Khi kịch… ra chợ

ANTĐ - Nghe cũng lạ tai, bởi nói đến chợ là nói đến thị trường, có mua, có bán, sản phẩm chất lượng cao thì được trả giá cao, chất lượng thấp thì trả giá thấp, sản phẩm mà không phù hợp với thị hiếu khách hàng thậm chí còn ế. Kịch sân khấu (nhất là ở miền Bắc) thì trước giờ làm gì có thị trường. Cũng thi thố, liên hoan nọ liên hoan kia, cũng huy chương này nọ… nhưng nếu đem ra “chợ” thì không biết có mấy người mua. Thế nên ý tưởng xây dựng Chợ kịch (chokich.vn) phải nói là một ý tưởng vô cùng độc đáo.

Thiếu kịch bản hay, kịch bản chất lượng đang là vấn đề của đa số các đơn vị nghệ thuật. Cả nước có hàng trăm đơn vị nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương, mỗi đơn vị tối thiểu một năm dựng một vở nhưng loay hoay, mỏi mắt tìm cũng không thấy kịch bản hay. Các cuộc liên hoan sân khấu vì thế cũng thường bị “đụng hàng”, thường rơi vào tình cảnh “so bó đũa, chọn cột cờ”. Thông thường để có một kịch bản, các đơn vị nghệ thuật sẽ thông qua sự quen biết để đặt hàng các nhà viết kịch. Có những đơn vị nghệ thuật phải lặn lội khắp nơi tìm tác giả kịch bản và đặt hàng hàng vài năm trời mới có được một kịch bản ưng ý. Nhưng cũng không ít nhà hát đã xảy ra tình huống khó xử, phiền phức khi kịch bản đặt hàng rồi mà không ưng ý. Trong khi thực tế có thể khẳng định có không ít kịch bản hay của các tác giả vẫn xếp trong ngăn kéo, vì nhiều lý do mà không được lên sân khấu.

Đó chính là trăn trở mà đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên (Nhà hát Cải lương Trung ương, thành viên Ban quản trị Công ty Cổ phần Truyền thông đa phương tiện HK Media) ấp ủ ý tưởng thành lập một “chợ” mua bán kịch bản. Đầu tháng 10 này, website chokich.vn đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Theo NSƯT Triệu Trung Kiên, hiện nay đã có gần 50 tác giả nhận lời tham gia và đang tích cực hoàn thiện tác phẩm để gửi đến Chợ kịch, trong đó có nhiều tác giả uy tín như Lê Duy Hạnh, Chu Thơm, Lê Chí Trung, Trần Đình Ngôn, Nguyễn Đăng Chương, Hoàng Song Việt, Hà Đình Cẩn, Thế Dương, Nguyễn Toàn Thắng...

Ngoài các kịch bản mới đã hoàn thiện, Chợ kịch còn có cả “chợ ý tưởng” với mong muốn từ những ý tưởng được đưa ra trên website sẽ nhận được sự ủng hộ, đồng sáng tạo giữa các tác giả với các đơn vị nghệ thuật để tác phẩm nghệ thuật khi ra đời vừa đảm bảo được văn học kịch, vừa đứng được trên sân khấu. Ngoài ra, website còn có mục lý luận kịch, tác phẩm kịch kinh điển để các nhà phê bình, các tác giả trẻ có thể nghiên cứu, tham khảo.

Có thể nói Chợ kịch mở ra triển vọng, cơ hội tốt cho các đơn vị có nhu cầu và tác giả tìm đến nhau nhanh hơn. Đây cũng là cơ hội lớn cho những tác giả chưa có tên tuổi, đặc biệt là những tác giả trẻ được thể hiện, phát huy tài năng. NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết, từ khi Chợ kịch đi vào hoạt động, đã có hàng chục cây bút trẻ, không chuyên gửi tác phẩm đến. Dù đa phần các tác phẩm chưa có chất lượng cao nhưng đã có những ý tưởng tốt, ê-kíp HK Media sẽ phối hợp với tác giả để chỉnh sửa, hoàn thiện nâng cao chất lượng kịch bản đó. 

Hiện tại Chợ kịch mới thu hút được các cây viết phía Bắc, nhưng về lâu dài sẽ tìm đến các nhà biên kịch miền Trung, miền Nam để có được một “ngân hàng kịch bản” dồi dào cho các đơn vị nghệ thuật.

Hiện Chợ kịch có khoảng 40 kịch bản được đăng lên “chợ”. Vì “mặt hàng” khá đặc thù theo kiểu “văn mình, vợ người”, vì vậy Chợ kịch sẽ đưa kịch bản lên website một cách khách quan, tác phẩm mới khi được đăng sẽ không công bố tên tác giả để đảm bảo bất kỳ tác giả nào dù mới, dù cũ, dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư sẽ được đánh giá một cách khách quan căn cứ vào chất lượng kịch bản. Chỉ đến khi vấn đề mua - bán được đặt ra thì HK Media sẽ đứng ra kết nối giữa tác giả với các đơn vị nghệ thuật có nhu cầu. NSƯT Triệu Trung Kiên khá lạc quan khi cho rằng Chợ kịch sẽ cố gắng hạn chế những rủi ro về bản quyền. Với những kịch bản mới sẽ chỉ đăng một trích đoạn nhỏ - “Nếu chỉ 10-15 trang mà tác giả nào sáng tác được một kịch bản hay thì hẳn là giỏi. Mà thực ra, nếu đã giỏi thì họ cũng chẳng cần ăn cắp ý tưởng làm gì”.