Họa sỹ Văn Đa: Bậc kỳ tài về ký họa

ANTĐ - 5 năm kể từ ngày ông rời xa “cõi tạm”, trên căn gác nhỏ của họa sỹ Văn Đa vẫn còn lưu giữ rất nhiều hồ sơ, tư liệu nghiên cứu, những giải thưởng ông giành được khi còn sinh thời. Trong số đó, đáng chú ý là kho tàng khổng lồ những bức ký họa - thành quả suốt thời kỳ rong ruổi trên chiến trường.

Bức “Bé Hoa xem tranh” họa sĩ Văn Đa vẽ năm 1977

Ký họa trên mọi nẻo đường 

Hàng chục bức tranh với đủ kích cỡ, vẫn được treo tại căn gác nhỏ ở phố Nguyễn Khắc Hiếu, nơi họa sỹ Văn Đa từng sống và làm việc. Anh Nguyễn Văn Kim, con trai ông tâm sự, cũng không ít người bày tỏ ý định mua lại những tác phẩm của ông, nhưng anh không nhận lời vì rất trân trọng những thành quả lao động nghệ thuật của cha mình. Hàng nghìn bức ký họa, có khi chỉ được vẽ trên những mẩu giấy nhỏ trong khoảng thời gian chớp nhoáng cũng được họa sỹ Văn Đa dán cẩn thận trong từng cuốn album.

Đặc biệt, ông có khả năng vẽ rất nhanh, rất thoát. Có khi chẳng cần giá vẽ hay những chất liệu đắt tiền, cứ có khoảng trống là ông có thể vẽ. Có gì vẽ nấy, từ những mảnh giấy vở, giấy ảnh bị hỏng, phong bì, bao xi măng, hay mặt trong của vỏ bao thuốc lá… đều được ông tận dụng để sáng tác. Ở khắp mọi nơi dấu chân người họa sỹ già đặt đến, mọi sự việc bắt gặp trên đường đều trở thành đề tài sáng tác của ông. Từ một người phụ nữ gối đầu trên chiếc túi đang ngon giấc, cho đến cảnh những thôn nữ ngồi bên quang gánh, những em học sinh ngồi hý hoáy ghi chép… Xem tranh của ông, người ta thấy cuộc sống của những người dân Việt Nam, nhất là trong giai đoạn những năm 70-80 của thế kỷ trước hiện ra rất thực, rất sinh động. Dù không thiếu những cảnh lam lũ, nhọc nhằn nhưng tranh ông không có cái nặng nề, bi ai mà nhẹ nhõm, thanh thản. Ông cũng dành nhiều thời gian sáng tác về hình tượng những người mẹ Việt Nam Anh hùng, người chiến sỹ và trong đó có những bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện vẫn còn được đặt ở vị trí trang trọng trong nhà. 

Tài năng và những đóng góp của ông đã được công nhận bằng nhiều bằng khen, giải thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Ba (1996), Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam (1997), Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I năm 2001 cho các tác phẩm sơn dầu: Sương sớm, Long Biên những năm chống Mỹ, Trên đường hành quân, Cù lao Chàm, Tây Tiến… 

Kho tàng chân dung giá trị

Dù sau này có những thành công nhất định ở thể loại tranh sơn dầu, nhưng bạn bè, đồng nghiệp trong giới hội họa vẫn thường nhắc đến họa sỹ Văn Đa như một cây bút ký họa cự phách. Không kể hàng trăm bức vẽ minh họa của ông được đều đặn đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội, mảng tranh ký họa chân dung phải nói là sở trường phát huy hết năng lực và sự tài hoa của ông.

Với họa sỹ Văn Đa, ngòi bút như một chiếc máy ảnh ghi lại kỷ niệm, hình ảnh về những người bạn bè, đồng chí gắn bó với ông như nhà thơ Quang Dũng, Thu Bồn, Chính Hữu, nhà văn Hồ Phương, Tào Mạt… Ông chọn những nét đặc trưng của mỗi người thể hiện lên trang giấy với đủ các góc độ khác nhau. Khi chính diện, khi nhìn nghiêng, lúc thì chỉ một nửa khuôn mặt lấp ló… nhưng nhìn là có thể đoán được đó là ai. Đặc biệt đối với nhà thơ Quang Dũng, người có nhiều kỷ niệm không thể nào quên khi cùng tham gia công tác tại báo Miền Tây - Trung đoàn 52 Tây Tiến.

Một trong những hồi ức ấy đã được chuyển tải thành bức ký họa chân dung nhà thơ vào năm 1966, được ông trân trọng đề tặng “Kỷ niệm chuyến đi Thái Bình với anh Quang Dũng”. Vẽ xong có bức được hỏi xin, ông chân tình tặng lại bạn bè, thi thoảng xuất hiện trên các ấn phẩm, báo chí, ông lại in ra để lưu vào một tập riêng. Không chỉ ký họa chân dung, nhiều bức tốc họa đời thường được ông giữ lại làm kỷ niệm, chưa công bố. Số lượng còn lại lên đến hàng nghìn bức mà có những tác phẩm sau này người nhà tìm lại, cũng không thể biết được ông đã vẽ từ bao giờ và trong hoàn cảnh nào. Xem lại những bức tranh của họa sỹ Văn Đa cảm giác như được nhìn ngắm lại một thời kỳ lịch sử với bao biến cố thăng trầm, mà lẩn sâu trong đó cũng là bao nỗi suy tư, chiêm nghiệm của người cầm bút. 

Cho đến cuối đời, ông vẫn miệt mài sáng tác. Trong căn gác tĩnh lặng dường như còn nhìn thấy họa sỹ Văn Đa cặm cụi, miệt mài bên những tác phẩm của mình. Những người quen biết và yêu mến ông sẽ nhớ mãi những bức ký họa với đường nét thanh thoát, dung dị, nhưng biến hóa chỉ có ở một người sáng tác và theo đuổi nghệ thuật bằng trái tim chân thành, không toan tính.