Số hóa để di sản hồi sinh và khơi dòng lịch sử (5): Cơ hội định danh, đưa cổ vật trở về

ANTD.VN - Lâu nay, chuyện mất cắp cổ vật trong di tích vẫn được coi là chuyện rất... bình thường. Bình thường tới nỗi, sau khi xảy ra “chuyện đã rồi”, động thái đầu tiên của cơ quan quản lý là ra văn bản “sốc lại các hoạt động trông coi và bảo vệ”, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, rồi… thôi. Vì thế, nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu hy vọng, khi công nghệ đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của đời sống thì cũng là lúc mỗi hiện vật sẽ có một “căn cước công dân gắn chíp”, để có thể tự nói được mình là ai, mình ở đâu và mình giá trị như thế nào.
Tượng đầu rồng trang trí mái kiến trúc đất nung thời Lê sơ

Tượng đầu rồng trang trí mái kiến trúc đất nung thời Lê sơ

Chuyện của 20 năm trước

Cách đây đúng 20 năm, ngành văn hóa Hà Nội triển khai một chủ trương lớn, thời điểm đó được xem là đột phá trong công tác quản lý di tích. Đó là kiểm kê, giám định và phân loại cổ vật trong di tích. Nói nôm na thì đó là làm “chứng minh thư” cho từng hiện vật, giám định về: Chất liệu, niên đại, phân loại giá trị, hiện trạng bảo quản và miêu tả hình dáng kích thước, đặc điểm trang trí, màu sắc dễ nhận dạng. Mỗi hiện vật sau khi giám định đều được lập một phiếu khoa học, được bổ sung phần kỹ thuật chế tác, vị trí trong di tích, các thông tin để tra cứu, ảnh, đánh số chính xác trên bản vẽ mặt bằng kiến trúc... Khi đó, việc làm này giúp ích rất nhiều cho công tác quản lý. Những người trông nom, trụ trì di tích lấy đó làm căn cứ để quản lý và bảo vệ, kịp thời phát hiện các hiện vật có dấu hiệu xuống cấp hoặc hiện vật chưa được bài trí đúng vị trí vốn có. Đặc biệt, nếu không may xảy ra mất mát, những phiếu này đóng vai trò như một “chứng minh thư” giúp cơ quan công an lấy làm cơ sở cho quá trình điều tra và trả hiện vật về đúng nơi nó từng bị đánh cắp. Chính nhờ “chứng minh thư” này, vụ mất trộm đôi đỉnh hương từ đời Lê tại đình Phú Xá (Phú Thượng) đã được Công an quận Tây Hồ, Hà Nội tìm ra và trả về cho chủ cũ.

Thời điểm đó, không nhiều các quận huyện triển khai thành công, duy chỉ có Tây Hồ, Đông Anh, Long Biên là những quận, huyện đầu tiên thực hiện có hiệu quả công tác kiểm kê, giám định và phân loại cổ vật trong di tích. Tiến sĩ Nguyễn Doãn Văn - Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cho biết, vài năm trước đây, thi thoảng Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội lại nhận được công văn của Hải quan các cửa khẩu truy tìm xuất xứ cổ vật - tang vật của những vụ buôn bán cổ vật trái phép qua biên giới mà lực lượng Hải quan đã kịp thời phát hiện. Dạo gần đây, những công văn như thế này không còn nhận được nữa, không hiểu vì lý do gì. Không còn nhận được văn bản đề nghị truy xét nguồn gốc cổ vật buôn bán qua biên giới thì không đồng nghĩa với việc cổ vật không còn bị đánh cắp. Nạn trộm cắp vẫn diễn ra thường xuyên. Và Hà Nội dù có là trung tâm của cả nước thì vẫn cứ xảy ra mất cắp.

Vụ mất cắp cổ vật chấn động nhất gần đây ở Hà Nội xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Oai vào đầu năm 2020, thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong vòng chưa đầy 1 tháng từ khoảng giữa tháng 3 cho tới nửa đầu tháng 4-2020 đã xảy ra 4 vụ mất trộm cổ vật tại chùa Bối Khê và đình Đại Định (xã Tam Hưng), chùa Dư Dự (xã Thanh Thuỷ) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu). Tổng số các cổ vật bị kẻ gian lấy tại 4 di tích này lên tới 26 hiện vật. Đáng nói là ở chùa Từ Châu, kẻ trộm lấy đi chiếc chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m. Chuông đồng này nặng trên dưới 200kg, tức là để lấy đi được, chắc kẻ trộm phải mang xe ô tô vào tận cửa chùa mà chở.

Tượng chim phượng đất nung thời Lý

Tượng chim phượng đất nung thời Lý

Số hóa cổ vật và “căn cước công dân gắn chip”

Bao nhiêu năm nay, cứ mỗi khi xảy ra chuyện mất cắp cổ vật trong di tích thì người ta đều nêu lên một thực trạng giống hệt nhau đó là: Lực lượng trông coi di tích hiện tại phần lớn là những người cao tuổi. Các di tích không phải nơi kín đáo. Nhiều đình, chùa không có cách nào để làm cửa kiên cố, bởi kiến trúc truyền thống vốn như thế. Thêm nữa, các di tích tín ngưỡng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, không thể suốt ngày đóng cửa im ỉm được.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, khi mà công nghệ đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của đời sống con người thì cũng là lúc chúng ta phải thừa nhận một thực thể không tồn tại dưới dạng hiện vật thật mà tồn tại dưới dạng “ảo”, đó chính là số hóa. Khi đã thừa nhận thì những tư liệu mà ta đã số hóa từ di sản văn hóa cũng phải được coi như một dạng di sản. Trong tương lai, những bảo vật quốc gia sẽ tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau, từ hiện vật thật cho đến bản scan 3D hay bản tái lập số.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam)

Trong quá trình tìm hiểu về văn hóa số và số hóa di tích, có nhiều chuyên gia đã đặt vấn đề rằng, 20 năm trước, Hà Nội thực hiện công tác quản lý di tích đó là kiểm kê, giám định và phân loại cổ vật trong di tích như một cách để bảo vệ di vật, thì bây giờ, hoàn toàn có thể triển khai tiếp công việc này, nhưng ở một dạng thức hoàn toàn mới. Ngày xưa, chứng minh thư chỉ đơn giản là một mảnh giấy ghi dãy số cá nhân, kèm quê quán, ngày sinh, nơi sinh, hộ khẩu thường trú thì bây giờ căn cước công dân gắn chip ngoài tất cả những thông tin trên còn có thể thể tích hợp rất nhiều các thông tin khác như thẻ bảo hiểm, bằng lái xe…. Như thế có nghĩa, nếu được số hóa, hồ sơ của di vật, hiện vật không còn là một tập giấy với ảnh chụp cùng phần chú thích viết tay mà hơn thế, nó là một định dạng 3D, hình ảnh chân thật, kèm theo những thông tin, lý lịch cụ thể nhất. Công nghệ cho phép có thể “kết nối” giữa các di tích trên địa bàn quận, huyện, thành phố để từ đó, có thể hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cổ vật và di tích. Nếu làm được, hoàn toàn có thể quản lý tài sản mà chúng ta hiện có gồm những gì, giá trị đến đâu. Đương nhiên, chẳng may có mất mát thì cũng dễ dàng tìm kiếm bởi đã có sẵn một kho thông tin. Các lực lượng chức năng như hải quan, công an mỗi khi cần tìm, có thể kết nối với kho dữ liệu này là biết, di vật, cổ vật thuộc ở di tích nào, niên đại ra sao. Từ đó dễ dàng cho quá trình trao trả di vật về đúng nơi cần.

Tranh tường “Bình minh Thăng Long” và “Rồng bay” được ghép từ hàng nghìn mảnh gạch, ngói vỡ khai quật được dưới lòng đất tòa Nhà Quốc hội (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Tranh tường “Bình minh Thăng Long” và “Rồng bay” được ghép từ hàng nghìn mảnh gạch, ngói vỡ khai quật được dưới lòng đất tòa Nhà Quốc hội (Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh thành)

Cũng phải nói thêm rằng, nếu có được số hóa tất cả các hiện vật trong di tích thì biết đâu nạn trộm cắp cổ vật sẽ được hạn chế đến mức tối đa. Vì chỉ cần một cú click chuột là sẽ biết hiện vật này ở di tích nào. Các nhà sưu tầm cũng chẳng ai dại gì mà mua hiện vật có nguồn gốc rõ ràng từ đình chùa rồi đem về mà trưng bày công khai trong các sưu tập cổ vật của mình. Tất nhiên, khi đề xuất này được nêu ra, có nhiều ý kiến cho rằng, những cổ vật giá trị, cần phải cất cho kỹ, nếu cứ quét 3D, làm hồ sơ chi tiết rồi đưa lên mạng “khoe” thì rất nguy hiểm. Như thế chẳng khác gì mời trộm vào nhà. Tiến sĩ Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng, làm số hóa hiện vật trong di tích là cần thiết, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu là cần thiết, tuy nhiên, cần phân cấp truy cập. Ai, vị trí nào được quyền truy cập đến đâu, chứ không phải tất thảy đều bày lên mạng. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu tâm khi triển khai.

Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH-TT Hà Nội cũng khẳng định, nếu được số hóa, thì thị trường mua, bán, trao đổi, mua, biếu, tặng cổ vật cũng sẽ được công khai và minh bạch hơn. Việc đăng ký kê khai cổ vật của các sưu tập tư nhân sẽ thuận lợi hơn. Từ đó kéo theo thị trường đấu giá cổ vật trong nước cũng rõ ràng hơn.

PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành): Số hóa di sản phải được hiểu trên cả giá trị vật chất lẫn tinh thần

“Tôi đơn cử một ví dụ, để số hóa một bức tượng, đầu tiên phải quét scan 3D chuẩn để ra màu sắc, kích cỡ trong và ngoài để hiện vật có mất đi thì vẫn có thể phục dựng chính xác bởi trong quá trình bảo tồn và gìn giữ di sản, không ai dám nói là không có rủi ro. Như Nhà thờ Đức Bà ở Thủ đô Paris nước Pháp, không hề hấn gì trong cả 2 cuộc chiến tranh thế giới, nhưng nay lại bị hư hỏng nặng vì hỏa hoạn. Và nhờ đã có đầy đủ dữ liệu số hóa nên việc phục dựng không quá khó. Dữ liệu số hóa sẽ giúp chúng ta có được những chi tiết cụ thể, sâu sắc dù chỉ là rất nhỏ. Từ đó, việc phục dựng nguyên trạng chỉ còn thuần túy là công việc kỹ thuật.

Vậy quay lại vấn đề, chúng ta đang ở đâu, đã làm được những gì trong câu chuyện số hóa di sản? Tất cả đều mới bắt đầu mà nhiều người vội vàng nói câu đơn giản, làm luôn và ngay mà quên đi rất nhiều yếu tố. Từ bản vẽ để ra mặt bằng, kết hợp với các hiện vật, phiếu mô tả đồ sộ cả trăm dấu vết di tích, đo vẽ, chụp ảnh, ghi hình… từng hiện vật. Trên cơ sở dữ liệu đó mới tập hợp lại các thống kê nghiên cứu để đưa ra mặt bằng tổng thể, xác định đây là hình thái kiến trúc nào: nhà dài, cung điện, dấu tích tường bao, cống tiêu thoát nước, nền móng chịu được bao nhiêu tầng, đường kính trụ, cột đá để xác định nhà lớn hay nhỏ…, và mối liên hệ với các công trình khác. Tất cả đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài, mất rất nhiều công sức, phải có chương trình hành động cụ thể mới thực hiện được. Ngoài cương vị chuyên gia, nhà khảo cổ học, tôi là nhà quản lý nên tư liệu nghiên cứu còn được ghi chép lại, còn những nhà nghiên cứu đơn thuần, đôi khi tư liệu của họ chỉ khai quật xong là thôi, không đầy đủ dữ liệu. Nói vậy để thấy, việc số hóa di sản phải được hiểu trên nhiều chiều, mọi khía cạnh, bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần.

Thế giới đã số hóa di sản từ mấy thập niên rồi, giờ họ đang xây dựng “database” (cơ sở dữ liệu) lớn. Tại sao họ lại làm vậy? Bởi hệ thống cơ sở dữ liệu nền hay hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản nhất, hiện thực nhất chính là cơ sở để mọi thế hệ nghiên cứu phát huy về sau. Hôm nay, tôi và anh nghiên cứu, đánh giá di sản dựa trên tư liệu như vậy, đến thế hệ sau họ có thể làm khác đi, phong phú và tốt hơn, trả lại giá trị sáng rõ và chính xác hơn, đó chính là sự kế thừa và phát triển trên nền tảng số hóa. Mục tiêu rõ ràng, bản chất được xác định, giờ quay lại vấn đề mấu chốt là yếu tố con người nhận thức được tầm nhìn chiến lược để thực hiện.

Số hóa di sản có ý nghĩa vô cùng lớn, khó nhất vẫn là sự nhận thức như thế nào cho bài bản, khoa học, chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả, mang lại giá trị cho đời sống xã hội. Phải luôn nhớ rằng, di sản “sống” được là nhờ vào chính giá trị bản thân di sản. Số hóa di sản để bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản. Di sản sẽ còn mãi khi thực tâm chúng ta coi trọng di sản!”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội): Xây dựng kho dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa, tại sao không?

“Đầu tiên, chúng ta cần có một hệ thống công nghệ phù hợp, thống nhất. Nếu không, độ lệch số hóa ở các định dạng khác nhau sẽ gây ra khó khăn trong quá trình tạo ra một kho dữ liệu chung cho di sản văn hóa. Thứ hai, phải lưu tâm đến nguồn lực khi triển khai số hóa di sản. Nếu không đủ kinh phí để số hóa hết được, cần sự chung tay của toàn xã hội, doanh nghiệp lớn nhỏ, người dân… để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Mỗi đơn vị, cá nhân có kho số hóa của riêng mình để hòa chung vào kho dữ liệu văn hóa của đất nước. Chúng ta có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì chẳng có cớ gì lại không xây dựng kho dữ liệu quốc gia về văn hóa. Hoàn toàn khả thi và thực hiện được. Điều này đến từ quyết tâm của Chính phủ, đến từ nhận thức ngày càng đầy đủ, toàn diện của tất cả các cơ quan văn hóa - nghệ thuật, đến từng người dân. Bao trùm hơn, khách quan hơn là xu hướng chung của thế giới - chính họ đã cung cấp cho chúng ta rất nhiều kinh nghiệm về câu chuyện số hóa di sản. Vấn đề cần quan tâm nữa là sự kết nối, đã có nhiều địa phương, quận, huyện, bảo tàng, cá nhân… số hóa di sản. Chúng ta cần có một cơ chế, hỗ trợ công nghệ, nguồn lực vật chất để tạo ra kho dữ liệu di sản văn hóa chung của đất nước.

Thế giới, các nhà khoa học nổi tiếng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kho tàng di sản văn hóa của chúng ta vô cùng giàu có! “Kho báu” đó sẽ được từng cá nhân, từng thời kỳ, từng lĩnh vực dày công bảo tồn, bồi đắp, phát huy. Và chính việc số hóa sẽ tạo ra các chất liệu khác nhau, thông tin đa dạng, cụ thể với mục đích tôn vinh giá trị di sản văn hóa để tạo điều kiện phát triển đất nước”.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán nôm - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam): Nếu xây dựng được “BigData”, ngành văn hóa có thể thu lợi để tái duy trì hệ thống

“Chúng ta đang bị phân mảnh tư liệu. Tất cả những hố khảo cổ đã đào trong nhiều năm qua đang bị xé lẻ cho nhiều cơ quan thực hiện. Hiện vật sau khi đào được vốn đã không được số hóa mà chỉ có bản vẽ tay rồi chuyển về các kho của nhiều bảo tàng. Điều đó dẫn đến tình trạng là hiện vật khảo cổ cứ nằm rải rác ở nhiều nơi và mãi mãi vẫn chỉ là những hiện vật bị tách ra khỏi đời sống văn hóa. Các bảo tàng chưa có sự liên thông với nhau khiến cho mảnh vỡ khảo cổ vốn đã vỡ vụn rồi thì bây giờ lại tan nát tiếp. Thế cho nên mới có chuyện khách tham quan vào bảo tàng chỉ nhìn thấy mỗi cái đầu rồng, nhưng không biết đầu con rồng ấy nằm ở hệ thống nào. Người ta chỉ đặt đúng cái đầu rồng ở trên bục mà không tái lập nó để biết được chức năng văn hóa của nó. Do đó, cần phải vừa kết hợp giữa nghiên cứu với công tác trưng bày và số hóa. Phương án tốt nhất bây giờ là ta nên “cởi” về mặt cơ chế, để các cơ quan ấy tự thực hiện số hóa và đưa thông tin, kết quả lên hệ thống cơ sở dữ liệu chung.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi cũng từng có chủ trương số hóa tư liệu và đưa lên Internet theo hướng chia tầng, phân quyền truy cập. Những gì đã xuất bản và ai cũng biết thì sẽ công khai để công chúng có một nguồn chính thống của nhà nước. Kế đó là những lớp sâu hơn, là những thứ chưa từng công bố, chỉ dành cho học giả chuyên sâu. Ai muốn tiếp cận thì chúng tôi sẽ bán, những lớp càng dưới sâu thì bán càng đắt, từ đó mới có kinh phí dành cho những nghiên cứu mới. Việc này nước ngoài họ đã làm từ lâu, ví dụ như Trung Quốc chẳng hạn. Họ có Hệ thống Cơ sở thông tin khoa học quốc gia, chỉ cần “click” chuột là tất cả các bài viết, nghiên cứu, chuyên khảo… hiện ra hết. Họ coi đó là một công cụ văn hóa và bán quyền truy cập. Trong số các học giả trên thế giới nghiên cứu về văn hóa thì các nhà Trung Quốc học chiếm khoảng 50%. Từng đó người mua thông tin thì số tiền là rất lớn, kinh tế số từ đó mà ra, đấy là kinh doanh tri thức trên nền tảng số hóa. Ngành văn hóa mà làm được “BigData” như thế thì hoàn toàn có thể thu lợi và dùng chính nguồn tiền đó để tái duy trì hệ thống của mình”.

Chuyện của chúng ta: Mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di sản số

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long phỏng dựng hình ảnh rồng thời Lý chất liệu đất nung

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long phỏng dựng hình ảnh rồng thời Lý chất liệu đất nung

Số hóa di sản chính là việc áp dụng công nghệ tin học vào bảo tồn, phát huy di sản. Số hóa cũng là xu hướng của tương lai, An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về “làn gió mới” này khi Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng

- PV: Năm 2013, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua Hiến chương về Di sản số, trong đó khuyến khích các quốc gia trên thế giới xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dưới dạng số nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức, chia sẻ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đã được đa số các quốc gia trên thế giới hưởng ứng và triển khai có hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về xu hướng số hóa di sản trong tương lai ở nước ta hiện nay?

- Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương: Ở Việt Nam, từ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII đã định hướng: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực kinh tế quốc dân, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả; hình thành mạng thông tin quốc gia liên kết với một số mạng thông tin quốc tế”. Hiện nay, trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới được hình thành và ứng dụng vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế đó. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, thực hiện các chính sách khác nhau để chủ động khai thác lợi ích của công nghệ mới vào hoạt động bảo vệ, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có định hướng xây dựng một số chương trình để chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, nhấn mạnh tới ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2-12-2021. Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trước thực trạng hiện nay, di sản văn hóa Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ sự biến đổi khí hậu, thiên tai, con người…; thậm chí là trước những nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai mà chúng ta chưa đoán định được, thì số hóa di sản văn hóa chính là công cụ, phương tiện đắc lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy, quảng bá giá trị di sản văn hóa hết sức hiệu quả.

Phiên bản hộp bằng vàng từng được tìm thấy năm 2012, trong quá trình thi công mở rộng đường từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử

Phiên bản hộp bằng vàng từng được tìm thấy năm 2012, trong quá trình thi công mở rộng đường từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân trên dãy núi Yên Tử

Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích, danh lam - thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia

- Theo giới chuyên gia, việc áp dụng công nghệ mới rất thích hợp với công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh 3D rất sống động, thu hút. Hiện tại, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai công tác này như thế nào và bước đầu đã có những kết quả gì?

- Công nghệ mới đã góp phần tích cực trong nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa - cụ thể từ công tác tu bổ di tích, khảo cổ, công tác bảo quản và quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đến việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá và thực hiện các chương trình giáo dục về di sản văn hóa.

Công nghệ GIS trong quản lý di tích tại quần thể di tích Cố đô Huế; Công nghệ lưu giữ mẫu ADN của cụ Rùa hồ Gươm phục vụ nghiên cứu và bảo quản cụ Rùa bằng công nghệ mới với sự hỗ trợ của các chuyên gia Cộng hòa liên bang Đức, do Bảo tàng Thiên nhiên thực hiện; Các ứng dụng trực tuyến trong công tác xây dựng chương trình giáo dục di sản văn hóa, giới thiệu bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để trưng bày, giới thiệu quảng bá di sản văn hóa Việt Nam, trong những năm qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có các chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích, danh lam - thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể và cơ sở dữ liệu số về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 sẽ là nguồn tài nguyên số phục vụ việc xây dựng các nội dung số, đa dạng sự sáng tạo trong các ứng dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam. Cụ thể nhiệm vụ này, trong năm 2022, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch Phát triển nền tảng bảo tàng số với các ứng dụng công nghệ vào trong các hoạt động trưng bày, giáo dục, truyền thông của bảo tàng, khu di sản thế giới. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có Công văn gửi các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng chương trình phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo trong hoạt động bảo tàng. Trong đó có hướng dẫn xây dựng kế hoạch đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong hoạt động bảo tàng, cụ thể:

Đối với các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch:

- Chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực cho các bảo tàng trực thuộc thực hiện công tác chuyển đổi số.

- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.

Đối với các bảo tàng:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.

- Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến.

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.

Đồng thời, để thích ứng với xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho các cán bộ trong ngành Di sản văn hóa để từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao - thích ứng với yêu cầu về đổi mới, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số.

Ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ XI-XII)

Ngói úp nóc mái, gắn lá đề trang trí chim phượng, thời Lý (thế kỷ XI-XII)

Khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả, thuận lợi trên nền tảng của công nghệ thông tin

- Như chúng ta đã biết, thực hiện số hóa là một nhu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay và sẽ mở ra nhiều triển vọng trong công tác quảng bá và phát triển du lịch. Ông có đồng ý với ý kiến này không và để triển khai hiệu quả thì cần phải có những yếu tố nào?

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã định hướng rõ: “Mỗi di sản của Việt Nam đều có hiện diện số và hình thành bản di sản số để người dân, khách du lịch có thể truy cập thuận lợi trên môi trường số”. Để bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, việc triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa cần tuân thủ theo Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch; Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0. Phát triển các nền tảng theo hướng cung cấp dịch vụ đồng bộ, thông suốt để có thể sử dụng tại mọi nơi, mọi lúc và trên mọi phương tiện số khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế của đất nước, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng “Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược phát triển văn hóa, các Quyết định, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đáp ứng được nhu cầu quản lý hệ thống thông tin về di sản văn hóa trên toàn quốc, đóng góp vào quá trình chuyển giao, khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả, thuận lợi trên nền tảng của công nghệ thông tin ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, Chương trình số hóa di sản văn hóa hỗ trợ cộng đồng, nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước, kết hợp quảng bá đất nước và con người Việt Nam, đồng thời, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững di sản văn hóa.

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý tại Khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội

Không gian trưng bày kiến trúc Cung điện thời Lý tại Khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội

Tăng cường sức mạnh đội ngũ nhân sự cho sự phát triển toàn ngành Di sản văn hóa

- Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam sẽ tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật; xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ; xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa; quản lý, vận hành và khai thác kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Một khối lượng công việc khổng lồ, nhân lực cơ sở mỏng, am hiểu di sản, khoa học - công nghệ còn nhiều hạn chế, cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa còn chưa có, an ninh, an toàn trên không gian mạng đặt ra nhiều thách thức, kiến nghị của ông là gì? Và chúng ta phải bắt đầu từ đâu để đồng bộ hóa khi triển khai nhiệm vụ để đạt hiệu quả cao nhất?

Gần 3.500 di tích quốc gia đều đòi hỏi cứu chữa, tu bổ, khôi phục

“Các di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam hầu hết đang tồn tại trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Những nguyên nhân dẫn tới sự biến đổi và hủy hoại của chúng là thời gian, khí hậu, độ bền của vật liệu, cấu trúc bộ khung gỗ và tác động của con người... Chưa có thống kê cụ thể, song có thể khẳng định gần 3.500 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đều hiện hữu tại chỗ những đòi hỏi về cứu chữa, tu bổ, khôi phục từng phần hoặc toàn phần, cùng sự khơi dòng để tồn tại và phát triển tiếp nối. Đây là một trong những lý do quan trọng nhất để Chính phủ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích”.

Ông Hoàng Đạo Cương (Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch)

- Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030 ban hành trên cơ sở yêu cầu bức thiết của thực tiễn, với mục tiêu tạo nên sự đồng bộ triển khai từ Trung ương đến địa phương, khơi dậy mọi tiềm năng của xã hội, tự chủ động và hoàn thiện từ lý luận đến hoạt động của cá tổ chức đến từng cá nhân. Để Chương trình đạt được kết quả cao nhất, chúng ta cần thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

- Thống nhất nhận thức, hoàn thiện và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy định từ Trung ương đến địa phương trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng quan và xây dựng bộ tiêu chí dữ liệu, bộ công cụ giám sát trong hoạt động quản lý, liên kết hệ thống bản đồ số trong việc số hóa dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

- Xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên phạm vi toàn quốc.

- Đẩy nhanh, mạnh việc số hóa hồ sơ tư liệu tại các cơ quan, đơn vị, cá nhân trên phạm vi toàn quốc từ Trung ương đến địa phương, ưu tiên các di sản đã được ghi danh và đang có nguy cơ bị hủy hoại.

- Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các đơn vị có chức năng nhiệm vụ tương tự (số hóa di sản) trong Bộ. Từ đó có kế hoạch phân bổ nguồn lực hỗ trợ đồng hành tham gia cùng Cục Di sản văn hóa thực hiện Chương trình này. Mặt khác nên tận dụng nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư ở các Chương trình trước đây tại các đơn vị khác trong Bộ để cùng thực hiện, tránh lãng phí như tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Viện Âm nhạc, Trung tâm Công nghệ thông tin, Thư viện Quốc gia… Quan tâm đến việc tổ chức tập huấn, phổ biến các văn bản liên quan, hệ thống quản lý thông tin và hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Chương trình.

- Xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa. Từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm cao, đáp ứng tốt đề án vị trí việc làm để phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này trong việc hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao và tăng cường sức mạnh cho sự phát triển toàn ngành Di sản văn hóa.

- Tăng nguồn kinh phí thường xuyên cho việc nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc ứng dụng công nghệ và số hóa để triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

- Xây dựng chế độ kiểm tra, đánh giá định kỳ và cơ chế giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, các nội dung của Chương trình để kịp thời điều chỉnh việc thực hiện phù hợp với thực tiễn và đạt kết quả cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Công nghệ mới hỗ trợ đắc lực trong công tác tu bổ, sửa chữa di tích

Có thể kể đến công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã hỗ trợ đắc lực trong công tác tu bổ, sửa chữa di tích, như:

- Công nghệ Nano trong bảo tồn, phục chế di sản văn hóa được đánh giá là sẽ thỏa mãn các yêu cầu của ngành bảo tồn di tích, như: tôn trọng môi trường; không làm hỏng bề mặt gỗ hoặc vật liệu đá của các công trình cổ; không làm ảnh hưởng đến đặc tính cấu trúc của vật liệu tạo thành công trình cần bảo quản; không tạo ra bất kỳ sự thay đổi màu nào của vật liệu được bảo quản/phục chế; gắn kết tốt và đảm bảo mức độ hợp nhất cao giữa các vật liệu cũ và mới. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện bảo quản thí điểm các thành phần di tích hố khảo cổ Đoan Môn bằng công nghệ Nano. Lúc đó, khu di tích khảo cổ đang bị rêu, nấm mốc, địa y, các loài thực vật mọc trên tháp xâm thực kết hợp một số yếu tố gây hại khác (nước mưa, hơi ẩm, nhiệt độ…) đã ảnh hưởng xấu đến di tích. Hàng năm, đơn vị quản lý di tích hố khảo cổ phải dùng các biện pháp thủ công để xử lý các yếu tố gây hại, nhưng hiệu quả không cao. Khi thí điểm, công nghệ Nano đã loại bỏ rêu, cỏ, địa y, chống lại các yếu tố gây hại, gia tăng sự liên kết của các phân tử vật liệu. Nano phủ lên vật liệu công trình sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của nước, hơi nước, mưa axít, dầu… và có khả năng tự làm sạch theo cơ chế “hiệu ứng lá sen”, đồng thời vật liệu có thể “thở” (thoát hơi nước) được. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã áp dụng thí điểm công nghệ Nano ở di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, cho kết quả khả quan.

- Di tích Cố đô Huế, Mỹ Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... được bảo tồn kỹ thuật số, thông qua các cuộc khảo sát trên không được tiến hành với máy bay không người lái drone, quét laser mặt đất (được gọi là LiDAR) và quan trắc, tất cả các dữ liệu và hình ảnh được chụp từ hiện trường sẽ được các chuyên gia chuyển đổi thành các mô hình 3D ảnh thực. Việc làm này sẽ tạo ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc để hỗ trợ các di tích nâng cao hiệu quả và độ chính xác của việc nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục các di tích cũng như việc quản lý di sản...