Không chỉ là nhà thơ

ANTĐ - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã cho ra mắt 2 tập Tác phẩm truyện ngắn tiểu thuyết của nhà văn Lưu Trọng Lư.

Được biết là một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới,  những bài thơ của ông trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết "nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta" đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Hình ảnh... Con nai vàng ngơ ngác/Đạp trên lá vàng khô... (Tiếng thu) hay người mẹ với... Nét cười đen nhánh sau tay áo/Trong nắng trưa hè trước dậu thưa... (Nắng mới) đã trở thành những biểu tượng vượt thời gian. Điều đó cũng khiến những tác phẩm văn xuôi của ông ít khi được độc giả chú ý.

 Lưu Trọng Lư

 Lưu Trọng Lư

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông NXB Lao động và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã cho ra mắt 2 tập Tác phẩm truyện ngắn tiểu thuyết của nhà văn Lưu Trọng Lư. Công trình đồ sộ dày 1.450 trang khổ 16x24 do nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Hoàng Minh dày công sưu tầm, biên soạn. Tập 1 giới thiệu 48 tác phẩm còn tập 2 là 12 tác phẩm trong đó có nhiều tác phẩm văn xuôi nổi tiếng của ông như Người sơn nhân (truyện, 1933); Chiếc cáng xanh (truyện, 1941); Khói lam chiều (truyện, 194l); Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989)...

Cuốn sách này bao gồm tất cả những tác phẩm thuộc thể loại tự sự - truyện ngắn, tiểu thuyết - của Lưu Trọng Lư đã tìm được, tuy không chắc rằng tất cả các tác phẩm thuộc các thể tài đều đã được tìm thấy. Trong sưu tập này có số lượng lớn những tác phẩm đã hầu như bị quên lãng kể từ sau lần công bố đầu tiên, cách nay 60-70 năm; ngoài các bản in cũ, người biên soạn không có loại văn bản nào khác (ví dụ các bản thảo viết tay của tác giả, một vài bản in khác nhau, …) để tham khảo.

Vì vậy phương diện văn bản các tác phẩm chỉ được xử lý ở mức đơn giản: theo đúng bản in duy nhất hiện đã tìm được, hoặc có đối chiếu các lần in khác nhau để hiệu chỉnh, bổ sung, sửa một số từ ở các dạng không chuẩn về dạng chuẩn hiện hành. Lưu Trọng Lư được xem trước hết như một nhà thơ; nhưng thế giới thơ Lưu Trọng Lư thật ra không tách rời, mà ngược lại, có sự tiếp nối với thế giới văn xuôi do ông sáng tạo, đó là cuộc sống trong các truyện ngắn, truyện dài ông viết.

Nhiều khi, một vài ý tưởng xúc cảm chỉ in gọn trong một vài câu thơ đoạn thơ, sẽ có âm vang rộng dài hơn, mà không chỉ một lần, trong các truyện ngắn, truyện dài. Một phương diện khác của ngòi bút viết truyện Lưu Trọng Lư chính là khả năng cảm nhận và biểu hiện đời sống đương thời. Chẳng hạn là dáng nét cụ thể của giới học sinh Hà thành những năm 1930 (trong tiểu thuyết Cô Nhung, Em là gái bên song cửa, Cô gái tân thời), của nam nữ học sinh xứ Huế (trong một loạt truyện Huế một buổi chiều, Gió cây trút lá, Cô Nguyệt, Cô bé hái dâu) thậm chí nhiều người còn cho rằng đậm nét hơn những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng khác thời trước ông.

Còn đối với những tác phẩm tự sự của Lưu Trọng Lư, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã nhận định: Người ta có thể cảm nhận được màu sắc, dáng vẻ cuộc sống thiên nhiên và con người ở ba vùng đất mà ông từng sống - Quảng Bình, Huế, Hà Nội. Trong đó đặc biệt là Hà Nội sớm đi vào truyện Lưu Trọng Lư, với không gian thư viện, trường học, những nữ sinh Đồng Khánh tinh nghịch, những nhóm lưu học sinh thuê chung nhà trọ, những cuộc hẹn hò du ngoạn chùa Láng, hồ Tây, những tình tự trong sáng thuở học trò, thường là khởi đầu của những tấn kịch tình yêu riêng tư bị cản trở bởi hôn nhân do gia đình sắp đặt.

Dường như điều có thể gọi là “ấn tượng người nhập cư” đã khiến Lưu Trọng Lư sớm diễn tả sắc nét hơn ai hết những không gian chật hẹp trong phố cũ Hà Nội, khi mà khoảng không bên trên lòng đường vẫn có thể kết nối những con người sống ở hai bên phố (Em là gái trong khung cửa), hoặc, những cầu thang hẹp và tối vẫn có thể là nơi “kỳ ngộ” nhất thời của hai kẻ tha phương (Mẹ con)…

Tất cả những tác phẩm văn xuôi đậm chất Lưu Trọng Lư sau một thời gian chìm vào quên lãng trong sự biến chuyển của xã hội, nhận định phiến diện một thời đã chính thức có một chỗ đứng trên văn đàn Việt Nam, ghi dấu một người tài hoa như Lưu Trọng Ninh với những tác phẩm sẽ là sử liệu quý giá về một dòng văn học hiện thực lãng mạn thế kỷ 20.