Huyền thoại người Ý trên chiếc Vespa

ANTĐ - Xuất phát từ Thủ đô Roma- Ý, nhà văn Giorgio Bettinelli đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt, vượt qua 24.000 cây số đến TP.HCM. Tuy đã qua đời sau một cơn bạo bệnh vào năm 2008 tại Trung Quốc, nhưng câu chuyện về những cung đường ông đã đi qua gắn liền với chiếc Vespa huyền thoại vẫn được những tín đồ của dòng xe cổ điển này nhắc đến.

Giorgio Bettinelli và những người phụ nữ Sài Gòn

Châu Á qua chiếc xe hai bánh

Bắt đầu từ việc được “chuyển nhượng” một chiếc Vespa cũ ở Indonesia, năm 1992, Giorgio Bettinelli, người đàn ông 37 tuổi đã nảy ra ý tưởng táo bạo: Đi từ Thủ đô Roma, Italia tới TP.HCM bằng đường bộ. Một lộ trình khó khăn phức tạp chờ đợi Giorgio khi ông phải di chuyển qua 10 quốc gia Italia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Thái Lan, Lào trước khi đặt chân tới Việt Nam.

Chuyến đi đã được đúc kết đầy đủ và chân thực trong cuốn “Vespa du ký - Từ Roma đến TP.HCM” - mà trong đó, để chạm tới đích đến cuối cùng là Sài Gòn, Giorgio đã phải trải qua những hành trình nội tâm đầy đau đớn, giằng xé. Đã có lúc, ông đứng trước lựa chọn đi tiếp hay quay về khi không thể tiến vào Myanmar bởi nước này đóng cửa biên giới đường bộ, rồi gần như gục ngã tại Lào khi chỉ cách Việt Nam vài trăm cây số. Trên cả chặng đường dài, khi chỉ có chiếc Vespa bên cạnh, Giorgio Bettinelli mới cảm nhận sâu sắc nhất chuyến đi của mình. Sau này, ông Hoàng Minh Tâm - nhân viên Đại sứ quán Ý, chính là nhân vật tên “Tanh” trong tác phẩm, người giúp đỡ Giorgio khi đến Việt Nam kể lại, “Khi không thể đưa chiếc Vespa ra khỏi sân bay, tôi nhận thấy sự thất vọng trong Bettinelli là rất lớn. Cho đến khi lấy được giấy phép qua rất nhiều thủ tục, tôi thấy mắt anh rơm rớm, nhưng không nói gì. Chỉ khi lấy được chiếc xe ra rồi, anh mới khóc thực sự”. 

Trên hành trình hàng vạn cây số đường bộ, Giorgio cho ta cảm nhận một cách rõ ràng về những xung đột căng thẳng, về đói nghèo và lạc hậu và cả những tệ nạn sẵn sàng đẩy con người đến chỗ chết. Nhưng cùng với đó cũng là hình ảnh châu Á thu nhỏ với những địa điểm du lịch kỳ bí, các lễ hội, các màu sắc tín ngưỡng tôn giáo đa dạng… với những lát cắt địa lý, lịch sử đầy thú vị, vượt xa khỏi những điều ta thấy ở một cuốn nhật ký hành trình thông thường. 

“Việt Nam là đất nước đẹp nhất tôi từng qua”

Tuy những dòng Giorgio viết về Việt Nam chưa thực sự đầy đặn nhưng rõ ràng đó là những cảm xúc chân thành. Ngài Lorenzo Angeloni - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Italia tại Việt Nam đã chia sẻ, đó hẳn phải là một cảm giác xúc động, chạm tới tâm can con người, khi vừa đặt chân đến Hà Nội (năm 1993), dù chưa phải là điểm đến cuối cùng, nhưng những giọt nước mắt mặn nồng đã tự do tuôn trào trên gương mặt Giorgio. Với nhà văn người Ý, 17 năm sau khi đất nước thống nhất, Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam “dường như vẫn là một thị trấn nhỏ yên bình”, với những ký ức về màu xanh bộ đội, làn sương mờ trên bờ hồ Hoàn Kiếm.

Từ việc ban đầu tương đối mơ hồ về đất nước hình chữ S, ông đã có những cái nhìn thiện cảm và yêu mến con người, đất nước Việt Nam. Đó là những cánh đồng lúa trải dài tít tắp của đồng bằng Bắc bộ, những tà áo dài trắng của nữ sinh sau giờ tan trường, những ngôi nhà thuyền neo đậu bên bờ sông Hương... Những hình ảnh, những cảm xúc mượt mà nhẹ tênh cứ thế tuôn ra, được đúc kết trong một dòng cảm nhận ngắn ngủi nhưng đủ sức làm bất cứ người Việt nào cũng thấy tự hào: “Với tôi, Việt Nam từng ngày trở thành đất nước đẹp nhất tôi từng đi qua”… Cũng tại đây, ông không hối tiếc vì thay đổi lịch trình của mình, bởi thay vì đi từ Campuchia đến với TP.HCM, ông đã có cơ hội được đi dọc đất nước, tiếp xúc với người dân Việt Nam hiếu khách, lạc quan cho dù Việt Nam những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước vẫn còn rất nghèo với vô số vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề từ hai cuộc chiến. Đối với Giorgio, thái độ thân thiện, bình thản của những người dân khi đón tiếp những người nước ngoài, sau hàng loạt những nỗi đau và bi kịch do chiến tranh gây ra đã làm tăng thêm ý nghĩa thần thoại về dân tộc Việt Nam trong trái tim ông.