Khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa thúc đẩy sự phát triển đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa có ở mọi khía cạnh của cuộc sống, nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển đất nước.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

Văn hóa là con người

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, động lực văn hóa ở mọi khía cạnh đó của cuộc sống nếu biết khơi dậy đúng hướng tính nhân bản, tính tích cực, hướng thiện sẽ là cái làm cho con người có một sức mạnh ghê gớm để vươn lên, vượt qua mọi thử thách, cam go, tạo ra sự sáng tạo vượt trội. Ngược lại nếu bị chệch hướng sang tiêu cực thì cũng dễ dàng dẫn con người ta đến những kết cục đau đớn, vùi dập cuộc đời họ xuống bùn đen, đẩy họ sa ngã, dẫn đến đầu hàng, phản bội lại tổ quốc, dân tộc, khi đó sẽ gây ra tác hại không hề nhỏ cho toàn xã hội, cho đất nước.

Trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao. Bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc vốn được xây đắp hàng ngàn đời bằng máu xương và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ cha ông. Nền văn hóa đó phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên là gia đình với những truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam rồi tới cộng đồng và xã hội. Đó là những động lực văn hóa nâng con người ta lên trước những thử thách, khó khăn.

Một ví dụ điển hình là trường hợp nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn khi ông thi giải Chopin tại Ba Lan năm 1980. Một mình ông đơn thương độc mã, như ông bộc bạch: “Không ai đi thi mà không người quen, không gia đình, không thầy, không bạn bè, không tiền bạc, không tiếng tăm, hoàn toàn “zero” như tôi năm đó. Thậm chí đơn dự thi của tôi gần như bị gạt vì hầu như không có tiểu sử gì, chưa bao giờ đi thi các cuộc thi khác, chưa bao giờ biểu diễn với dàn nhạc, chưa bao giờ biểu diễn độc tấu, chẳng có một thành tích gì. Chỉ có 2 dòng vẻn vẹn là sinh ở Việt Nam năm 1958, đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky”. Song khi “lên sân khấu, tôi có cảm giác tự dưng mình có một sức mạnh gì đó ở đằng sau làm cho mình đánh một cách đầy tự tin. Lúc đó tôi chỉ hoàn toàn đơn thương độc mã, chính lòng kiêu hãnh đã cho tôi sức mạnh” - Đặng Thái Sơn từng kể.

“Sức mạnh gì đó ở đằng sau” và “lòng kiêu hãnh” mà Đặng Thái Sơn có chính là cái văn hóa giáo dục của gia đình và sức mạnh văn hóa của con người Việt Nam trước những gian nan thử thách mà ông được rèn giũa trong thời gian sống, với những trải nghiệm ở gia đình và đất nước khi đó.

Tiếp theo cần hiểu động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa không phải tự dưng hay ngày một ngày hai mà có được, mà động lực và sức mạnh ấy phải được nuôi dưỡng, giáo dục, vun đắp, chăm bón từng ngày, từng giờ, từ những công việc hết sức nhỏ bé, bình thường diễn ra hàng ngày đến sự trải nghiệm, từng trải được hun đúc, trao truyền ngấm dần từ thế hệ này qua thế hệ khác trở thành căn tính, truyền thống, trở thành gene di truyền văn hóa trong mỗi con người. Có như vậy động lực ấy mới không bị mai một, bị ảnh hưởng, lôi kéo trước bất cứ cám dỗ vật chất hay tinh thần nào để nó bị vẩn đục, tha hóa thì sẽ dẫn đến dân tộc ấy bị tàn lụi, đúng như câu nói văn hóa mất là dân tộc mất.

Văn hóa là con người, mọi thứ cũng tạo nên và xuất phát từ con người, do vậy con người cần được coi trọng, được đặt lên hàng đầu, cần đưa tất cả về giá trị thực của nó, với đúng những gì nó có ở trong mỗi cá nhân đó. Tạo cho con người sự bình đẳng trước mọi cơ hội để họ phát triển và từ thực lực khả năng của họ đặt họ đúng vị trí trong cuộc sống, họ được nhìn nhận một cách khách quan, công bằng, có như vậy sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho họ. Và như thế sẽ không còn chuyện chạy theo bằng cấp, danh hiệu, chức danh hay những thành tích ảo, tạo nên những hàng giả, hàng nhái, thiếu chất lượng trong xã hội.

Để làm tốt những điều đó thì vấn đề pháp luật, kỷ cương phải được đề cao, đặt lên hàng đầu, được tôn trọng và phải thật nghiêm minh. Những vụ án chống tham nhũng do Đảng tiến hành thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân mọi tầng lớp trong cả nước. Pháp luật, kỷ cương được tôn trọng, công minh và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật như một động lực khuyến khích người ta dám nghĩ, dám làm vì đã được pháp luật bảo vệ họ khi họ làm đúng những gì mà luật pháp cho phép. Không còn phải sợ bị bóp méo, bị những áp lực không trong sáng từ một số kẻ thực thi biến chất. Như thế động lực này sẽ khơi dậy sự sáng tạo cho con người. Và điều quan trọng hơn là tạo nên một xã hội lành mạnh, minh bạch, kỷ cương, có một môi trường tốt cho tất cả các cơ hội phát triển. Một môi trường như vậy sẽ tạo được tính chính danh của mỗi con người ở vị trí của mình, ngăn chặn được những tham vọng về quyền lực, sự tham lam về đồng tiền, vật chất làm lóa mắt con người đẩy họ đến những việc làm bất chính.

Nền văn hóa phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên từ gia đình với những truyền thống tốt đẹp

Nền văn hóa phải bắt đầu từ cái nôi đầu tiên từ gia đình với những truyền thống tốt đẹp

Văn hóa làm gương của người đứng đầu

Một vấn đề hết sức quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay đó là văn hóa làm gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Các cụ ta đã đúc kết “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người đứng đầu không là gương thì sẽ không tạo được sự nể phục, kính trọng đối với cấp dưới. Bản thân họ không gương mẫu thì mọi lời nói, việc làm đều không có giá trị trước cấp dưới. Ngoài mặt người ta có thể không nói ra, sợ bị trù dập, nhưng trong lòng không phục, coi thường. Người đứng đầu liêm chính, có đạo đức thì sẽ tạo được sự kính nể, yêu quý của cấp dưới, nể phục của anh em, bằng không sẽ chỉ là một sự tuân phục giả tạo và đến một lúc nào đó mọi sự sẽ được tung hê, hạ bệ một cách nhục nhã. Một điều quan trọng hơn,việc mất uy tín của người đó là một phần, song đau đớn hơn nữa là niềm tin của nhân dân vào tổ chức và rộng ra là Đảng và Nhà nước bị phai nhạt, thì sự nguy hiểm sẽ lớn biết chừng nào!

Văn hóa làm gương của người đứng đầu được coi trọng thì không chỉ người lãnh đạo ấy được cấp dưới yêu mến, quý trọng mà còn là một động lực mạnh mẽ cho cấp dưới sẵn sàng đem hết trí tuệ ra để xây dựng và phát triển cơ quan, đất nước. Giống như trong thời gian chiến tranh, biết bao những tấm gương sẵn sàng hy sinh để bảo vệ lãnh đạo, bảo vệ sự tồn tại của tổ chức, đó chính là động lực văn hóa đã tạo nên sức mạnh bất chấp hiểm nguy của một con người trong những tình huống khốc liệt nhất. Sự hy sinh ấy không phải vì mục đích danh vọng, tiền tài, địa vị hay một danh hiệu nào, mà từ niềm tin được hun đúc của con người đó như một động lực văn hóa nội sinh của họ.

Theo cách nhìn nhận như vậy, chúng ta còn có thể chỉ ra rất nhiều các khía cạnh có thể khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong rất nhiều hoạt động khác nhau của mỗi con người. Vấn đề là nhìn ra được để khơi dậy động lực ấy làm nó thúc đẩy sự phát triển cho đất nước.

Như vậy, nếu nhìn văn hóa một cách đầy đủ ở mọi khía cạnh của cuộc sống, chúng ta sẽ thấy văn hoá có mặt ở tất cả những gì liên quan đến con người và trong tất cả mọi lĩnh vực. Một khi có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người chúng ta sẽ khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống, mà không phải chỉ thuần tuý ở một loại hình văn hoá, nghệ thuật hay kinh tế xã hội nào khác.

Có thể nói, hiểu động lực và sức mạnh nội sinh dưới góc độ văn hóa ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta sẽ thấy bất kể lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đề có thể chỉ ra và khơi dậy động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa, mà không chỉ thuần túy ở trong một ngành nghề nào. Hiểu được như vậy, để mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ phát huy được tối đa những động lực văn hóa trong bối cảnh riêng của ngành mình.