Khi nghệ sĩ làm “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành khiến cho cuộc sống của người dân ở khắp nơi, nhất là ở “tâm dịch” TP.HCM rơi vào cảnh điêu đứng, nhiều nghệ sĩ đã không quản ngại vất vả, bất chấp hiểm nguy, tình nguyện làm mọi việc để góp sức đẩy lùi dịch bệnh.
Buổi cắt tóc tập thể đặc biệt tại bệnh viện của các nghệ sỹ

Buổi cắt tóc tập thể đặc biệt tại bệnh viện của các nghệ sỹ

Đi “tour” cắt tóc

Ngay khi dịch bùng phát tại TP.HCM, với tư cách Phó Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên, nghệ sỹ Quỳnh Hoa đã sáng lập ra nhóm tình nguyện viên để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Tính đến thời điểm này, nhóm có tổng số hơn 100 tình nguyện viên, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: ca sỹ Phi Hùng, ca sỹ Phương Thanh, Hoa hậu H’hen Niê, Á hậu Mâu Thủy…

Ngày nào cũng vậy, từng nhóm tình nguyện viên chia ra hoạt động theo kế hoạch được phân công cụ thể, từ điều phối hướng dẫn người dân ở các khu cách ly làm thủ tục xét nghiệm Covid-19, tiêm phòng vaccine, đi siêu thị mua thực phẩm giúp các hộ gia đình ở những nơi đang bị phong tỏa, hay tiếp nhận quà từ các nhà hảo tâm rồi chuyển đến các lực lượng tuyến đầu và người dân có hoàn cảnh khó khăn…

Giữa tháng bảy, nghệ sỹ Quỳnh Hoa nhận được tin nhắn từ vị bác sĩ Phó Giám đốc Bệnh viện thu dung số 2 ở quận 1: “Hoa ơi, bọn anh hơn 60 nhân viên cần làm sạch đẹp cái đầu, ai cũng trở thành Tarzan rồi. Mai nếu các em thu xếp xuống được thì mọi người sẽ vui lắm”. Vậy là chị cùng cả đội lên đường với 4 thợ cắt tóc chuyên nghiệp tình nguyện tham gia mặc dù được “gọi show” rất gấp, cộng thêm một số tình nguyện viên không phải thợ nhưng sẵn sàng trổ tài cắt tóc như: ca sĩ Phương Thanh, đạo diễn Trần Minh Tuấn, diễn viên Khả Như, MC Lý Ngô...

Khi cả đội đến bệnh viện, các y bác sĩ lần lượt xuống cắt tóc. Nhiều bác sĩ trẻ còn để sẵn hình trên điện thoại để đưa ra cho các tình nguyện viên xem kiểu tóc mà mình thích hoặc tấm hình lúc tóc chưa dài để được cắt đúng kiểu cũ. Các y tá, điều dưỡng thì đơn giản hơn, chỉ cần cắt xoẹt sao cho ngắn bớt là xong. Ai muốn kiểu tóc cầu kỳ một chút thì ngồi đợi mấy anh thợ cắt tóc chuyên nghiệp.

Tạm gác lại ánh hào quang của sân khấu, chấp nhận hy sinh thời gian, nhan sắc và cả sức khỏe với suy nghĩ “không thương nhau lúc này thì tới lúc nào mới thương”, các nghệ sĩ thật sự là những “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, góp sức đưa cộng đồng sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Trong lúc ngồi chờ đến lượt mình, các vị khách đặc biệt còn được xem “mini-show” do chính những nghệ sĩ như Quốc Đại, Lê Minh MTV trình diễn. Riêng Phương Thanh bên cạnh việc cầm tông-đơ “đi” được 2 mái tóc hoàn chỉnh thì cũng khuấy động không khí bằng màn trình diễn rất “sung” của mình. Buổi cắt tóc tập thể đặc biệt đã diễn ra như thế. Tiếp đó, cả đội nối dài hoạt động “đi tour” cắt tóc đặc biệt này đến các bệnh viện khác, mỗi ngày cắt tóc cho từ 60-100 y bác sĩ và nhân viên y tế.

Không chỉ vậy, để thuận tiện cho việc di chuyển và hoạt động liên tục để thực hiện các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, nghệ sỹ Quỳnh Hoa và các thành viên trong đội tình nguyện cũng giúp nhau xuống tóc để mặc đồ bảo hộ cho “nhẹ đầu”. Cả đội hài hước bảo nhau: “Ngày xưa xuống tóc quy y/Ngày nay xuống tóc cách ly cứu người”. Hai câu thơ vui nhưng cũng đầy cảm động.

Quỳnh Hoa bảo, chứng kiến các y bác sĩ và nhân viên y tế phải thường xuyên mặc trang phục bảo hộ kín mít, lại phải trực liên tục 5 tuần mới được đổi ca, cô hiểu sự vướng víu khó chịu của những mái tóc dài mà không được cắt. Từ việc vận chuyển thiết bị y tế tiếp sức cho các bệnh viện dã chiến, cắt tóc cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế, đội tình nguyện còn đem lời ca tiếng hát để khích lệ tinh thần lạc quan của lực lượng y tế cũng như hàng nghìn bệnh nhân F0 đang điều trị.

Vây là chiếc xe tải nhỏ cơ động mang theo loa, ánh sáng gọn nhẹ và bàn mixer lên đường đi biểu diễn ở khắp các bệnh viện dã chiến. Sân bệnh viện trở thành sân khấu, còn các nghệ sĩ trong trang phục bảo hộ giống nhau, đeo khẩu trang giống nhau cống hiến những tiết mục văn nghệ để xóa tan những căng thẳng, mệt mỏi, lo âu đang bao trùm khắp nơi.

Ca sỹ Phương Thanh không quản ngại những công việc nặng nhọc

Ca sỹ Phương Thanh không quản ngại những công việc nặng nhọc

Không thương nhau lúc này thì đợi lúc nào?

Trên trang mạng xã hội cá nhân của ca sĩ Phương Thanh suốt gần 2 tháng qua liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh về một Phương Thanh rất khác. Không trang điểm cầu kỳ, không váy áo lộng lẫy như khi đứng trên sân khấu, Phương Thanh xuất hiện với quần bò, áo thun, dép lê, đôi khi là cả quần soóc rộng của con gái, đầu đội mũ lưỡi chai hất ngược về phía sau, da đen nhẻm, mắt thâm quầng, mồ hôi ròng ròng. Cô xông xáo lao vào khuân vác từ túi thanh long to đùng đến bao gạo nặng 25kg, chạy lên chạy xuống từ kho chứa lương thực, thực phẩm do các nhà hảo tâm quyến góp ra xe chở hàng đi cứu trợ. Nữ ca sĩ nói vui, bê vác nhiều khiến cô “lùn” cả người đi, trước cô nặng 48kg, nhưng nay không biết còn được bao nhiêu kg.

Ở một clip được Phương Thanh chia sẻ trên mạng xã hội, cô và một nam đồng nghiệp lấy ghế đá ở sân bệnh viện dã chiến làm sân khấu, loa kẹo kéo để phát âm thanh, rồi vừa hát vừa nhảy ca khúc “Em như tia nắng mặt trời”. Xung quanh, các bệnh nhân đang cách ly và điều trị tại đây reo hò cổ vũ qua ô cửa sổ. Xem show diễn đặc biệt của một “ngôi sao” hạng A, những vị khán giả đặc biệt vui vẻ. Phương Thanh tâm sự, những buổi biểu diễn như thế này thật sự đáng nhớ trong sự nghiệp ca hát của một nghệ sĩ khi phải hát qua lớp khẩu trang dày cộm. Bức ảnh chụp Phương Thanh tháo khẩu trang ra sau một ngày dài miệt mài hoạt động từ thiện, mặt in rõ vết lằn khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Nhớ lại những ngày đầu mới tham gia vào đội tình nguyện, Phương Thanh chỉ tính đi vài ngày thôi, nhưng nay đã gần 2 tháng và có lẽ cô sẽ đi như vậy cho đến khi nào hết dịch. Nữ ca sĩ nói, các tình nguyện viên nghệ sĩ khá “lì đòn” và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Ngày nào cũng cùng nhau làm đủ thứ việc để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, ai cũng thấm mệt nhưng không kêu ca mà chỉ khích lệ, động viên nhau cố gắng. Có hôm phải đến nửa đêm mới xong việc, cả đội được người dân tặng cho nồi cháo gà mà ai nấy vừa ăn vừa cảm động chảy nước mắt. Người dân cũng vậy. Tất cả cảm xúc đều thể hiện trong im lặng, mỗi người đều tự hiểu cái tình vì nhau, cùng nhau trong lúc này quý giá vô ngần.

Dù vất vả nhưng các nghệ sĩ luôn khích lệ, động viên nhau cùng vượt qua đại dịch

Dù vất vả nhưng các nghệ sĩ luôn khích lệ, động viên nhau cùng vượt qua đại dịch

Cũng theo Phương Thanh, có đi làm tình nguyện viên, xông pha vào thực tế mới hiểu và trân quý những hy sinh của đội ngũ y bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhiều hôm tham gia hỗ trợ điều phối người dân đến làm xét nghiệm Covid-19, cô tận mắt thấy các y bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ từ sáng sớm đến tối khuya.

Suốt gần hai tháng làm tình nguyện viên, giúp đỡ người dân, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, Phương Thanh có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm thú vị và xúc động mà cô sẽ không bao giờ quên. Có bận, đang trên đường đi lấy khẩu trang cứu trợ và tranh thủ trao thực phẩm cho người dân ở quận Bình Tân thì cô bị các chiến sĩ công an gọi lại. Sau khi kiểm tra giấy lưu hành, nhận ra Phương Thanh và biết việc cô đang làm, 2 chiến sĩ bảo cô: “Ca sỹ đi đi cho kịp, sắp 18h rồi”. Điểm nhận hàng cứu trợ gần đó nên một lúc sau khi Phương Thanh đang nhận hàng thì thấy 2 chiến sĩ vừa nãy đi tới. Một trong hai chiến sĩ ghé tai nói nhỏ: “Ráng chạy lo cho bà con, ca sỹ nhé”.

Có rất nhiều những hoạt động ý nghĩa, những nghĩa cử bình dị mà cao đẹp mà các nghệ sĩ đã và đang làm trong suốt gần 2 tháng qua. Tạm gác lại ánh hào quang của sân khấu, chấp nhận hy sinh thời gian, nhan sắc và cả sức khỏe với suy nghĩ “không thương nhau lúc này thì tới lúc nào mới thương”, họ thật sự là những “chiến sĩ” trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, góp sức đưa cộng đồng sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Minh Yến - giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Vào một buổi chiều, tôi nhận được tin 5 người thân của tôi, trong đó có 2 cháu nhỏ ở TP.HCM đều đang là F0. Cũng ngày đó, tôi được lắng nghe những bản nhạc đầy cảm xúc do nghệ sỹ saxophone Trần Mạnh Tuấn thể hiện cho những khán giả đặc biệt tại khu bệnh viện dã chiến.

Thông qua các nghệ sỹ như Phương Thanh, Thái Thùy Linh, Hoa hậu Khánh Vân, ca sỹ Tùng Dương, MC Quỳnh Hoa, hoa hậu H’Hen Niê và các tác phẩm của họ, những người dân từ mọi miền Tổ quốc đã xích lại gần nhau, san sẻ yêu thương, đồng thời có thêm nhiều kênh hơn để ủng hộ đồng bào vùng dịch. Trên trang mạng xã hội của các nghệ sỹ tràn ngập những thông tin về các dự án, kế hoạch kêu gọi đồng bào giúp công, giúp của mong cho đại dịch chóng qua để ai nấy lại được yên ổn, vui vẻ sống với những điều nhỏ bé thường nhật. Hơn lúc nào hết, tôi thấy những ngôi sao thần tượng là những công dân có trách nhiệm, là những người có tấm lòng hướng về đồng bào mình.

Mỗi ngày những thông tin về dịch bệnh đều khiến chúng ta phải đau lòng. Hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày, hàng nghìn người khác trở nặng và nhiều người đã không qua khỏi. Thế nhưng, những những bác sỹ, quân đội, công an, tình nguyện viên, những nghệ sỹ có tâm vẫn mướt mải làm việc để tạo nên những điều phi thường. Và cho để chúng ta tin rằng những người thân quen của tôi, của các bạn không có ai bị bỏ lại phía sau…

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam: Với tinh thần đoàn kết, chúng ta sẽ sớm đánh bại dịch bệnh

Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay là lúc tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách” của người Việt lên cao nhất. Người nghệ sĩ, trên hết cũng là một công dân của đất nước thì việc đóng góp giúp đỡ đồng bào là điều nên làm và rất đáng trân trọng. Có rất nhiều cách để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nếu như có nghệ sĩ chọn phương pháp gián tiếp như đóng góp bằng vật chất (ủng hộ cho các quỹ từ thiện, quyên góp tranh đấu giá), giúp đỡ về mặt tinh thần (nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn saxophone tại bệnh viện dã chiến) thì có người lại lựa chọn lao vào tâm dịch thực hiện các hành động thiết thực như: làm các suất cơm từ thiện, hỗ trợ lương thực cho người dân trong khu cách ly. Tôi tin rằng, với tinh thần đoàn kết này thì chúng ta sẽ sớm đánh bại dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.

Phạm Hương (Ghi)