Khai quật kiểu "chữa cháy" và bản đồ khảo cổ học bị lãng quên gần 20 năm

ANTD.VN - Với diện tích khoảng 19.000 m2, được phát hiện và khai quật khảo cổ lần đầu năm 1969. Tính đến nay, tại di chỉ Vườn Chuối - Kim Chung - Hoài Đức, các nhà khảo cổ đã thực hiện 8 đợt khai quật lớn nhỏ. Điều đó có nghĩa, cái tên Vườn Chuối đã quá nổi tiếng, được coi là di chỉ quan trọng và đương nhiên được định danh trên “bản đồ khảo cổ học”. Thế nhưng khu di chỉ này cũng không thể tránh khỏi những thăng trầm, thậm chí đã có lúc gần như bị đe dọa xóa sổ bởi một phần diện tích nằm trong khu đô thị đang được xây dựng. 

Câu chuyện của di chỉ Vườn Chuối đang phải đối mặt với thách thức “tồn tại hay không tồn tại” cũng là vấn đề chung của nhiều di chỉ khảo cổ học ở Hà Nội. Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã lên tiếng, nhưng để có được một bản đồ khảo cổ học đô thị đúng nghĩa cho Hà Nội thì đường vẫn xa lắm.

Khai quật kiểu "chữa cháy" và bản đồ khảo cổ học bị lãng quên gần 20 năm ảnh 1Các hiện vật này được khai quật tại di chỉ 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội  năm 2002

Di tích nằm ngoài vùng bảo tồn

Tại di chỉ Vườn Chuối, qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện 3 tầng văn hóa liên tiếp, từ văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.000 năm), văn hóa Gò Mun (3.000-2.500 năm) cho đến văn hóa Đông Sơn (2.500-1.800 năm). Bên cạnh đó còn là hàng vạn mảnh gốm, hàng nghìn hiện vật gỗ, hàng trăm hiện vật đồng, sắt... Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy rất nhiều tàn tích động vật  ở đây như xương cốt của voi châu Á, trâu bò..., những dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng ở đây khá đậm đặc như là sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung, khuôn đúc bằng đá... Đoàn khai quật còn tìm thấy 28 mộ táng của cư dân văn hóa Đông Sơn, có dấu vết quan tài gỗ. Hiện một số mẫu xương đã được đoàn khảo cổ chuyển đi Australia để giám định ADN, xác định chế độ dinh dưỡng... của cư dân thời kỳ này. 

Có thể nói, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một phức hệ của rất nhiều các di chỉ khảo cổ gần kề nhau, phản ánh quá trình định cư và sinh sống kéo dài hàng nghìn năm của những cư dân đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Được đánh giá là “đặc biệt giá trị”, song cho tới thời điểm hiện tại di chỉ này còn chưa nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội nhưng lại lọt thỏm trong diện tích xây dựng Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch.

Chuyện của di chỉ Vườn Chuối không mới. Trước đó trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều di tích phải khai quật theo kiểu “chữa cháy” trước khi có một công trình xây dựng mọc lên. Đầu tiên phải kể đến là cuộc khai quật di chỉ 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội năm 2002. Cuộc khai quật lớn nhất từ trước tới nay với hàng triệu hiện vật quý giá phát lộ đã cho thấy quy mô của Hoàng thành Thăng Long kéo dài từ  thời Đại La đến thời Nguyễn. 

Suốt nhiều năm sau đó việc bảo tồn khu di chỉ thế nào đã được các học giả trong và ngoài nước bàn thảo. Và sau cùng Hoàng thành Thăng Long đã được bảo tồn đúng với giá trị mà nó vốn có. Đồng thời được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Tiếp nữa là các cuộc khai quật Đàn Xã Tắc vào năm 2006 để  chuẩn bị mặt bằng xây dựng nút giao Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Cuộc khai quật Đàn Nam Giao năm 2007. Khai quật nút giao Đào Tấn - Bưởi năm 2013 nhằm nghiên cứu và di dời di tích, di vật trong khu vực vòng Hoàng thành trước khi khởi công xây dựng tuyến đường vành đai II, kéo dài từ cầu Nhật Tân tới đường Láng…

Sau những cuộc khai quật kiểu “chữa cháy” này, nhiều nhà khoa học đã cho rằng, với một đô thị mà hễ đào lên là có di chỉ khảo cổ như Hà Nội thì rất cần phải xây dựng một bản đồ khảo cổ học. 

Khai quật kiểu "chữa cháy" và bản đồ khảo cổ học bị lãng quên gần 20 năm ảnh 2Gạch vuông lát nền, trang trí nổi cá sấu bơi trong sóng nước, thời Đại La (thế kỷ VIII-IX)

Đã từng có quy hoạch nhưng chưa áp dụng

PGS.TS Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, vào khoảng những năm 1998-2000, Viện Khảo cổ học đã từng bắt tay vào xây dựng một  bản đồ quy hoạch khảo cổ học cho Hà Nội theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội). Việc xây dựng bản đồ này diễn ra khá công phu với sự tham gia trực tiếp của “Tứ trụ” nổi tiếng giới Sử học khi đó là các Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng. Bên cạnh đó còn có một số cán bộ khác của Viện Khảo cổ… Ông Tín cho biết, bản đồ quy hoạch (chủ yếu là 4 quận nội thành cũ) sau khi hoàn thành được chuyển về Sở Văn hóa - Thông tin lưu trữ và từ đó ông cũng chưa thấy áp dụng bao giờ.

Để tìm lại dấu tích của bản đồ khảo cổ năm nào, phóng viên Báo ANTĐ đã tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin thời bấy giờ và được xác nhận đúng là đã từng có bản đồ quy hoạch khảo cổ Hà Nội. Ông Nguyễn Viết Chức cho biết thêm, bản đồ được xây dựng trong vòng 5 năm, khá kỳ công và được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá cao bởi lẽ nó được xem là hoạt động mở đường để việc bảo tồn di sản văn hóa đi đúng hướng, tránh bị động. “Rất tiếc, sau khi hoàn tất nghiệm thu thì tôi chuyển công tác nên từ đó đến nay không biết công trình đó được sử dụng như thế nào”.

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học), quy hoạch khảo cổ là xây dựng hệ thống bản đồ xác định các di tích trên (và dưới) mặt đất, kèm theo phương án bảo vệ. Trong đó còn dự báo và cập nhật các khu vực có tiềm năng về khảo cổ để thăm dò, khai quật khi cần. Đặc biệt, bản đồ quy hoạch khảo cổ này là vô cùng cần thiết trong việc bảo tồn các di tích, di sản trong quá trình phát triển đô thị hiện nay.

Việc lập quy hoạch khảo cổ rất phổ biến, thậm chí bắt buộc tại các đô thị trên thế giới. Ví dụ, ở Nhật Bản và nhiều nước khác, việc tham khảo các bản đồ khảo cổ học trước khi ra quyết định quy hoạch hay đầu tư xây dựng là một điều bắt buộc. Hiện tại ở một số địa phương, Viện Khảo cổ học đã thực hiện xây dựng bản đồ, lập quy hoạch khảo cổ như Khánh Hòa, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế… PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định, với vị thế là Thủ đô của một nước nên quá trình đô thị hóa có tốc độ phát triển nhanh.

Việc mở mang các cơ sở hạ tầng như giao thông, các công trình xây dựng khác làm ảnh hưởng, phá hủy thậm chí làm biến mất khá nhiều di tích nằm trong lòng đất. Để kết hợp hài hòa giữa việc bảo tồn các giá trị lịch sử và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề đặt ra cần nắm rõ, quản lý các di tích khảo cổ học để có sự phối hợp hài hòa giữa các bên. Đồng thời cũng là cơ sở để lập kế hoạch nghiên cứu lâu dài và hiệu quả.

Khai quật kiểu "chữa cháy" và bản đồ khảo cổ học bị lãng quên gần 20 năm ảnh 3Gạch hộp trang trí rồng thời Mạc (thế kỷ XVI)

“Quy hoạch khảo cổ là xây dựng hệ thống bản đồ xác định các di tích trên (và dưới) mặt đất, kèm theo phương án bảo vệ. Trong đó còn dự báo và cập nhật các khu vực có tiềm năng về khảo cổ để thăm dò, khai quật khi cần. Đặc biệt, bản đồ quy hoạch khảo cổ này là vô cùng cần thiết trong việc bảo tồn các di tích, di sản trong quá trình phát triển đô thị hiện nay”.

PGS.TS Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học)