Khôn lường hệ lụy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Theo xác nhận của Mỹ và Trung Quốc, hai bên sẽ cử phái đoàn cấp cao đến Thụy Sĩ trong tuần này để khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên quan đến các biện pháp thuế quan đáp trả lẫn nhau giữa hai nước. Đây cũng là tiếp xúc chính thức công khai đầu tiên giữa quan chức cấp cao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng lên hàng hóa Trung Quốc và các đòn đáp trả của phía Trung Quốc.
![]() |
Đàm phán thương mại cấp cao Mỹ - Trung tại Thụy Sĩ trong tuần này là tín hiệu tích cực về sự xuống thang căng thẳng thương mại giữa hai nước |
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ đại diện cho Mỹ tham dự các cuộc họp dự kiến diễn ra trong hai ngày 10 và 11-5. Dẫn đầu đoàn là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, người phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại Trung-Mỹ. Dù Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết, mục tiêu chính của vòng đàm phán lần này là "giảm leo thang" căng thẳng, chứ chưa hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện. Tuy nhiên, giới chức hai bên vẫn tin tưởng cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc bàn về vấn đề thuế ứng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bùng nổ ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump (2017-2021) khi vị chủ nhân Nhà trắng khi đó với mục tiêu tái cân bằng cán cân thương mại và bảo vệ sản xuất nội địa Mỹ đã áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Leo thang căng thẳng thương mại sau đó giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây những thiệt hại không nhỏ cho cả hai bên. Hậu quả là tổng kim ngạch thương mại Mỹ - Trung giảm từ 635 tỷ USD năm 2018 còn 499 tỷ USD năm 2023, tức giảm hơn 21%. Đầu tư trực tiếp song phương cũng lao dốc mạnh. Chiến tranh thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn làm lung lay chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và gây thiệt hại trực tiếp tới người tiêu dùng cả hai nước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, đây là một cuộc chiến “lưỡng bại câu thương” gây tổn thất nghiêm trọng tới nền kinh tế không chỉ Mỹ và Trung Quốc mà còn cả thế giới.
Tại Mỹ, thuế quan khiến giá nguyên vật liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, kéo theo lạm phát leo thang. Tỷ lệ lạm phát năm 2024 đạt 5,3%, gấp hơn 2 lần mục tiêu kiểm soát của Cục Dự trữ liên bang (FED, cơ quan giữ vai trò ngân hàng trung ương của Mỹ). GDP quý I/2025 đã giảm 0,8%, chính thức đưa kinh tế Mỹ vào suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng và niềm tin doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng. Tại Trung Quốc, nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu cũng bị tổn thương không kém. Xuất khẩu sang Mỹ - thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Trung Quốc - giảm hơn 32% chỉ trong 3 năm qua. GDP năm 2024 chỉ tăng 3,1%, không đạt mục tiêu 5% của chính phủ, đáng lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tăng cao.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump (2025-2029) với mức thuế còn cao hơn nhiệm kỳ đầu tiên nhiều nếu không được giải quyết sẽ mang lại hậu quả còn nặng nề hơn nhiều cho cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này, đồng thời tác động tiêu cực lên toàn bộ hệ sinh thái thương mại, kinh tế toàn cầu. Theo Tổ chức thương mại thế giới (WTO), sự leo thang thuế quan có thể khiến GDP toàn cầu mất đi 4.700 tỷ USD trong vòng 5 năm nếu không được kiểm soát.
Tín hiệu tích cực “hạ nhiệt” chiến tranh thương mại
Bóng dáng ngày càng u ám trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang khiến cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đều phải cân nhắc tổng thể, suy tính thiệt hơn. Với Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cần phải giải tỏa lo ngại của doanh nghiệp và cử tri trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 nếu không muốn mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay đối thủ đảng Dân chủ. Cuộc chiến thuế quan không mang lại hiệu quả chính trị như mong đợi khi phần lớn cử tri đánh giá tiêu cực về tác động của nó tới giá cả và thu nhập. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, sự giảm tốc tăng trưởng và áp lực giải quyết khủng hoảng việc làm khiến nước này cũng cần tái lập quan hệ ổn định với Mỹ - đối tác thương mại chiến lược quan trọng hàng đầu.
Cuộc gặp Mỹ - Trung Quốc để thảo luận về vấn đề thuế đối ứng được xem là một tín hiệu tích cực, có thể là chỉ dấu cho thấy hai bên đều không muốn tình hình vượt tầm kiểm soát. Đã có những tín hiệu “xuống thang”, trước hết phát đi từ chính nơi khởi phát căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-5 cho biết, Mỹ đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc, về các thỏa thuận thương mại, và ưu tiên hàng đầu của ông với Trung Quốc là đảm bảo một thỏa thuận thương mại công bằng. Trong một cuộc phỏng vấn với NBC News được phát sóng cùng ngày 4-5, Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và cho biết ông sẵn sàng hạ thuế quan đối với Trung Quốc vào một thời điểm nào đó vì mức thuế hiện tại quá cao đến nỗi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về cơ bản đã ngừng giao dịch với nhau.
Cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung về thương mại tại Thụy Sỹ vì thế cũng cho thấy bước chuyển đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Nó có thể là chỉ dấu về một sự chuyển biến chiến lược từ đối đầu sang cạnh tranh có kiểm soát, mở ra cơ hội giảm nhiệt căng thẳng và thiết lập lại lòng tin giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rõ rằng, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là vấn đề thuế quan mà phản ánh một cuộc cạnh tranh mang tính hệ thống, từ công nghệ, chuỗi cung ứng cho tới ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu. Mỹ lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình, trong khi Trung Quốc muốn vươn lên thành cường quốc toàn cầu. Do đó, một thỏa thuận về thuế quan dù đạt được cũng không thể xóa nhòa những mâu thuẫn lợi ích chiến lược toàn cầu giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này. Dù sao xuống thang, đạt được giải tỏa chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn còn hơn là một sự leo thang căng thẳng. Điều cần thiết hiện nay là hai bên cần thiết lập cơ chế đối thoại lâu dài, nhất quán và minh bạch về thương mại.
Cuộc gặp tại Thụy Sỹ giữa Mỹ và Trung Quốc vì thế là một tín hiệu tích cực đáng hoan nghênh khi căng thẳng thương mại giữa hai nước đang leo thang. Đây có thể là bước khởi đầu cho tiến trình hòa giải lâu dài, nếu cả hai bên đều thực sự thiện chí và sẵn sàng thỏa hiệp. Cuộc gặp này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng học giả và giới phân tích kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, dù khó có đột phá ngay lập tức, nhưng đây có thể là bước đi cần thiết để "phá băng" căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giáo sư Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và hiện là giáo sư tại Đại học Harvard, nhìn nhận: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây tổn hại cho tăng trưởng toàn cầu nhiều hơn là thúc đẩy quyền lợi của bất kỳ bên nào. Việc hai nước ngồi lại với nhau không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang tính biểu tượng cho xu hướng hạ nhiệt toàn cầu hóa căng thẳng”.