Huỳnh Trọng Khang - tác giả "Mộ phần tuổi trẻ": "Tôi chỉ muốn là người viết tử tế"

ANTD.VN - Không ai nghĩ rằng một tác giả mới ngoài 20 tuổi như Huỳnh Trọng Khang lại thể hiện một lối viết đầy suy tư, chiêm nghiệm không kém phần táo bạo về một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn cuối những năm 1960. Chàng trai sinh năm 1994 đã có những chia sẻ về cuốn “Mộ phần tuổi trẻ” - tác phẩm văn học đang gây ra những xáo động trên văn đàn trẻ thời gian gần đây.

Bị cho là “già đời”

- Với một người trẻ, viết về một giai đoạn lịch sử với những con người, bối cảnh mà mình chưa từng trải qua hẳn là thử thách. Đã bao giờ bạn nghĩ mình mạo hiểm chưa? 

- Tác giả Huỳnh Trọng Khang: Nói mạo hiểm thì cũng có. Vì viết về những gì mình thân thuộc còn khó huống chi là những gì mình chưa trải qua. Nói thật, khi tôi đề cập đến những nhân vật lịch sử có thật, những con người thật, sự việc thật, tôi cũng đã lo lắng rằng nó có thể gây tổn thương, hoặc làm xây xước một kỷ niệm của những người đã từng có phần đời trong đó. Tuy nhiên, trước đây khá lâu tôi cũng đã từng có ý định viết về chiến tranh, nên ở tác phẩm này tôi muốn thử đặt mình vào bối cảnh Sài Gòn những năm tháng cũ, để viết về những thanh niên ở thời đại đó, họ nghĩ gì về thời chiến. Một lý do nữa đó là gia đình tôi vốn ở Quảng Nam, tuy nhiên sau đó di dân vào Sài Gòn. Bởi vậy, Sài Gòn là nơi lưu giữ một phần ký ức của gia đình tôi. 

- Được biết ban đầu tác phẩm có một cái tên khác. Nhưng sau cùng lại được chuyển thành “Mộ phần tuổi trẻ”, cái tên gợi nhiều u uất, thê lương. Vì sao vậy?

- Ban đầu tôi định chọn cho tác phẩm một cái tên dễ hiểu, dễ nhớ hơn, đó là “Con trai tướng quân”. Vì toàn bộ tác phẩm đều xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính, đó là con trai của một Trung tướng thuộc chế độ Sài Gòn cũ. Tuy nhiên, khi gửi bản thảo đến đơn vị xuất bản thì chúng tôi đã thống nhất một tiêu đề khác, đó là “Mộ phần tuổi trẻ”. Đây là một cái tên gợi nhiều ý nghĩa. Vì với nhân vật chính thì nấm mồ là nơi để anh ta chôn vùi, lấp đi quá khứ của mình. Nhưng chính nấm mồ ấy cũng là nơi thiêng liêng để nhân vật cất giữ thời tuổi trẻ của mình. 

- Bạn nhắc đến con người chối bỏ thân phận và tìm cách trốn tránh thực tại. Phải chăng ở một giai đoạn nào đó xã hội đã tồn tại những lớp người như thế?

 - Thú thực khi xây dựng nhân vật này tôi không dựa trên nguyên mẫu nào ngoài đời thực cả. Nhưng khi tôi đọc sách thì biết rằng, ở Sài Gòn trước năm 1975 từng tồn tại một chủ nghĩa gọi là hiện sinh mà biến thể của nó là trào lưu hippie. Những người trẻ bị cuốn vào trào lưu này, họ luôn hoài nghi trước hiện thực, cảm thấy lạc lõng không còn chỗ nào để bấu víu. Nhân vật của tôi cũng thế. Anh ta sinh ra trên mảnh đất này, nhưng luôn có cảm giác bị lưu đày trên chính quê hương của mình. Bởi vậy anh ta bất lực và tìm cách trốn chạy.  

- Nhiều người nói cách viết của bạn khá “già đời”, chắc là do những điều bạn viết trong cuốn sách, nó nhiều trải nghiệm, nhiều suy tư của người ham đọc, chịu khó nghiền ngẫm. Khi viết cuốn sách này, bạn có bị ảnh hưởng bởi một ai đó không?

- Ảnh hưởng thì chắc chắn phải có rồi, nhất là khi đây là cuốn sách đầu tiên của tôi. Với một nhà văn lớn, thì một dấu chấm hay một con chữ cũng đủ để nhận ra họ là ai. Có điều trong tác phẩm này thì tôi vẫn chưa làm được điều đó. Trước “Mộ phần tuổi trẻ”, tôi từng gửi bản thảo khác để NXB đánh giá, nhưng bị nói trẻ con quá. Đến tác phẩm này thì bị kêu là “già” (cười). Điều đó tùy thuộc vào đánh giá của mọi người thôi. 

Huỳnh Trọng Khang - tác giả "Mộ phần tuổi trẻ": "Tôi chỉ muốn là người viết tử tế" ảnh 2“Mộ phần tuổi trẻ” chất chứa nhiều suy tư, chiêm nghiệm khiến người đọc bất ngờ khi biết tác giả mới ngoài 20 

Thấy lạ khi người khác khen mình

- Được biết bạn bắt đầu chấp bút cho “Mộ phần tuổi trẻ” từ năm 2014. Nhưng cho đến nay sau gần 2 năm tác phẩm này mới đến tay độc giả. Có điều gì khiến bạn phải chờ đợi lâu như vậy?

- Khi chọn đề tài này thì việc tìm được một NXB chấp nhận in nó không phải là dễ dàng. Tôi viết cuốn sách này không lâu như mọi người nghĩ, chỉ mười mấy ngày thôi. Nhưng khi gửi đến NXB thì 2 lần mới được duyệt. Lần đầu tôi bị từ chối bằng một cái email viết sẵn. 2 tháng sau tôi quyết định gửi lại thì phải đến 3-4 tháng sau mới nhận được hồi âm. Sau đó tôi cũng trải qua một vài lần thuyết phục người biên tập nữa.  

- Bị từ chối như vậy có khiến bạn nản lòng? 

- Tôi không cảm thấy nản lòng. Nói thật tôi đã viết văn, viết báo hơn 10 năm nay và cũng nhiều lần không được đăng. Viết văn thì rõ ràng không thể là con đường nhẹ nhàng. Khi tôi tặng ba mẹ tôi sách, không biết họ có đọc không nhưng tôi thấy họ cứ “rầu rầu”. Hỏi thì bảo “con trai theo nghiệp văn làm chi cho nghèo”. Họ nghĩ rằng nghề văn là nghề không ổn định (cười). 

- Ngoài những người thân, chắc bạn cũng nhận được những phản hồi của dư luận về tác phẩm của mình? 

- Nếu ai khen tôi thì tôi thấy lạ lắm. Còn chê thì có nhiều. Nhưng có những người chê rất hay, họ không chê suông mà còn góp ý, sửa chữa cho sách của tôi. Từ đó tôi có thể rút kinh nghiệm cho chính mình. Thú thực, tôi không biết sách của mình có bán được hay không hay nó phải có tầm ảnh hưởng như thế nào đến độc giả. Bản thân tôi cũng chỉ nghĩ đây là một cuốn sách “đọc được”. 

- Tác phẩm đầu tay là cái để định hình cá tính của tác giả với công chúng. Vậy qua “Mộ phần tuổi trẻ” bạn muốn xây dựng hình ảnh nhà văn như thế nào? 

- Tôi chỉ đơn giản muốn được là người viết đàng hoàng, tử tế. Không chạy theo thị hiếu hay doanh số, không vì để ai đó mát lòng mà viết ra những cái không phải của mình. Tôi hy vọng mình có thể trở thành một người có thể dùng tác phẩm để nói lên những suy nghĩ thật nhất của mình.

- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!