Nhiều trường đại học Việt Nam tụt bậc trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Có tới 4 trên 6 đại học của Việt Nam bị tụt hơn 100 bậc trong bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất châu Á năm 2024 do Tổ chức Times Higher Education công bố.
Bốn trên sáu ĐH Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng trường ĐH tốt nhất châu Á 2024

Bốn trên sáu ĐH Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng trường ĐH tốt nhất châu Á 2024

Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 739 trường đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó, Việt Nam có 6 đại diện lọt vào bảng xếp hạng.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng lọt vào top 200, cũng là trường có thứ hạng cao nhất Việt Nam. Tiếp đến là Trường ĐH Duy Tân (nhóm 251 – 300), ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 501 – 600), ĐH Quốc gia Hà Nội (nhóm 501 – 600), ĐH Huế (nhóm 601+), ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (nhóm 601+).

So với kết quả xếp hạng năm trước, 4/6 đại học của Việt Nam bị tụt hơn 100 bậc trong bảng xếp hạng năm nay. Với thứ hạng 193, Trường Đại học Tôn Đức Thắng giảm hơn 100 bậc so với năm 2023. Trường Đại học Duy Tân ở nhóm 251-300, giảm khoảng 150 bậc.

Cùng với đó, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM ở nhóm 351-400 và 501-600 năm 2023 đã giảm xuống top 501-600 và 601+.

Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Huế giữ nguyên vị trí, lần lượt thuộc nhóm 501-600 và 601+.

Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 bao gồm 739 trường đại học. Với 119 trường, Nhật Bản vẫn là quốc gia có nhiều đại diện nhất trong năm nay, tiếp đó là Ấn Độ với 91 trường.

Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh của Trung Quốc lần thứ năm liên tiếp giữ hai vị trí dẫn đầu. Trong top 10 trường tốt nhất, Trung Quốc có tới 5 đại diện, tăng một so với năm ngoái. Các vị trí còn lại đến từ Hong Kong, Singapore và Nhật Bản.

Theo THE, 18 tiêu chí xếp hạng các trường ĐH châu Á thuộc 5 nhóm, gồm chất lượng nghiên cứu (chiếm 30% điểm tổng), môi trường nghiên cứu (28%, thấp hơn 1% so với bảng xếp hạng ĐH tốt nhất thế giới), giảng dạy (24,5%, thấp hơn 5%), chuyển giao công nghệ (10%, cao hơn 6%) và triển vọng quốc tế (7,5%).