Khám phá "Khu vườn mùa hạ"

(ANTĐ) - Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Kazumi Yumoto - Khu vườn mùa hạ (Tựa gốc: Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công trong và ngoài nước. Năm 1996, Khu vườn mùa hạ được đề cử giải thưởng văn học thiếu nhi Đức (German Juvenile’s Literature Prize), năm 1997 giành giải văn học thiếu niên danh giá hàng đầu của Mỹ ...

Khám phá "Khu vườn mùa hạ"

(ANTĐ) - Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Kazumi Yumoto - Khu vườn mùa hạ (Tựa gốc: Natsu no niwa) xuất bản lần đầu năm 1992 đã nhanh chóng giành được thành công trong và ngoài nước. Năm 1996, Khu vườn mùa hạ được đề cử giải thưởng văn học thiếu nhi Đức (German Juvenile’s Literature Prize), năm 1997 giành giải văn học thiếu niên danh giá hàng đầu của Mỹ ...

Cũng trong năm này, Khu vườn mùa hạ được trao giải Mildred A. Batchelder Award cho tác phẩm được chuyển ngữ hay nhất của Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA). Tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1996.

Đó là câu chuyện về Kiyama, Yamashita và Wakabe là ba học sinh tiểu học sống trong thế giới nhỏ bé của riêng chúng. Nhà Kiyama, bố mẹ hay xung đột.Yamashita mập ú lúc nào cũng bị người mẹ coi thường nghề bán cá của chồng thúc ép thế này thế kia. Wakabe bốn mắt, luôn mang mặc cảm không có bố và ngày ngày phải hứng chịu những lời căm hận từ phía mẹ. Ba đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn dường như phải đối mặt với quá nhiều vấn đề mà ngay cả người lớn cũng cảm thấy bế tắc, và vì thế, tất cả nỗi tò mò con trẻ chỉ có thể được giải đáp bằng những cách tìm hiểu rất trẻ con.

Khi bà của Yamashita qua đời. Bộ ba bắt đầu bị ám ảnh bởi những giấc mơ, những băn khoăn về cái chết, hồn ma và cuộc sống sau cái chết. Chúng lên kế hoạch làm thám tử: theo dõi một ông cụ sống trong căn nhà biệt lập tồi tàn. Kế hoạch thất bại, nhưng nhờ thế bọn trẻ lại có được một người bạn lớn vô cùng đặc biệt, đó là ông cụ. Nhờ mối quan hệ mới mẻ này, bộ ba đã có một mùa hè bận rộn không thể nào quên. Họ, một già, ba trẻ đã cùng nhau chia sẻ niềm vui từ những sinh hoạt thường nhật bình dị, cùng nhau chia sẻ những suy ngẫm về các mối quan hệ tình cảm và cuộc sống xung quanh.

Trở về sau trại hè, Kiyama, Yamashita và Wakabe không còn cơ hội kể cho ông cụ nghe về trận thi đấu, chuyện ngủ trọ trong kho nước tương, chuyện bà cụ hay kể chuyện ma hay trận đánh nhau to đầu tiên trong đời… không còn cơ hội để chia sẻ nỗi lo về kỳ thi chuyển cấp, về chuyện muốn làm gì trong tương lai, không còn cơ hội cùng ông ăn dưa hấu, bắn pháo hoa hay chờ khi lớn lên cùng ông uống rượu ở quán bánh xèo… Rốt cuộc, ba đứa cũng đã biết thế nào là “cái chết”, điều trước đây chúng đã cố công tìm hiểu, nhưng hơn thế, chúng đã thật sự thấm thía cảm giác khi mất đi một người thân. Tự bao giờ, với chúng ông cụ đã trở nên vô cùng thân thuộc với biết bao yêu thương trìu mến… Không ai khác, ông cụ là người giúp bọn trẻ biết cảm nhận, biết nâng niu những điều kỳ diệu của cuộc sống ngay từ ngưỡng cửa đầu đời, dù cho sau này, mỗi đứa đều có một hướng đi cho riêng mình…

Sẽ dễ đồng cảm với Khu vườn mùa hạ và ý tưởng của tác giả khi đọc phần cuối sách, nơi Kazumi Yumoto dành những trang đầy xúc động viết về kỷ niệm với ông ngoại. Hơn 20 năm cho một sự trưởng thành, cuối cùng, Kazumi cũng đã có thể gọi ông mình là “người quen ở thế giới bên kia” và với Khu vườn mùa hạ, cô tin rằng có thể gặp lại người ông mình đã suýt quên đi.

Không gai góc và ủy mị, những trang viết của Kazumi bừng lên nét trong trẻo hồn nhiên đẹp đẽ, từ xúc cảm đến tâm hồn mỗi nhân vật. Lối kể giản dị chân phương nhưng giàu tính biểu cảm của Kazumi khiến câu chuyện có sức lay động mạnh mẽ, bản thân mỗi chi tiết dường như là một gam màu tuyệt đẹp tạo nên bức tranh Khu vườn mùa hạ lung linh mà bất cứ ai đã một lần đọc sẽ khó thể nào quên…

Gia Bách