Khi còn hạnh phúc bên Quang Dũng, người ta chỉ nói về Jenni với cụm từ “vợ của ca sĩ Quang Dũng”. Sau khi hôn nhân tan vỡ, người ta gọi Jenni là “vợ cũ của ca sĩ Quang Dũng”. Nhưng giờ đây xuất hiện trên báo chí, cái tên Jennifer Phạm đã đàng hoàng đứng một mình, với những dấu ấn thể hiện cố gắng không ngừng nghỉ của Jennifer trên con đường khẳng định mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau đổ vỡ, ngay cả một người phụ nữ vốn được coi là mong manh, yếu đuối như Jenni cũng trở nên kiên cường hơn.
Giữ được tâm hồn Việt và vẻ đẹp Việt trên đất Mỹ
Từ khi đăng quang “Hoa hậu châu Á tại Mỹ” năm 2006 cho tới giờ, cái tên Jennifer Phạm đã trở thành nổi tiếng và được hầu hết người Việt Nam biết đến. Jenni là trường hợp nhan sắc Việt ở nước ngoài được công chúng trong nước biết tới và quan tâm nhiều nhất.
Tôi thích vẻ đẹp dịu dàng và ngày càng đằm thắm của Jenni. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng thế. Nhiều đồng nghiệp từng thú nhận với tôi, dù là con gái, họ vẫn không tránh khỏi cảm giác ghen tị với Jenni và không cưỡng lại được khi ngắm nhìn vẻ đẹp của Jenni. So với cách đây vài năm, khi mới đăng quang rồi về Việt Nam sinh sống, Jenni bây giờ đẹp hơn rất nhiều với phong cách duyên dáng, nữ tính. Điều thú vị nhất là dù sống ở Mỹ từ nhỏ, nhưng Jenni lại mang vẻ đẹp và tính cách rất Á Đông, không hề bị “Mỹ hoá”.
Jennifer Phạm có một cái tên Việt Nam rất đẹp: Phạm Vũ Phượng Hoàng. Sinh năm 1985 tại TPHCM, nhưng khi chưa đầy 3 tuổi, Jenni đã theo gia đình sang định cư ở bang Cali, Mỹ. Trước khi chưa đăng quang “Hoa hậu châu Á tại Mỹ”, công chúng trong nước chưa biết Jennifer Phạm là ai. Nhưng kể từ đó đến nay, Jenni đã trở thành một nghệ sĩ có lượng fan lớn ở Việt Nam.
Không giống như nhiều thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Jenni là một người rất thuần Việt. Jenni nói tiếng Việt rất giỏi, biết nấu nướng, thêu thùa và thích mặc áo dài. Tất cả là nhờ sự giáo dục, bảo ban kỹ càng và chu đáo của ba mẹ.
Jennifer Phạm đăng quang Hoa hậu châu Á tại Mỹ.
Khi sang Mỹ, ba mẹ Jenni chỉ có hai bàn tay trắng. Để nuôi được các con nhỏ, ba mẹ Jenni đã phải trải qua rất nhiều công việc vất vả. Nhưng không bao giờ vì cuộc sống mưu sinh, mà ba mẹ Jenni quên đi trách nhiệm dạy dỗ, bảo ban con cái. Gia đình Jenni sống ở Cali, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống, nên chị em Jenni cũng ít nhiều có được không khí sống trong cộng đồng của mình. Để các con không quên cội nguồn của mình là người Việt Nam, không cứ gì dịp lễ Tết, mẹ Jenni đều đưa con cái lên chùa và cùng các con làm những việc thiện. Tuy sống ở Mỹ đã hơn 20 năm, nhưng ba mẹ Jenni vẫn giữ nề nếp gia đình, chú trọng việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Ba mẹ cũng bắt chị em Jenni phải học cách thờ cúng tổ tiên để không quên truyền thống đạo lý của người Việt.
Tuy Jenni sang Mỹ từ lúc chưa đầy 3 tuổi, nhưng Jenni nói tiếng Việt rất sõi. Khi sang Mỹ, lo sợ con cái quên đi tiếng nói của dân tộc, ba mẹ Jenni đã dạy tiếng Việt cho chị em Jenni rất tỉ mỉ. Gia đình Jenni có một quy ước: đi ra ngoài giao tiếp bằng tiếng Anh nhưng khi về đến vạch cửa nhà thì chỉ được phép nói tiếng Việt. Không một ai trong gia đình Jenni được phép vi phạm nguyên tắc này. Sống ở một đất nước hiện đại, nhộn nhịp, nhưng nhà Jenni có một yêu cầu bắt buộc nữa là đến bữa cơm tất cả gia đình phải có mặt đầy đủ mới ăn cơm. Bữa cơm nhà Jenni bao năm qua luôn ấm cúng vì có sự có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình.
Mẹ Jenni là một người phụ nữ Việt Nam truyền thống điển hình. Mẹ rất dịu dàng, yêu tà áo dài Việt. Mẹ Jenni cũng thêu thùa rất giỏi, thích đọc thơ văn và thuộc rất nhiều ca dao, dân ca, tục ngữ Việt. Vì thế, mẹ cũng nuôi dạy Jenni trở thành một người phụ nữ Việt truyền thống. Khi Jenni còn bé, mẹ Jenni thường xuyên kể truyện cổ tích rồi hát những bài dân ca cho Jenni nghe. Trong cuộc sống ngày thường, mẹ cũng hay dùng những câu ca dao, tục ngữ, những câu ví von mà người Việt hay sử dụng thường nhật. Chị em Jenni đã học được của mẹ rất nhiều ca dao, tục ngữ. Sau này về Việt Nam, Jenni thường xuyên khiến mọi người ngạc nhiên vì khả năng sử dụng những câu ví von quá “cao thủ” của mình.
Khi Jenni còn bé mẹ đã dạy cho Jenni những kiến thức về tà áo dài Việt Nam. Mẹ nói với Jenni, áo dài là tà áo truyền thống của người phụ nữ Viêt Nam, thể hiện nét duyên dáng, kín đáo đậm chất Á Đông của người con gái Việt. Vào những dịp lễ Tết, bao giờ mẹ cũng mặc áo dài để thắp hương cúng ông bà tổ tiên và đi chùa. Khi bắt đầu mặc được áo dài, Jenni cũng bị ảnh hưởng thói quen này của mẹ. Vì thế, trong nhà Jenni bao giờ cũng có một tủ đựng áo dài của hai mẹ con.
Mẹ là người rất khéo tay. Mẹ dạy Jenni thêu thùa, khâu vá - những cái mà thanh niên người Việt lớn lên ở Mỹ hầu như rất xa lạ. Jenni biết nấu canh chua, cá kho, làm nem Việt, nấu phở cũng là nhờ mẹ. Tài bếp núc của Jenni đủ để Jenni có thể trở thành một cô dâu đảm đang trong bất cứ gia đình Việt Nam nào. Mẹ dạy Jenni cách ăn nói, đi đứng nhẹ nhàng, duyên dáng sao cho ra dáng một cô gái Việt Nam. Cách nuôi dạy của mẹ đã khiến Jenni có tính cách dịu dàng và thuần Việt như mọi người đã chứng kiến, dù xa quê hương từ khi còn nhỏ. 4 chữ “Công, dung, ngôn, hạnh”, Jenni đều học được từ mẹ.
Từ nhỏ Jenni đã được mẹ đưa đi chùa, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Vì thế, Jenni có nhiều kinh nghiệm trong việc tham gia các hoạt động xã hội. Khi còn là sinh viên, Jenni đã từng tham gia những tổ chức từ thiện phi chính phủ giúp người nghèo và góp phần phát triển giáo dục Việt Nam.
Trong gia đình Jenni, ba mẹ rất yêu thương con cái nhưng cũng nghiêm khắc với con cái. Tuy vậy, điều quan trọng nhất là ba mẹ rất tôn trọng và bình đẳng với con cái. Nhờ đó, ba mẹ như hai người bạn lớn, là nơi Jenni có thể giãy bày tâm sự, trút bỏ mọi niềm vui, nỗi buồn. Khi Jenni ở thời điểm khó khăn nhất khi cuộc hôn nhân với Quang Dũng đổ vỡ, ba mẹ Jenni không hề gặng hỏi điều gì, chỉ an ủi, động viên Jenni sớm vượt qua nỗi buồn. Ba mẹ luôn là chỗ dựa cho Jenni trong lúc khó khăn.
Là chị cả của ba đứa em nhỏ, Jenni luôn được cha mẹ dạy phải gương mẫu và ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình với các em. Hầu như suốt tuổi thơ, Jenni là một người con ngoan ngoãn và một người chị gương mẫu. Lần duy nhất mà cô chị cả Jenni nổi loạn là trốn ra khỏi nhà cùng bạn bè lúc nửa đêm để thực hiện một cuộc thách đấu nguy hiểm. Một người bạn đã thách Jenni nhảy xuống biển từ một cây cầu và bơi vào bờ giữa trời lạnh. Jenni đã nhận lời thách thức đó, nhảy xuống biển và bơi vào bờ thật, dù vừa bơi vừa sợ dưới biển có cá mập. Thật may là tối hôm đó, không có con cá mập nào tấn công Jenni. Đó là kỷ niệm nhớ đời, nhưng cũng là lần hiếm hoi Jenni nổi loạn. Phần lớn thời cấp 3, Jenni học tập mẹ tham gia vào các tổ chức thiện nguyện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Sở hữu một gương mặt xinh xắn, dễ thương và thân hình cân đối, khi còn học cấp 3, Jenni đã có tố chất trở thành người mẫu và từng được mời tham gia trình diễn thời trang và chụp hình cho một số tờ báo ở địa phương. Tôn trọng sở thích của con gái, ba mẹ Jenni đã cho Jenni đi biểu diễn vào dịp cuối tuần, với điều kiện Jenni vẫn phải đảm bảo việc học hành, tuyệt đối không được chểnh mảng, sa sút. Jenni đã đảm bảo lời hứa đó với ba mẹ khi tốt nghiệp phổ thông trung học với số điểm 3,9/4 - số điểm loại ưu toàn trường. Kết quả học tập xuất sắc đã khiến Jenni thực sự được ba mẹ tin tưởng.
Sau khi trở thành sinh viên, theo học cùng lúc ngành tâm lý và y khoa tại Đại học California, Jenni tiếp tục làm việc ở đài truyền hình rồi dần trở nên quen thuộc và nổi tiếng với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Jenni từng tham dự và giành giải thưởng cao trong nhiều cuộc thi: Miss Vietnamese American Top Model (cuộc thi dành cho người mẫu), giải Á hậu cuộc thi Hoa hậu người Việt tại Mỹ năm 2005 và Hoa hậu cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ năm 2006. Trong lịch sử tổ chức 18 năm của cuộc thi này (tính đến thời điểm năm 2006), Jenni là thiếu nữ người Việt đầu tiên giành ngôi vị cao nhất của cuộc thi.
Cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ đến giờ vẫn là kỉ niệm ngọt ngào với Jenni. Lọt vào chung kết với 30 gương mặt đều là hoa hậu, hoa khôi của các cộng đồng quốc gia châu Á định cư tại Mỹ, Jenni khá hoảng vì ai cũng duyên dáng và ứng xử hay. Đứng trên sân khấu rất run, điều duy nhất khiến Jenni tự tin và hãnh diện chính là chiếc áo dài dân tộc truyền thống. Khi lọt vào Top 5 rồi được trả lời câu hỏi ứng xử, Jenni đã thầm bỏ phiếu cho thí sinh Ấn Độ vì câu trả lời quá hay của thí sinh này. Nhưng cuối cùng, phần trả lời của Jenni đã được Ban giám khảo đánh giá cao hơn.
Jenni vẫn nói, Jenni được đăng quang cuộc thi Hoa hậu châu Á tại Mỹ năm 2006 chính là nhờ ba mẹ. Vì nhờ những câu tục ngữ, ca dao mẹ dạy, nhờ ba mẹ đã chăm chỉ dạy Jenni tiếng Việt, nên trong cuộc thi đó Jenni đã trả lời xuất sắc phần thi ứng xử của mình, với ý thức rất cao về ngôn ngữ dân tộc và nguồn cội. Phần ứng xử đó đã đem lại cho Jenni vương miện hoa hậu của cuộc thi.
Luôn chờ đợi những cột mốc trong cuộc đời
Kể từ khi về Việt Nam cho đến nay, Jenni đã trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống và phải đối diện với những áp lực của một người nổi tiếng. Đó là áp lực khi bị dư luận soi xét khi hôn nhân với Quang Dũng tan vỡ, là những sự cố trong làng giải trí, là những bình phẩm, khen chê của công chúng. Nhưng Jenni ngày càng mạnh mẽ hơn trong cuộc sống và không bị những khó khăn đó khuất phục.
Jennifer Phạm hạnh phúc bên con trai.
Sau những đổ vỡ hôn nhân, niềm an ủi và hạnh phúc lớn nhất của Jenni chính là bé Bảo Nam. Vì tương lai của con, Jenni đã quyết định đưa con sang Mỹ sống cùng ông bà ngoại, với hi vọng Bảo Nam có điều kiện phát triển tốt nhất. Jenni vẫn xót xa vì bình thường ở Việt Nam, những lúc Bảo Nam ốm đau, bị ho hay bị sốt, Jenni thường túc trực bên con trai suốt đêm. Nhưng giờ, Bảo Nam ở Mỹ, Jenni không thể bay ngay về để ở bên cạnh con khi con bị sốt. Đó là điều đau khổ nhất với một người mẹ. Mỗi ngày, Jenni đều dành thời gian nói chuyện với con trai và nhìn con trai qua mạng. Chứng kiến bé Bảo Nam ngày càng chững chạc, người lớn, Jenni vô cùng hạnh phúc và tự hào. Bận rộn đến mấy, cứ 1 - 2 tháng, Jenni lại bay sang Mỹ thăm con trai một lần, để Bảo Nam biết rằng dù ở đâu, Bảo Nam cũng có được tình yêu của mẹ.
Bé Bảo Nam là một cậu bé rất dễ thương, và yêu mẹ. Khi hai mẹ con ở gần nhau, sáng nào thức dậy, Bảo Nam cũng ôm mẹ và hôn lên má mẹ. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc thật sự đối với Jenni. Nó luôn khiến Jenni nhớ lại giây phút đón Bảo Nam chào đời, gắn kết với Jenni bằng một sợi dây thiêng liêng mà người ta gọi là tình mẫu tử. Bảo Nam rất thích nghe Jenni kể chuyện. Hai mẹ con ở cách nhau nửa vòng trái đất, nhưng sáng nào, Jenni cũng trò chuyện với con qua webcam, qua điện thoại và kể chuyện cho Bảo Nam nghe như khi ở Việt Nam. Cũng giống như cách ba mẹ đã nuôi dạy Jenni, Jenni tuy cho con đi học ở Mỹ, nhưng vẫn bắt Bảo Nam tuân theo nguyên tắc của gia đình: ở lớp nói tiếng Anh, còn khi về nhà nói tiếng Việt. Jenni muốn con mình là người Việt Nam thì phải biết nói tiếng Việt và am hiểu văn hoá dân tộc. Jenni muốn Bảo Nam được dạy dỗ và hấp thụ những gì tốt nhất của văn hoá phương Đông và phương Tây.
Jenni và Quang Dũng không còn ở bên nhau như thời hạnh phúc nhất, nhưng cả hai thống nhất vẫn coi nhau là bạn và cùng hỗ trợ nhau nuôi dạy con trai. Khi Quang Dũng bận, Jenni sẽ về Mỹ thăm con. Khi Jenni về Việt Nam lo thu xếp công việc, Quang Dũng sẽ qua Mỹ. Nhờ đó, Bảo Nam không quá bị tủi thân vì xa cha mẹ, không quá hụt hẫng về sự chia ly của gia đình.
Jenni còn rất trẻ. Việc nghĩ tới một hạnh phúc mới là việc đương nhiên. Nhưng Jenni ngày hôm nay đã đủ chín chắn để không còn vội vàng trước những sự lựa chọn quan trọng của đời mình. Khi chọn cho mình hạnh phúc mới, việc đầu tiên, Jenni phải nghĩ tới đó là chọn cho con trai mình một người bố có thể thực sự yêu thương Bảo Nam như con ruột.
Cả năm vừa rồi, Jenni sống ở Hà Nội nhiều hơn ở TPHCM. Nhiều người chọn cách Nam tiến nhưng Jenni lại ra Bắc. Sau khi chia tay Quang Dũng, Jenni đã chọn được một bến đỗ bình yên bên cạnh người bạn trai Hà Nội, từng đi du học ở Mỹ và hiện đang làm việc tại Hà Nội. Nhiều người biết bạn trai mới của Jenni đang sống ở Hà Nội thì nghĩ Jenni ra Hà Nội theo tiếng gọi tình yêu. Nhưng đó chỉ là một phần lý do. Sống ở TPHCM một thời gian dài. Dù yêu TPHCM, Jenni vẫn có những lúc thấy mệt mỏi vì nhịp sống ở đó. Ra Hà Nội giúp Jenni được sống với sự yên tĩnh, nhẹ nhàng, giúp Jenni có thời gian suy nghĩ về những điều đã qua và về tương lai sắp tới. Hà Nội giúp Jenni vơi đi nỗi buồn xa cậu con trai nhỏ tuổi, vì mỗi lần đi diễn xa về, Jenni luôn biết có một người chờ đợi mình ở đây.
Chưa có dự định chắc chắn về tương lai, vì hiện tại Jenni và bạn trai chưa quyết định về sống chung, Jenni hẹn sẽ chia sẻ về tình yêu với khán giả vào một dịp khác, khi mọi chuyện vững chắc hơn. Nhưng Jenni hạnh phúc với hiện tại của mình, vì bạn trai không chỉ yêu Jenni mà cũng rất yêu bé Bảo Nam. Ba mẹ Jenni cũng ủng hộ mối quan hệ mới này, họ chỉ dặn dò Jenni là thật chậm dãi với những quyết định mới. Jenni vẫn đang yêu, nhưng không vội vàng và biết cân nhắc tất cả những điều thiệt hơn, những khó khăn xung quanh. Jenni muốn sự lựa chọn sau này của mình sẽ là sự lựa chọn hạnh phúc, để tránh đi phải những đổ vỡ đã qua. Jenni coi mỗi sự kiện trong cuộc đời mình đều là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành.
Trước khi kết hôn, Jenni chỉ là một cô sinh viên học ngành y, chưa có nhiều mối quan hệ và nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với xã hội. Cô sinh viên ngành y ngày đó nhìn cuộc sống với ánh mắt màu hồng, chỉ biết nghe theo tiếng gọi tình yêu và chưa lường được những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống vợ chồng. Nhưng Jenni ngày hôm nay đã trải qua những cột mốc khác. Jenni đã kết hôn, đã sinh con, rồi chứng kiến hôn nhân của mình tan vỡ. Đó là những cột mốc lớn trong cuộc đời Jenni, dù tất cả chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Sau những thay đổi này, Jenni đã trải qua rất nhiều nỗi buồn.
Nhưng mỗi nỗi buồn giúp Jenni trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, để sống tốt hơn và biết cách ứng xử với cuộc đời hơn nữa. Jenni vẫn đang chờ những cột mốc mới trong cuộc đời mình. Đó có thể là những thành công mới, dấu ấn mới trong sự nghiệp. Đó cũng có thể là những hạnh phúc mới trong tình yêu và cuộc sống riêng tư.