Khi cha mẹ “bức tử” con cái

ANTĐ - Chúng đều là những đứa trẻ vô tội, thế nhưng trong chốc lát bị buộc phải từ giã cõi đời chỉ vì những giận dỗi vụn vặt của người lớn.

Trẻ em dễ bị tổn thương khi người lớn có hành vi tiêu cực (Ảnh minh họa)

Cả giận mất khôn

Cách đây không lâu, dư luận thực sự chấn động khi báo chí đưa tin người mẹ trẻ Phan Thị Ph trú tại xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An chỉ vì nghi ngờ chồng có thói trăng hoa nên đã quyết định quyên sinh. Trước khi uống thuốc chuột để từ giã cõi đời nhằm “dằn mặt chồng cho bõ tức”, chị Ph đã ép cả 4 đứa con (đứa lớn nhất 12 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi) phải đi theo mình sang thế giới bên kia. Câu chuyện của chị Ph bắt đầu từ một tin nhắn “lạ” trên máy điện thoại của chồng, khi mà cậu con trai mượn máy của bố để chơi điện tử và vô tình đọc được. Tuy nhiên, thay vì khuyên bảo hay góp ý, chị Ph lại nghĩ quẩn rằng, chỉ có cái chết mới khiến chồng tỉnh ngộ. Chị Ph bảo, chị không sợ chết, chỉ sợ khi mình qua đời thì các con sẽ khổ vì không ai chăm sóc và phải sống cảnh mẹ ghẻ con chồng, chi bằng, chị kéo chúng nó đi cùng cho… có mẹ có con.

Nghĩ là làm, chị Ph mua liền mấy liều thuốc chuột rồi pha vào sữa để 5 mẹ con cùng uống. Chỉ đến khi người hàng xóm sang chơi và chứng kiến 4 đứa trẻ ôm bụng quằn quại, nôn ra mật xanh mật vàng khắp nhà thì mấy mẹ con mới được đưa đi cấp cứu. Rất may, do được cứu chữa kịp thời nên mẹ con chị Ph đều qua khỏi. Không biết sau vụ việc này, hạnh phúc gia đình chị còn bị sứt mẻ hay không, nhưng chắc chắn rồi đây chị sẽ phải đối mặt với một phiên tòa hình sự về tội giết người. Và đau lòng hơn, những đứa trẻ con chị dù được cứu sống cũng sẽ mắc đủ loại bệnh tật - di chứng của lần được mẹ cho… uống sữa pha thuốc chuột.

So với nhiều người đang tâm giết con để giải tỏa tâm lý bức xúc và suy nghĩ nông cạn thì chị Ph còn quá “may mắn”, bởi chị vẫn sống. Cũng do bực tức vợ chồng mà cách đây 1 tháng, Kiều Văn V (SN 1982, trú tại thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) đã ép cả 3 đứa con uống thuốc diệt cỏ để 4 bố con cùng chết. Vụ án này khiến nhiều người kinh hoàng về sự ác độc của người cha vốn thường xuyên là kẻ bạo hành trong gia đình. Mặc dù 3 đứa trẻ đã được cứu, nhưng người cha này đã vĩnh viễn “thỏa ý nguyện” ích kỷ của bản thân mình. Kiều Văn V đã tử vong sau nhiều ngày nằm tại Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai. Theo nhiều người dân thôn Vĩnh Phúc, cái chết của anh ta cũng là sự trả giá cho những tháng ngày anh ta hành hung vợ con và cũng là cách trốn tránh sự trả giá với pháp luật bởi nếu không sau vụ việc này, chắc chắn anh ta cũng sẽ phải ngồi tù. Bắt ép con trẻ phải chết chỉ để thỏa mãn ý nghĩ điên rồ của chính mình là hành vi rất đáng lên án.

Xử nặng để răn đe

Theo bác sỹ Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai thì phần nhiều các vụ ngộ độc liên quan đến trẻ em rất khó cứu chữa bởi các cháu bé thường bị cho uống thuốc độc với liều lượng rất lớn so với độ tuổi. Chính vì thế trong nhiều vụ án các cháu là những người ngấm thuốc đầu tiên, có những biểu hiện rối loạn chức năng như quằn quại, nôn, tím tái… Theo kinh nghiệm thì khó xử lý nhất là những trường hợp các cháu bị cho uống cùng lúc nhiều loại thuốc. Ví dụ có trường hợp, người mẹ cho con uống ngoài thuốc chuột còn kết hợp thêm cả thuốc ngủ, thuốc chữa tiểu đường hay thuốc huyết áp… Như trường hợp của Kiều Văn V, loại thuốc mà các cháu bị bố cho uống là Paraquat. Đây là thuốc diệt cỏ vô cùng độc hại mà nông dân vẫn quen gọi là “thuốc diệt cỏ cháy”. Độc đến mức cần phun lên cỏ là lập tức cỏ cháy sém vàng ngay lập tức. Nhiều trường hợp bị nhiễm độc nặng, bệnh nhân hôn mê, nếu sau đó có cứu được cũng sẽ rơi vào tình trạng sống thực vật hoặc chết tế bào não. Nhẹ hơn thì cũng để lại những di chứng vô cùng nặng nề như gây xơ phổi, co giật, chảy máu tim, phổi, não hoặc suy gan, suy thận… Đó là còn chưa kể đến những tổn thương về mặt tâm lý. Khi biết bị bố (hoặc mẹ) cho uống thuốc độc, đứa trẻ sẽ bị ám ảnh đến suốt đời…

Theo luật sư Nguyễn Thân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trường hợp vì lý do mâu thuẫn hay bất đồng giữa hai vợ chồng dẫn đến người vợ hoặc chồng có hành vi giết con hoặc bức tử, sau đó sẽ tự tử nhưng lại không chết thì về mặt nguyên tắc họ sẽ bị xử lý như những trường hợp thông thường, theo các tội “Giết người” hoặc “Bức tử”, quy định tại Điều 93, Điều 100-BLHS. Sở dĩ như vậy là vì pháp luật quy định không ai có quyền gây tổn hại về sức khỏe và tính mạng của người khác. Vì thế cho dù là cha mẹ thì cũng không có quyền xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con cái.

Trường hợp nếu nạn nhân chết thì người cha (hoặc mẹ) đó sẽ bị xử lý về tội “Giết người” và có thể sẽ bị áp dụng thêm tình tiết định khung tăng nặng là giết trẻ em. Trong trường hợp đứa trẻ may mắn sống sót thì người thực hiện hành vi tội phạm vẫn bị áp dụng các tình tiết định khung của điều luật tương ứng, song được xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như hình phạt do hậu quả vụ án chưa xảy ra. Về quy định thì cả hai trường hợp cụ thể này đều có khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm tù giam, tù chung thân hoặc tử hình. 

Trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án luôn nhận định đây là những vụ án gia đình. Ở đó người thân của bị can, bị cáo cũng là người thân của bị hại; bị hại và bị can, bị cáo là người thân của nhau. Do đó nếu áp dụng hình phạt cao nhất đối với người phạm tội thì chỉ đạt được một yếu tố, đó là tăng cường tính răn đe, trừng trị người phạm tội, song lại vô tình khiến gia đình nạn nhân thêm nỗi đau. Vì thế ngoại trừ những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với tính chất man rợ, tàn bạo, còn lại tòa án thường chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn hoặc tù không thời hạn đối với người phạm tội ở những vụ án có tính chất gia đình.

Luật sư Nguyễn Thân - Đoàn Luật sư TP Hà Nội