Khán giả “vé mời”

ANTĐ - Mỗi kỳ liên hoan sân khấu khép lại với bao niềm vui, hứng khởi vậy mà với nghệ sĩ, với những người làm nghề lại cứ thấy chênh chao… Ấy cũng vì cái nỗi buồn “hậu liên hoan”- nỗi buồn muôn thuở của sân khấu phía Bắc khi đời sống của các vở diễn gần như “chết hẳn” chỉ sau mấy đêm liên hoan hoặc ra mắt tưng bừng...

Khán giả “vé mời” ảnh 1Vở cải lương “Thất trảm sớ” của Nhà hát Cải lương Hà Nội dù khá hay nhưng chủ yếu được biểu diễn theo kỳ cuộc 

Vẫn xem miễn phí

Hơn 10 đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội, tính bình quân theo chỉ tiêu phân bổ, mỗi đơn vị dàn dựng từ 2-3 vở mới, thì tính sơ sơ năm nào ở Hà Nội cũng tưng bừng vài chục vở mới ra mắt hoặc phục dựng. Những đêm ra mắt các vở diễn ấy, từ rạp Hồng Hà đến Đại Nam hay Kim Mã, Công Nhân… đều đông nghịt người. Nhìn cảnh ấy nhiều người vui mừng vì cho rằng khán giả không quay lưng với sân khấu, họ luôn đón nhận sân khấu đấy thôi? 

Nhưng, sự thật không hẳn là thế khi sân khấu hôm nay vẫn “nuôi” tình yêu nghệ thuật của khán giả bằng những tấm giấy mời. Khán giả đã đến rạp bằng cả tình yêu sân khấu và tâm lý được đi xem “bao cấp”. Vì thế, giữa bao hàng ghế của một vở diễn mới nếu ai đó buông câu: “Anh (chị) mua vé đến xem?” thì sẽ được nhận những nụ cười với ý “Không, bao nhiêu năm rồi vẫn…miễn phí” mà! 

Sân khấu vẫn “suy”?

PGS. TS Trần Trí Trắc khi tổng kết liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất đã có những lời nhận xét rất tâm huyết rằng: “Nghệ thuật sân khấu Hà Nội là con đẻ của cơ chế bao cấp… 60 năm đã qua, khán giả được nhận giấy mời từ các nhà hát vẫn trung thành, say mê, hào hứng đến với sân khấu Thủ đô… Những đêm diễn phục vụ chính trị, có ai đó hào hứng nói rằng khán giả vẫn chưa quay lưng với sân khấu thì nên hiểu đó là khán giả được nhận giấy mời của chúng ta chưa quay lưng lại với nghệ thuật sân khấu bao cấp của chúng ta!”. Đấy chính là cái giá của nền sân khấu bao cấp: ì ạch, chậm chạp để bước vào đời sống hiện đại. Tất nhiên, cũng có người lý giải, đấy là quy luật của sự “thịnh - suy”. Nhưng, đã gần 20 năm trôi qua (tính từ những năm 1995) mà sao sân khấu vẫn “suy” mãi thế? 

Đã đến lúc cần thay đổi

Dù rằng mấy năm trở lại đây, các nhà hát tích cực dựng vở mới, tích cực thay đổi hình ảnh của mình bằng truyền thông, bằng những mảng miếng, chiêu trò mới nhằm hấp dẫn khán giả. Nhưng khán giả vẫn đến rạp với những tấm giấy mời. Còn nhiều giám đốc các nhà hát vẫn thường nhắc đến “thời vang bóng” của sân khấu trong những năm 1970-1990 với những cảnh khán giả chen chân xếp hàng mua vé vào rạp. Tiếc là, sự nhắc lại này chỉ để “hồi tưởng” chứ họ không kiên nhẫn nghĩ tới việc làm thế nào thay đổi tâm lý chỉ đi xem kịch miễn phí của khán giả? Đã có ý kiến cho rằng, các nhà hát phía Bắc hãy bắt đầu từ những tấm vé với giá rất “hữu nghị” để khán giả đến rạp bằng cả trách nhiệm với sự phát triển của sân khấu hôm nay.