thế nào. Không nên duy nhất một phương án tăng trưởng GDP từ 6-6,5% mà Quốc hội đã thông qua. Điều này cho thấy, quan điểm về công tác dự báo kinh tế đã có sự thay đổi cơ bản, như Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư đã khẳng định: “Dự báo chỉ là dự báo thôi”. Ông cũng giải thích thêm, nếu Chính phủ đề ra mục tiêu GDP thấp hơn 6% thì Quốc hội cũng không chấp nhận.

Như vậy, qua con số GDP cụ thể, một ủy viên của Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận xét, tinh thần nỗ lực để đạt cho được mục tiêu vẫn chỉ là bề nổi, gắn với những kết quả “bề nổi” mà ai cũng có thể nhìn thấy. Để đạt được “chiều sâu” tăng trưởng, Chính phủ phải làm sao có những tính toán cũng như tầm nhìn để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP hàng năm bền vững mà không phải trả giá nhiều cho tăng trưởng.

Thực tế những năm gần đây chứng tỏ, với nỗ lực, dốc sức chạy theo tăng trưởng GDP, nền kinh tế và cả xã hội đã phải trả giá đắt, mà “đắt” nhất là lạm phát. Giai đoạn 2006-2010 lạm phát trung bình là 11,4%/năm. Năm 2011 lạm phát lên tới trên 18% so với năm 2010, được “xếp hạng” một trong số các nền kinh tế có tốc độ lạm phát cao nhất thế giới.

Vị ủy viên của Ủy ban nhấn mạnh, chính vì chưa nhìn sâu vào mức tăng trưởng GDP, chủ yếu mới chỉ nhìn vào kết quả bề nổi, cho nên GDP của nước ta luôn được thế giới “biểu dương” ở tốp đỉnh, song càng tăng trưởng cao thì khó khăn càng nhiều. Nghị quyết 11 của Chính phủ được các chuyên gia đánh giá là một quyết sách mạnh mẽ, quyết liệt, không chỉ để kiềm chế lạm phát, không để lạm phát quay trở lại, mà quan trọng là “lái” tăng trưởng đi vào chiều sâu, một sự thay đổi sâu sắc về chất lượng trong điều hành kinh tế.

Sự trầm lắng vì suy giảm kinh tế, cũng như lạm phát xuống mức âm chỉ là tạm thời. Lạm phát có thể trở lại bất cứ lúc nào, vì thế không nên coi sự trầm lắng là cái cớ để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, mà tạm gác lại việc tái cơ cấu nền kinh tế. Muốn tăng trưởng có chất lượng và chiều sâu không có sự lựa chọn nào hơn là phải khẩn trương, nghiêm túc tái cơ cấu kinh tế.