Hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 26-10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch”. Theo đó, tất cả các vấn đề từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số đã được đưa ra bàn thảo.

Trong thời gian ngắn vừa qua, các hoạt động chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được triển khai thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực du lịch, di sản, bảo tồn, bảo tàng…

Những thành công bước đầu của việc triển khai chuyển đổi số đã có tác động rất rõ ràng, thiết thực trong thực tiễn hoạt động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là trong thời gian thử thách của đại dịch Covid-19. Hàng ngàn lượt khách tham quan chỉ cần ngồi tại nhà trong mùa giãn cách nhưng vẫn có thể xem được nhiều triển lãm chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí là đi du lịch tham quan Kinh thành Huế chỉ bằng các cú nhấp chuột.

Bảo tàng 3D, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam

Bảo tàng 3D, di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam

Khi các giải pháp cách ly xã hội được triển khai nghiêm ngặt thì người dân vẫn có thể thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trực tuyến, hoặc được tập thể dục trực tuyến tại gia đình đơn giản, hiệu quả, dễ hiểu.

Trên cơ sở Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0, các nền tảng số, hệ thống thông tin và dữ liệu số đã và đang được Bộ VHTTDL thực hiện đầu tư, từng bước hoàn thiện môi trường làm việc số cho người lao động thuộc bộ. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã và đang từng bước chuyển đổi sang môi trường số. Các hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết nối hệ thống Một cửa điện tử của Bộ; hệ thống thư điện tử; chữ ký số… đang được triển khai mạnh mẽ tại Bộ; đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thông tin…

Phiên bản phỏng dựng rồng thời Lý của Viện Nghiên cứu Kinh thành

Phiên bản phỏng dựng rồng thời Lý của Viện Nghiên cứu Kinh thành

Các tham luận cũng nêu lên một số hạn chế cũng như những khó khăn và bày tỏ mong muốn Bộ VHTTDL cùng các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL cho biết: “Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là “trái tim” về dữ liệu số của Bộ VHTTDL. Ngoài ra, có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch. Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Số hóa là giải pháp thiết thực để bảo tồn phát huy và gìn giữ giá trị di sản

Số hóa là giải pháp thiết thực để bảo tồn phát huy và gìn giữ giá trị di sản

Hiện tại, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Việt Nam có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để ngành văn hóa dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì”.

Phục dựng cung điện thời Lý bằng 3D của Viện Nghiên cứu Kinh Thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Phục dựng cung điện thời Lý bằng 3D của Viện Nghiên cứu Kinh Thành thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Trước đó, năm 2021 của Bộ VHTTDL phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.

Thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa hướng đến phát triển kinh tế số do Bộ VHTTDL quản lý gồm: di sản văn hóa, bản quyền tác giả, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; thư viện; du lịch; thể thao…