Đất đã giao cho doanh nghiệp, di chỉ Vườn Chuối của cư dân Hà Nội cổ sẽ được bảo vệ thế nào?

ANTD.VN - Với ý nghĩa đặc biệt, thể hiện đời sống hàng ngày của những cư dân cổ đầu tiên của Hà Nội nhưng di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức – Hà Nội) lại khó được bảo vệ khi toàn bộ khu vực khảo cổ học này nằm trọn vẹn trong phần đất của chủ đầu tư khu đô thị phức hợp Kim Chung-Kim Lũ là công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex.

Tại cuộc Tọa đàm khoa học về việc đánh giá và bảo tồn di tích Vườn Chuối được Sở VHTT Hà Nội tổ chức sáng ngày 11/7/2018, GS -TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ năm 1969 đến nay, đã có 8 cuộc khảo cổ ở khu di tích Vườn Chuối. Kết quả cho thấy, tại đây, còn sót lại rất nhiều những những tàn tích động vật như xương cốt của voi Châu Á, trâu bò…  và những dấu tích liên quan đến nghề đúc đồng khá đậm đặc.

Đó là sỉ đồng, giọt đồng, thỏi đất nung, khuôn đúc bằng đá. Tầng văn hóa có chỗ mỏng, chỗ dày, mặt bằng cư trú có lớp đất sét vàng, được cho là cư dân cổ đã xử lý nền làm nhà; xử lý mặt bằng sinh sống; gia cố đất nung, di tích hố đất đen, dấu tích lò đúc đồng liên quan đến giai đoạn Đồng Đậu.

GS-TS Lâm Thị Mỹ Dung trình bày những phát hiện của cuộc khai quật di chỉ Vườn Chuối

Ngoài ra, đoàn khai quật còn tìm thấy những mộ táng của cư dân văn hóa Đông Sơn. “Chúng tôi đã tìm thấy 28 mộ táng, có dấu vết quan tài gỗ. Cách táng cũng đa dạng, đó là mộ chôn người mặt thẳng, đồ chôn, số lượng khá đa dạng, khác nhau cho thấy sự giàu nghèo của cư dân thời đó. Hiện một số mẫu xương đã được đoàn khảo cổc chuyển đi Úc để giám định ADN, xác định chế độ dinh dưỡng… của cư dân thời kỳ này” – GS.TS Dung nói.

Đặc biệt, tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã đặc biệt nhấn mạnh đến ý nghĩa của di chỉ Vườn Chuối còn tồn tại đến ngày hôm nay trong bối cảnh các di tích khảo cổ học thời tiền Hùng Vương và Hùng Vương đã biến mất một cách nhanh chóng cùng cơn lốc đô thị hóa. Với những di vật thu lượm được trong quá trình khai quật di chỉ Vườn Chuối đã góp phần chứng minh nguồn gốc, sự lan tỏa và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trong tình hình đó, loại di tích có niên đại kéo dài hàng nghìn năm như di chỉ Vườn Chuối trong thời kỳ dựng nước đầu tiên càng có giá trị khoa học to lớn.

Di chỉ Vườn Chuối đã trải qua 8 lần khai quật kể từ năm 1969 đến nay

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, "trường hợp của di chỉ Vườn Chuối là hiện tượng cần được xem xét tổng thể để đưa ra cảnh báo, các giải pháp bảo vệ. Bởi sự tồn tại của khu khảo cổ học Vườn Chuối ở giữa khu đô thị dày đặc các nhà cao tầng là sự may mắn, cực kỳ hiếm hoi và rất dễ bị biến mất chỉ trong một vài ngày nào đó".

Với ý nghĩa không thể phủ nhận của di chỉ Vườn Chuối, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đề xuất, cần phải xếp hạng di tích Vườn Chuối, để từ đó có phương án bảo vệ bằng pháp luật, nếu không, khi di tích này bị xóa sổ thì thế hệ mai sau của Hà Nội rất thiệt thòi.

Nhưng điều khiến các nhà khoa học đau đầu để bảo tồn di chỉ Vườn Chuối lại đến từ vấn đề... bất động sản. Theo đó, khu vực di tích Vườn Chuối đã nằm trọn vẹn trong phần đất của chủ đầu tư khu đô thị phức hợp Kim Chung-Kim Lũ là công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietracimex. Đơn vị này đã tiến hành giải phóng mặt bằng và do việc mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, đến nay, Vietracimex đang trong quá trình lập bản quy hoạch chi tiết khu đô thị trước Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.

Mộ táng được tìm thấy tại di chỉ Vườn Chuối

Đại diện của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, do ranh giới của di chỉ Vườn Chuối đến nay chưa được xác định một cách rõ ràng nên bản quy hoạch chi tiết của Vietracimex vẫn tiếp tục được xem xét. Đại diện của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng mong muốn, các nhà khoa học sẽ sớm đưa ra một địa giới cụ thể cho khu vực khảo cổ học Vườn Chuối để đơn vị này có những thông số cần thiết trong việc yêu cầu chủ đầu tư bảo vệ và bảo tồn di chỉ có ý nghĩa đặc biệt này.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định tại buổi tọa đàm, Sở VH-TT Hà Nội sẽ tập hợp và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận di tích cho khu khảo cổ Vườn Chuối. Bên cạnh đó, rất có thể trong thời gian tới, Sở sẽ tổ chức một cuộc trưng bày chuyên đề về di chỉ Vườn Chuối qua 8 lần khai quật. Đồng thời, Sở sẽ kiến nghị với UBND huyện Hoài Đức và chủ đầu tư bảo vệ di chỉ, giữ nguyên hiện trạng khu vực này.

Cách đây không lâu, GS Nguyễn Văn Huy đã từng gửi thư cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc cần phải bảo vệ khẩn cấp khu di tích này, vì cùng với nhưng di tích như Văn Điển, Triều Khúc, Đàn Xã Tắc, những phát hiện tại Vườn Chuối đã thể hiện được đời sống của cư dân cổ đầu tiên của Hà Nội. Đó là giá trị cần phải được các chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng chung tay bảo tồn.