Hơn cả một vở diễn

(ANTĐ) - Trong 3 đêm, 7, 8, 9-2-2009, vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” sẽ ra mắt tại Nhà hát Hồng Hà - 51 Đường Thành- Hà Nội. Vở diễn đề cập trực diện đến những thảm họa và khả năng vượt qua thảm họa ấy của dân tộc Đại Việt can đảm, không khoan nhượng trước thử thách, dám chấp nhận cái chết vì sự trường tồn của dân tộc. “Lễ mở xiêm áo” không chỉ dừng lại ở chất lượng nghệ thuật của vở diễn mà cao hơn đó là thông điệp mãnh liệt của lòng yêu nước.

Ra mắt vở cải lương “Lễ mở xiêm áo”:

Hơn cả một vở diễn

(ANTĐ) - Trong 3 đêm, 7, 8, 9-2-2009, vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” sẽ ra mắt tại Nhà hát Hồng Hà - 51 Đường Thành- Hà Nội. Vở diễn đề cập trực diện đến những thảm họa và khả năng vượt qua thảm họa ấy của dân tộc Đại Việt can đảm, không khoan nhượng trước thử thách, dám chấp nhận cái chết vì sự trường tồn của dân tộc. “Lễ mở xiêm áo” không chỉ dừng lại ở chất lượng nghệ thuật của vở diễn mà cao hơn đó là thông điệp mãnh liệt của lòng yêu nước.

Không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa mà cao hơn đó là thông điệp của lòng yêu nước

Không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa mà cao hơn đó là thông điệp của lòng yêu nước

Giặc ngoại bang muốn biến Đại Việt thành một sa mạc của nỗi hoang mang, mất phương hướng và cằn cỗi, không nghệ thuật, không cảm xúc, không nghĩ ngợi, không chờ đợi bất cứ điều gì, buông xuôi và đấy sẽ là một đất nước chết. Chết từ hình hài đến xác thịt, linh hồn, phẩm giá và khát vọng vươn lên! Nhưng chúng đã không làm được điều đó vì Đại Việt luôn có những  người con sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì Tổ quốc.

Một quan Thái sư đã phải nghiến răng ra lệnh chém con trai mình vì không hoàn thành sứ mệnh ngăn chặn quân xâm lược. Một kẻ sĩ Thăng Long Hoàng Cương nén  thù nhà và quyết định làm những gì tốt nhất báo ân cho đất nước, rửa nỗi nhục cho cha. Một thiền sư bị giặc giam cầm nhưng lòng vẫn hướng về Tổ quốc.

Một cô đào Mây chỉ biết hát ca trù, nhưng khi đất nước lâm nguy cũng sẵn sàng hy sinh tính mạng, tình yêu vì sự sống còn cùng niềm hy vọng của Đại Việt. Một anh hầu Cả Nhĩ ít học nhưng cũng can đảm vô cùng và đã bơi qua sông đem được bản kế sách của giặc về Đại Việt. Khi đất nước lâm nguy thì bất cứ ai là người con của Đại Việt đều sẵn sàng làm tất cả vì sự trường tồn của dân tộc.

Đấy là âm hưởng bi tráng của vở diễn trên sân khấu, còn trên thực tế, để vở diễn được ra mắt công chúng là sự đóng góp lớn lao của những người nghệ sĩ, và những người lặng lẽ âm thầm đứng phía sau để vở diễn được thực hiện trước muôn vàn khó khăn. Những nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Hà Nội đã không chỉ diễn bằng trách nhiệm của những người nghệ sĩ đối với công chúng mà họ còn diễn bằng trách nhiệm của những người công dân nước Việt trước vận mệnh của đất nước.

Trong buổi họp báo ra mắt vở cải lương “Lễ mở xiêm áo”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục, tác giả kịch bản đã bày tỏ sự biết ơn tới các nghệ sĩ và những người giúp đỡ cho vở diễn được thành công khi nói rằng: “Họ diễn ở trên mà lòng tôi ở dưới tràn ngập hạnh phúc. Họ đã mang toàn bộ tình yêu nước của những người nghệ sĩ vào trong vở diễn. Tôi không muốn gọi những nhà tài trợ là những Mạnh Thường Quân. Vì họ không hỗ trợ tiền cho vở diễn mà họ làm vì trách nhiệm với giang sơn này”.

Đây là vở diễn chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long -  Hà Nội, Báo An ninh Thủ đô đã hỗ trợ Nhà hát Cải lương Hà Nội 1 đêm ra mắt vở diễn tại Hà Nội và tại một tỉnh phía Bắc. Tổng Biên tập Báo ANTĐ Đào Lê Bình cho biết: “Những CBCS Báo ANTĐ sẽ đi xem vở diễn với lòng yêu nước như vở kịch muốn vậy, với trách nhiệm với văn hóa Thủ đô trước Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và trách nhiệm với Tổ quốc”.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Phạm Quang Long đã ghi nhận đây là một vở diễn quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển của Nhà hát Cải lương Hà Nội, Ban lãnh đạo Nhà hát đã huy động hết năng lực để thực hiện vở diễn trước muôn vàn khó khăn, và đặc biệt trân trọng những đóng góp của các nghệ sĩ, những người lặng lẽ đứng phía sau để chung tay chia sẻ, chuyển tải bài học lịch sử đến nhân dân. Đấy là những lời động viên quý giá nhất để hoàn thành vở diễn.

Đinh Kiều Nguyên

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Quang:

Muốn thể hiện trách nhiệm với Thăng Long

Trong cuộc đời người nghệ sĩ có những giây phút hạnh phúc, khi làm tổng phổ cho vở diễn này là một niềm hạnh phúc đối với tôi. Kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, bất cứ nghệ sĩ nào cũng thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp tiếng nói của mình, tôi là người viết nhạc sân khấu nhiều, vở diễn này tôi đã gặp được một điều đau đáu trong mình lâu nay là viết một cái gì đó về Hà Nội, về Thăng Long làm quà tặng 1.000 năm Thăng Long.

Nhất là trong bối cảnh đất nước như hiện nay, tôi thấy mình phải có trách nhiệm tìm ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc mới hơn để thể hiện một dân tộc tự hào về nền văn hóa của mình. Tôi đã làm bằng cả trách nhiệm với Thăng Long mà nếu tôi làm tròn được điều đó thì lòng mới thỏa mãn.

Nghệ sĩ trẻ Hồng Nhung:

Tôi cảm thấy xúc động thực sự

“Lễ mở xiêm áo” là một vở diễn lớn chứa đựng nhiều tư tưởng. Tôi đảm nhận một vai diễn mà lòng yêu nước được thể hiện qua lời ca tiếng hát của một người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ không cần cầm gươm, cầm súng, không ra trận nhưng bằng tiếng hát của mình họ cũng thể hiện được lòng yêu nước.

Cô đào Mây mà tôi đảm nhiệm cũng có lòng yêu nước tha thiết, cô ấy có thể đánh đổi bằng cả tình yêu của mình, đánh đổi bằng cả tính mạng của mình chỉ để được hát những bài hát của dân mình, của nước mình. Khi thể hiện đoạn đó là lúc tôi cảm thấy xúc động nhất, xúc động thật sự. Cô đào Mây sẵn sàng chết vì một điệu hát ca trù, sẵn sàng chết cho quê hương xứ sở.

Nghệ sĩ trẻ Hoàng Viện:

Vượt lên trên vở diễn là chủ nghĩa anh hùng

Tôi đảm nhận vai Hoàng Cương, một nhân vật phải đấu tranh nội tâm, luôn phải giằng xé giữa lời nguyền phải trả thù cho cha trước vận mệnh của đất nước. Tôi thấy rằng vượt lên trên vở diễn không phải là những tình tiết mà đó là chủ nghĩa anh hùng và chủ nghĩa yêu nước.

Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cũng là những kẻ sĩ của Thăng Long, nhân vật của tôi cũng là một kẻ sĩ của Thăng Long và kẻ sĩ phải đặt lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân mình. Tôi đã cố gắng làm tốt nhất để mang đến cho người xem cảm xúc mãnh liệt về lòng tự hào dân tộc. Và ngay chính bản thân tôi cũng  nhận được nhiều điều từ vở diễn này.