Trước thông tin di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị san lấp, Sở VH-TT Hà Nội nói gì?

ANTD.VN - Trong khi các nhà khoa học còn đang  bàn luận để đưa ra các biện pháp bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, nơi sinh sống những cư dân cổ đầu tiên của Hà Nội (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), thì thông tin di chỉ này đã bị san lấp vào những ngày cuối tuần vừa qua đã làm bàng hoàng không ít người. Trước phản ánh này, Sở VHTT Hà Nội đã lập tức có công văn yêu cầu làm rõ sự việc. 

Tại công văn số 2674/SVH&TT-BQLDT ngày 16-7-2018 về việc thông tin phản ánh liên quan đến di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Sở VH-TT Hà Nội đã có ý kiến.

Theo đó, Sở VH-TT Hà Nội đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng ban chức năng; UBND xã Kim Chung khẩn trương kiểm tra hiện trạng Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối; giám sát quá trình xây dựng và cải tạo công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ. Kết quả thực hiện sẽ gửi về Sở VH-TT Hà Nội trước ngày 22-7-2018 để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. 

Trước thông tin di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị san lấp, Sở VH-TT Hà Nội nói gì? ảnh 1

Hình ảnh chụp tại hiện trường khu vực được cho là đã san lấp di chỉ Vườn Chuối

Yêu cầu này của Sở VH-TT Hà Nội được căn cứ chỉ đạo tại văn bản số 6496/UBND-KGVX của UBND Thành phố về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức giao "UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp với Ban quản lý dự án Thăng Long 9, Tổng công ty cổ phần thương mại-xây dựng Việt Nam trong việc bảo vệ, giữ gìn nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan dến di chỉ".  

Trước đó, sáng 15-7, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến xác nhận thông tin đã có san lấp ở di chỉ Vườn Chuối. Tuy nhiên, phần san lấp, đổ phế thải có rơi vào khu vực khảo cổ học cần được bảo vệ hay không sẽ cần được tiến hành kiểm tra trên thực địa. 

Ông Trương Minh Tiến cũng cho hay, hiện nay Sở VH-TT Hà Nội đã cho người xuống kiểm tra để khẩn cấp làm văn bản cho huyện và xã về việc này; đồng thời yêu cầu cán bộ của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cùng giám sát di chỉ này với cán bộ huyện. Văn bản đề nghị về giải pháp với di chỉ khảo cổ Vườn Chuối cũng sớm được hoàn thiện để gửi UBND TP Hà Nội.

Trước phản ánh di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối bị san lấp, Báo An ninh Thủ đô đã liên hệ với xã Kim Chung để làm rõ sự việc. Đại diện xã này cho biết, sáng nay các bộ phận chức năng của xã đã xuống hiện trường để kiểm tra tình hình san lấp và đổ phế thải tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Tuy nhiên, hiện trạng của khu vực cần bảo vệ vẫn nguyên trạng. Khu vực san lấp nằm trên phần đất của chủ đầu tư, không ảnh hưởng tới di chỉ này. 

Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối mang giá trị đặc biệt quan trọng

Qua 8 lần khai quật, giá trị của di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) đã không còn phải bàn cãi. Theo các nhà khảo cổ, đây là di chỉ khảo cổ hiếm hoi còn lại có thể cho chúng ta biết về thời kỳ dựng và giữ nước đầu tiên cách đây hơn 3.000 năm. Di chỉ này chứa đựng lớp di tích văn hóa kéo dài qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ Đồng Đậu qua Gò Mun tiến đến Đông Sơn.

“Khi tiếp cận, tôi vô cùng kinh ngạc vì chúng ta có một di chỉ mang giá trị quá lớn như thế”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói.

Đặc biệt, cùng với cơn lốc đô thị hóa, việc tồn tại của di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đến ngày nay càng mang giá trị đặc biệt. Theo con số PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cung cấp, có tới hơn 90% các di chỉ thời Hùng Vương đã biến mất. 

Do vậy, việc bảo tồn và gìn giữ di chỉ Vườn Chuối đang được các cấp, các ngành chung tay thực hiện nhằm giúp các thế hệ người Việt hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. 

Tại buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 11-7-2018 do Sở VH-TT Hà Nội tổ chức, đa số các ý kiến đều kiến nghị cần tiến hành khẩn trương việc lập hồ sơ và công nhận di tích đối với di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Việc làm đó là cần thiết để khu vực có ý nghĩa đặc biệt này sẽ nằm trong sự bảo vệ của pháp luật. 

Trong khi các nhà khoa học còn đang bàn luận thì chỉ ít ngày sau buổi tọa đàm khoa học , thông tin di chỉ khảo cổ học này bị san lấp đã làm không ít người bàng hoàng. Và thực hư của câu chuyện sẽ được xã Kim Chung báo cáo giải trình trong văn bản gửi về Sở VH-TT Hà Nội trước ngày 22-7-2018.