Họa sĩ trẻ Trần Nam Long: Không có thanh âm bức bối và đó là bình yên...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Triển lãm “Phố xưa hè cũ” của họa sĩ trẻ Trần Nam Long tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) vừa khép lại. Phải rất lâu rồi, công chúng Thủ đô mới được dịp xôn xao về hội họa, dù lý do có thể nằm ngoài hội họa.

Trần Nam Long năm nay 18 tuổi, không trải qua đào tạo hội họa chính quy. “Phố xưa hè cũ” là triển lãm cá nhân mang tính trình diện của anh với tư cách họa sĩ. Hơn 50 tác phẩm trưng bày tại triển lãm được sáng tác chủ yếu từ năm 2021 đến nay. Cá biệt có tác phẩm vẽ từ năm 2019, khi anh chỉ là cậu bé 14 tuổi. Với khoảng thời gian đó và một lượng tác phẩm đạt tới độ chỉn chu, Trần Nam Long thể hiện sức vẽ dồi dào mà không phải họa sĩ chuyên nghiệp nào cũng có được.

Họa sĩ trẻ Trần Nam Long

Họa sĩ trẻ Trần Nam Long

Như tên gọi, triển lãm của Trần Nam Long là tập hợp những bức chân dung phố Hà Nội ở một lát cắt hẹp, đó là kiến trúc. Và hẹp hơn nữa, anh đóng khung góc nhìn vào 2 hình thái kiến trúc điển hình là biệt thự Pháp cổ (kiến trúc Đông Dương) và tập thể cũ (kiến trúc tiểu khu XHCN). Hai hình thái kiến trúc này đại diện cho 2 giai đoạn lịch sử khác biệt của Việt Nam mà trong mỗi căn nhà, mỗi khung cửa thuộc về không gian ấy là muôn vàn những số phận, những cảnh đời, những biến cố bi - hỉ của nhiều gia đình, nhiều thế hệ theo thăng trầm của đất nước.

Nhưng Trần Nam Long không có tham vọng kể chuyện sử thi. Anh cũng không có ý định kể bất cứ câu chuyện gì nằm ngoài những thứ mắt anh thấy được. Qua anh, công chúng cũng thấy rõ hơn cái mà thường ngày họ vẫn nhìn, vẫn gặp, vẫn lướt qua với những ơ hờ. Thành ra, ngắm tranh của anh, quen quá đỗi quen mà vẫn muốn chạm vào như chưa từng được chạm. Cái mảng tường vỡ lộ lớp gạch màu nâu đỏ, cái cửa sổ có hoa sắt điệu đàng đã rỉ hoen, cái cánh cửa màu xanh Đông Dương xô lệch nan gỗ, cái bậc cầu thang dẫn lối lên cửa chính căn biệt thự đã ủ bao nhiêu nồm ẩm để giấu đi ký ức phồn hoa từ cách đó trăm năm.

Cả những khu tập thể cũ nửa trầm lặng, nửa xô bồ, nằm trong lòng phố mà như dạt vào một góc xa xưa của phố. Trần Nam Long lược bỏ đi hết những gì xộc xệch khó chịu và giữ lại tất cả những gì xộc xệch thân thương. Từ vệt nước rỉ ra trong đường ống, sợi dây điện rối bời tư lự, dây phơi quần áo có mùi của gia đình, đến những vạt nắng uể oải và những vòm cây thăm thẳm bóng thời gian. Thành ra, dù một số bức tranh bút kim trên giấy được anh để tên là ký họa, nhưng thực không phải ký họa.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Phố xưa hè cũ” của Trần Nam Long

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Phố xưa hè cũ” của Trần Nam Long

Anh ghi chép một cách tỉ mẩn, kỹ lưỡng và trau chuốt đến kinh ngạc từng căn nhà, nhưng đồng thời sáng tác luôn trong lúc ghi chép đó, chủ đích bỏ đi nhiều chi tiết (đôi khi là thêm vào nữa) để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh mà nhìn vào ngỡ như sao chụp. Một chi tiết nhỏ thôi nhưng đủ để Trần Nam Long thể hiện cái tôi nghệ sĩ trong những giờ ký họa, đó là việc anh luôn ưu ái chăm chút cho những vòm cây của mình, thả vào đó một linh hồn đang nhảy nhót, mơn trớn nắng, gió và thời gian.

Xem “Phố xưa hè cũ” của Trần Nam Long, người ta bỗng chốc quên đi hết những nhếch nhác, ẩm thấp, tối tăm, chật chội, chen chúc của những không gian tù đọng thời gian trong lòng Hà Nội. Chỉ còn hoài niệm thân thương cùng một hiện tại nhuốm màu trễ nải, chậm chạp, biếng lười và mặc kệ. Cứ thế đấy, giữa trung tâm đô hội ồn ào nhộn nhạo, nhồi nhét tiện nghi vào từng block nhà, 2 “thể chế” kiến trúc này dửng dưng đứng đó, rõ ràng là thuộc về mà như chẳng thuộc về. Không có thanh âm bức bối, và đó là bình yên. Hẳn nhiên, đó phải là tâm thế của chính người vẽ.

Có những ý kiến tranh cãi về loạt tác phẩm trình diện của Trần Nam Long. Rằng những xôn xao ngày qua là dư âm của cảm xúc thực sự với hội họa hay cảm xúc với thân phận người vẽ. Thật khó nói, bởi muốn nói được thì phải đến xem trực tiếp tranh của anh. Chưa kể, cảm xúc của người thưởng lãm luôn đến từ rất nhiều yếu tố, đôi khi từ một điểm chạm vô tình của 2 tâm hồn đi tắt qua nhau.

Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận được rằng, Trần Nam Long vẽ rất kỹ, cái kỹ của một người không thiết gì ngoài giá vẽ trên đời. Đó không phải cái kỹ vật lý thuần túy mà là cái kỹ của ý thức cầu toàn. Sự cầu toàn và tình yêu tuyệt đối dành cho hội họa sẽ đưa người vẽ đi thật xa, tới nơi mà anh ta muốn tới. Cái không hoàn hảo của hôm nay sẽ được bổ khuyết vào ngày mai, cái vụng về của hôm nay sẽ thành cái thượng thừa của sau này. Trần Nam Long mới 18 tuổi và anh vẫn luôn nhìn thấy sự khiếm khuyết trong chính mình.

Trần Nam Long tham gia nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (USK Hà Nội) năm 2018 khi mới 13 tuổi. Năm 2019, tác phẩm ký họa tòa nhà số 65 Nguyễn Thái Học của Trần Nam Long được chọn vào triển lãm “Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX”. Trần Nam Long có sở thích đặc biệt với kiến trúc cổ - cũ của Hà Nội. Trong 4 năm tham gia nhóm ký họa, Long đã vẽ hàng trăm căn nhà cổ trên phố Nguyễn Thái Học, Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Phó Đức Chính, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất, Tống Duy Tân, Ngọc Hà, Hàng Rươi, Lê Thánh Tông... cùng các khu tập thể cũ ở Phương Mai, Tôn Thất Tùng, Vũ Trọng Phụng, Văn Chương, Liên Trì, Nguyễn Trường Tộ... Những bức vẽ của Trần Nam Long đặc tả kết cấu kiến trúc với tỷ lệ chuẩn xác cùng các chi tiết tỉ mỉ, nên không chỉ là tác phẩm hội họa mà còn là tư liệu quý lưu lại lịch sử kiến trúc của Thủ đô, điều mà vốn rất ít các nhà kiến trúc, mỹ thuật, nhiếp ảnh của Việt Nam thực hiện trước đây.