Trước thỀM hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần VIII:

Khi nào hội đủ đam mê?

ANTĐ - Hội nghị lần VIII này là kỳ thứ 4 tôi dự, đúng dịp tròn 16 năm gắn bó với  thi ca. Bão tố, nhọc nhằn, nước mắt, buồn nản, quyết liệt, hy vọng, nồng nhiệt, âm thầm... bao trạng thái, cảnh huống không thể đưa vào các biểu đồ, tìm sự hoà cảm trọn vẹn trong hình dung của ai, dù sâu sắc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cùng tác giả- nhà thơ Vi Thuỳ Linh

Dù vậy tôi và các bạn cùng lứa (ít ỏi) vẫn trụ đến hôm nay, thành những cái tên quen với văn học trẻ đương đại. Tôi bác bỏ kiểu “lên ngôi” do sống lâu. Với nghệ thuật, không thể dùng thâm niên và tuổi tác làm tiêu chí “phân cấp”. Tất nhiên, sẽ rất đáng trọng khi các lão tướng vẫn phong độ “gừng càng già càng cay” khiến lớp sau tâm phục khẩu phục về chất lượng tác phẩm đương thời, chứ không phải cái tên  “vang bóng một thời”.

Việc Ban tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này lấy mốc đại biểu sinh từ 1976 trở lại là cách xác định ổn thoả khi xác định thời gian theo quy luật đời người. Nhìn lại lịch sử văn chương thế giới và Việt Nam, nhiều tác giả xuất hiện, bùng nổ từ khi còn rất trẻ, là thanh niên. Với Sự mất ngủ của lửa (xuất bản năm 1992) khi 35 tuổi, Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định phong cách.

Nhiều năm sau giải thưởng của ông, nhiều người vẫn cố ý bài bác lu loa thơ Nguyễn Quang Thiều là “thơ dịch”, là “tìm tòi”, nhất định không chịu công nhận sự thật, tập thơ ấy là “Big Bang” của thơ Việt Nam thời đổi mới. Mặc mọi phủ nhận, hiềm khích, bằng từ trường lớn và năng lượng phong nhiêu, Nguyễn Quang Thiều vẫn mới tới hôm nay, ông là một trong những nhà thơ quan trọng của nền thơ đương đại Việt Nam. Người giữ phong độ lâu bền đáng kinh ngạc mà tôi muốn nhắc nữa, là Hữu Thỉnh. Lãnh đạo một Hội nghề nghiệp “phức tạp” và “lắm lời” như Hội Nhà văn nhiều năm, bận rộn quá tải mà ông vẫn viết được những bài thơ hay, đáng nể.

Vẫn biết nhân tài là của hiếm, lúc nào tôi cũng mong có nhiều người trẻ đầy tiềm năng sau lứa chúng tôi, xuất hiện. Cùng với vô số áp lực mưu sinh, nghĩa vụ đời sống, những cảnh huống ngoài hình sin kể trên, những cây bút trẻ phải thực sự đam mê, xác lập bản lĩnh thì mới vượt qua nổi búa rìu, đố kỵ, giữa bao lựa chọn cám dỗ của lợi ích và công danh, của yên bình và thông lệ, mấy ai đủ “dại” dấn thân vào “trường văn trận bút” suốt đời?

Tôi đã chờ, chờ mãi, mới chỉ thấy có Trương Quế Chi (1987) đáng để tin và hy vọng. Quế Chi đã tốt nghiệp 2 khoa: Báo chí Truyền thông và Điện ảnh tại ĐHTH Lyon 2 và sắp theo học Thạc sĩ Điện ảnh tại ĐH Sorbonne (Pháp). Chi không chọn văn chương làm nghiệp, dù Chi viết khá hơn không ít những người có “thẻ”.

Điều quan trọng phân biệt nghệ sĩ thực thụ với một tay amateur (tài tử, không chuyên) là ý thức lao động: phải sáng tạo tác phẩm mang tính nghệ thuật. Nhiệm vụ tối thượng của nhà văn, nhà thơ, là phải làm giàu, đẹp ngôn ngữ mẹ đẻ. Tiếng Việt, phải trở thành sinh ngữ trong tay nhà văn, thi sĩ.

Chúng ta từng coi Việt Nam là dân tộc yêu thơ, niềm tin ảo giác khiến nhiều người dễ dàng khi viết và công bố tác phẩm, khiến công chúng phổ thông ngày càng nhầm lẫn giữa “thơ” và “vè”, cũng như đến giờ nhiều người không phân biệt nổi phim truyền hình “xà phòng” với phim điện ảnh màn bạc.

Tất cả nỗ lực, tâm huyết của tôi, của các bạn tôi, qua 16 năm cầm bút, trải qua và chứng kiến, giờ hao hụt đến ngỡ ngàng. Những người có chút thành tựu đều đang tuổi trung niên. Tìm nhân tố kế cận không dễ. Mỗi kỳ hội nghị, lại hẫng: Cây bút quen hôm nào đã bỏ nghề hoặc ngừng viết, thêm nhiều gương mặt mới. Cứ thế quy luật đào thải nghiệt ngã làm sao?

Đã dấn thân, còn lý trí tính đo được - mất? Không màng danh lợi, dại dột thiệt thòi? Vinh quang, tiếng tăm không do những trò đánh bóng của cơn khát háo danh, nó phải từ những đêm ngày mệt nhoài chắt não.

Biết rằng sự cô đơn cần cho nghệ sĩ khi sáng tạo, song tôi chẳng vui gì khi đội hình trẻ rời rạc, thiếu hợp lực, liên tài. Tôi khát khao có một đội hình nhà văn trẻ đông, mạnh, hào hứng, cuồng nhiệt. Lửa đâu để bừng cháy?

 Lần đầu tới Tuyên Quang, tôi coi trọng sự kiện hơn 5 năm mới có 1 lần, như tôi từng chối từ một vài cơ hội định cư ở một nước G7, bởi với nhà thơ viết bằng tiếng Việt, không nơi nào lý tưởng hơn cho nguồn xúc cảm, lượng độc giả bằng chính Tổ quốc mình.   

Dẫu thế nào, tôi cũng chờ ngày khai mạc tới, gặp bạn viết, anh em.

Không ít lần tôi kêu gọi, lôi kéo các bạn tôi vào Hội Nhà văn. Họ xứng đáng mà họ không thiết. Làm thơ vì tình yêu (tuy nồng độ khác nhau) chứ không nhằm có được cái thẻ hội viên “khoe mẽ”, hay “cho vui”. Những đam mê nửa vời, những ngọn lửa manh mún, tản mạn, khi nào hội lại thành sóng lửa, khi trong mỗi cây bút trẻ được định danh đến hôm nay nhiều lúc mệt mỏi, nản lòng. Vẫn đón bình minh bằng những đêm thức trắng. Chúng ta viết do thôi thúc của chính mình, là điều thành thực nhất, trước khi vì độc giả, vì “tiếng gà” thúc giục ban mai.

Tôi nhớ tới những người bạn âm thầm yêu say thơ mà không có mặt tại Tuyên Quang lần này, hay Hội An lần trước: Trần Tuấn, Đỗ Doãn Phương... Những tấm phù hiệu, những cuốn sách đã tự có số phận của chúng. Và chúng tôi, mơ mình trở lại thuở bắt đầu, về thời đẹp nhất, sôi nổi nhất đã thuộc về ký ức.

Hội là hội tụ, là ngày hội. Khi nào Hội đủ anh tài, đủ lửa đam mê để thành cuộc quần anh hội với những cái tên sáng giá, ưu tú và kiêu hãnh như chúng ta (chứ không phải “dư luận” nào) thực tâm mong mỏi?

Nghệ thuật chân chính nuôi dưỡng tâm hồn con người không bao giờ là phù phiếm phù du, dù vật chất lũng đoạn thời đại. Để tạo được nghệ thuật ấy, không thể cũ và giả, bất tài lại hay tham. Không thể đánh đồng, đánh tráo ánh sáng giá trị mới, kinh điển với cũ kỹ, lười nhác, ấu trĩ, ngụy tạo, giả hiệu; nghệ sĩ thực tài với thi sĩ vỏ và nghệ sĩ rởm. Dẫu đời sống là một sân khấu lớn, tôi không đến các vũ hội hoá trang.