- Họa sĩ Bắc-Trung-Nam hào hứng với chương trình đấu giá "Vượt qua đại dịch Covid-19"
- Chương trình "Vượt qua đại dịch Covid-19": Lượng tranh đấu giá trực tuyến ở mức "đáng mơ ước"
- Phiên đấu giá số 6 "Vượt qua đại dịch Covid-19": Khoảng lặng cần thiết trước khi trở nên đặc biệt sôi động
Trong mùa dịch Covid-19, có những điều tưởng như đơn giản, rất đỗi bình thường như một buổi tối cả gia đình quây quần bên mâm cơm hay tự tay nấu một bữa ăn cho chồng con bỗng trở nên xa xỉ đối với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch. Và điều đó càng trở nên ước ao, là mong mỏi với các thầy thuốc, nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai trong suốt thời gian phong tỏa vừa qua. Câu chuyện của gia đình họa sĩ Trần Lê Nam phải xa cách nhau hơn 20 ngày vì dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình.
Chuyện được bắt đầu từ ngày 28-3 khi các đơn vị chức năng phát hiện công ty Trường sinh có người nhiễm virus Corona và Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa. Vợ anh nằm trong số phải ở lại bệnh viện trong suốt thời gian thực hiện cách ly. Họa sĩ Trần Lê Nam thực sự hoảng với nhiều lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra bởi trước đó, các bác sĩ và nhân viên của bệnh viện đều ăn cơm và uống nước của công ty này. Hơn thế, ngày nào 2 bố con cũng nghe tin có người nhiễm bệnh từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai nên những lo lắng ấy trở nên thường trực hơn.
Hai cha con họa sĩ Trần Lê Nam vui mừng đón vợ, mẹ trở về nhà
Hai bố con gọi điện hàng ngày cho mẹ, hỏi thăm tình hình và cũng là để bà xã thấy được điểm tựa vững chắc từ hậu phương. Sự căng thẳng càng tăng thêm khi có nhiều người thân và bạn bè hỏi thăm. Cho đến khi, chị thông báo kết quả xét nghiệm âm tính, 2 bố con mới thở phào nhưng lại bắt đầu làm quen với việc mẹ vắng nhà.
Hơn 20 ngày vợ vắng nhà là khoảng thời gian dài đằng đẵng với biết bao mong mỏi ngày trở về, gia đình sum họp. Để sử dụng thời gian hiệu quả, họa sĩ và con vệ sinh nhà cửa, thu dọn đồ đạc. Bố nấu cơm, con rửa bát. Nhưng họa sĩ cũng thú thực, thiếu bàn tay chăm sóc của vợ, của mẹ, ngôi nhà bỗng vắng vẻ, quạnh bếp. Một bữa cơm nấu ra, 2 bố con ăn cả ngày. Công việc sáng tác của họa sĩ bị gián đoạn vì mọi lo lắng, thấp thỏm chiếm lĩnh tâm trí, anh không thể tập trung sáng tác được.
Rồi cái ngày bệnh viện có lệnh dỡ bỏ phong tỏa cũng đã đến, niềm vui vỡ òa. Vợ anh gọi điện về từ chiều. Thằng cu nhẩy khắp nhà. Buổi tối, hai bố con tra khắp các mạng để cập nhật giây phút các rào chắn được tháo dỡ và đêm đó, 2 cha con thấp thỏm cả đêm, chờ mẹ về.
Nhưng phải chờ đến sáng hôm sau, vợ họa sĩ Trần Lê Nam mới về tới nhà sau các thủ tục bàn giao công việc cho ca khác. Biết vợ về, họa sĩ dậy sớm, tự tay nấu cơm đãi vợ. Món ăn chỉ có rau muống luộc và thịt xào sả ớt nhưng với một người đàn ông ít vào bếp, anh đã phải nhờ đến Youtube hướng dẫn cách chế biến. Trần Lê Nam tâm sự, anh cũng biết nấu nhưng chỉ luộc rau và kho thịt là hết bài. Nên sáng hôm ấy vợ về, thấy anh dọn sẵn cơm, chị đã mừng. Lúc nhìn thấy món thịt xào sả ớt, chị hơi "choáng".
Sáng hôm ấy, sau hơn 20 ngày, cả nhà mới có bữa cơm sum vầy, chuyện trò ríu rít. Câu đầu tiên vợ anh nói: “Thèm một bữa cơm nhà".
Tác phẩm "Cầu Long Biên" của họa sĩ Trần Lê Nam góp mặt tại chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19"
Vợ họa sĩ Trần Lê Nam chia sẻ, mọi sự điều hành của viện rất trật tự, nghiêm ngặt, vừa cứu chữa bệnh nhân nặng, vừa thực hiện nghiêm túc việc cách ly. Chị cho xem đoạn video các y bác sĩ cứu bệnh nhân ép tim từ cổng vào đến khoa. Hai bố con khâm phục thực sự.
Vợ anh sẽ có vài ngày nghỉ ngơi trước khi trở lại với công việc. Ngôi nhà đã ấm áp, sum vầy khi có bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ. Còn họa sĩ đã có nhiều thời gian hơn cho công việc sáng tác. Những từ như “virus” hay “cách ly” cứ ám ảnh mãi trong đầu Trần Lê Nam. Anh tự đặt ra những câu hỏi như: Cuộc sống rồi sẽ như thế nào? Mọi người cần phải nhìn nhận và điều chỉnh gì về những giá trị cơ bản đã có. Đó chính là đề tài mà họa sĩ đang "thai nghén" để thể hiện trong tác phẩm của mình.
Với sự đồng cảm trước những vất vả, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ trong mùa dịch Covid-19, họa sĩ Trần Lê Nam đã gửi tặng chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19", do Báo An ninh Thủ đô và công ty Indochineart tổ chức bức tranh "Cầu Long Biên". Bức tranh đã may mắn được một nhà sưu tầm tìm mua với giá 5 triệu đồng. Cùng với nhiều nghệ sĩ khác tham gia chương trình, họa sĩ Trần Lê Nam đã mang về nguồn vật chất thiết thực. 100% số tiền thu về từ hoạt động đấu giá và ủng hộ sẽ được 2 đơn vị đồng tổ chức trao tận tay các thầy thuốc, các cơ sở y tế ở tuyến đầu chống dịch.