Khởi động Trung tâm Tiến sĩ đầu tiên
(ANTĐ) - Chúng ta đã có cả một “thế hệ vàng” những nhà khoa học sau năm 1945, những cống hiến của họ cho khoa học, cho đất nước là vô giá. Nhưng cho đến hôm nay “thế hệ vàng” ngày ấy, người đã khuất núi, người đã bước sang bên kia con dốc của cuộc đời... Việc gìn giữ những tài liệu, những công trình nghiên cứu, dù còn dang dở của họ là việc làm cần thiết cho thế hệ con cháu. Bắt đầu từ hôm nay 27-9, một trung tâm bảo tồn nghiên cứu di sản tiến sĩ Việt Nam được ra đời.
Mong manh di sản
“Nhà khoa học bên lề khoa học” đó là cái tên mà giới nghiên cứu khoa học dành tặng cho cố GS Từ Chi (1925-1995). Cả cuộc đời ông dành để nghiên cứu Dân tộc học, nhưng lại chưa từng nhận một đồng lương nào từ khoa học. Ông sống bằng nghề biên tập viên của một tờ báo.
Không có con, nên sau khi ông ra đi, toàn bộ tài liệu của ông đã được một người học trò cất giữ. Sau đó, người học trò của ông đã trao lại toàn bộ số tài liệu này cho Bảo tàng Dân tộc học. PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Nguyên GĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) kể, đọc lại số tài liệu này mới thấy quý hơn vàng, nhiều bản thảo, nhiều công trình nghiên cứu về Dân tộc học của cố GS Từ Chi được viết sau đơn thuốc, phiếu báo cơm của Bệnh viện Việt Đức.
Hay như trường hợp của GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967), ông hy sinh ở chiến trường. Nhiều bản thảo dang dở của ông đã thất lạc. Nhưng thật may, con trai của ông là NSND Đặng Nhật Minh vẫn còn giữ được bản “Tự kể chuyện”, ông viết hồi cải cách ruộng đất. Cuốn sách như một tài liệu quý lưu giữ nhiều câu chuyện trước và sau cách mạng...
Không may mắn như trường hợp của GS Từ Chi và GS Đặng Văn Ngữ, GS Trần Đức Thảo (1917-1993) khi còn sống không có vợ con. Ông mất ở Pháp, trong một căn phòng nhỏ. Những bản thảo ông chắt chiu, tâm huyết giờ không biết ở đâu. Khi còn sống, nhiều tài liệu nghiên cứu của cố GS Tạ Quang Bửu (1910-1986) cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Cuối đời, ông cùng với các bạn viết cuốn “Chiến lược con người” - bản thảo này nay đã mất. Một nhà khoa học nữa cũng vừa ra đi đó là Nhà sử học Nguyễn Duy Hinh, khi về hưu, ông viết liền mấy cuốn “Văn hóa Đại Việt”.
Ông mất đột ngột khi còn nhiều ý tưởng chưa được viết ra. Ông cũng không có con. PGS.TS Nguyễn Văn Huy thở dài: “Nếu chúng ta lưu giữ được hàng ngàn, hàng vạn câu chuyện như vậy thì lịch sử mấy chục năm qua hiện lên rất sinh động”.
Phối cảnh tổng thể khu đất xây dựng Dự án Văn Miếu đương đại tại Cao Phong - Hòa Bình |
Bảo tàng cho những công trình khoa học
Bắt đầu từ 27-9, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam sẽ chính thức được thành lập mà hạt nhân là Dự án Công viên Văn Miếu với diện tích 20ha tại xóm Tiếng, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Quy hoạch công viên Văn Miếu đương đại sẽ gồm các khu tưởng niệm, mô phỏng Văn Miếu cũ và hệ thống văn bia mới dành cho các nhà khoa học, các tiến sĩ thời cận hiện đại.
Đây là một trong những dự án của Công ty Medlatec. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm có chức năng nghiên cứu, bảo tồn, lưu giữ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua tiểu sử, ký ức, tư liệu và hiện vật cá nhân của các tiến sĩ, các nhà khoa học. Trung tâm cũng đồng thời đóng vai trò như một bảo tàng trưng bày về cuộc sống những đóng góp, sự lao động khoa học của các nhà khoa học Việt Nam.
Tất cả những nhà khoa học, những người với học vị từ Tiến sĩ trở lên đều là đối tượng nghiên cứu và sưu tầm. PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Giám đốc chuyên môn Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam) cho rằng, xã hội ngày nay, có người học thật, có người học giả. Ai học giả, cả xã hội đều biết và coi thường. Nhiệm vụ của trung tâm là phải lưu giữ, sau 10 đến 20 năm nữa, những tài liệu đó sẽ là vô giá, giúp cho người ta nhận ra được những cái thật và giả.
Bây giờ chúng ta vội vã phân loại để gạt ra những gì giả là rất khó. Nhận một tấm bằng Tiến sĩ, đó không phải là cái đích cuối cùng, mà chỉ là bước đầu mở cánh cửa để đi vào con đường khoa học. Và từ đó, người ta lại tiếp tục đi để mở ra những cánh cửa khác. Những tiến sĩ “bằng thật học giả”, có thể thấy sau này, họ không có những công trình nghiên cứu tiếp theo.
Nếu như họ chỉ lấy bằng để chạy theo chức vị, để được bổ nhiệm sẽ nhanh chóng từ bỏ cuộc đời khoa học. Sau này, những nhà khoa học đó sẽ không bao giờ được hậu thế nhắc tên.
Quỳnh Vân