- Chương trình "Vượt qua đại dịch Covid-19": Lượng tranh đấu giá trực tuyến ở mức "đáng mơ ước"
- Giấy dó lên ngôi trong cuộc tiếp sức đội ngũ y bác sĩ "Vượt qua đại dịch Covid-19"
- Phiên đấu giá số 6 "Vượt qua đại dịch Covid-19": Khoảng lặng cần thiết trước khi trở nên đặc biệt sôi động
Chiếm đại đa số trong chương trình lần này là sự góp mặt của các họa sĩ miền Bắc (57 họa sĩ) với những tên tuổi như: Lý Trực Sơn, Phan Cẩm Thượng, Khổng Đỗ Tuyền, Vũ Đình Tuấn... Trong đó, các họa sĩ hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội làm nòng cốt cho toàn bộ chương trình. Bởi ở đây có Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cái nôi đã sản sinh ra các thế hệ họa sĩ nổi tiếng bậc nhất của cả nước. Đồng thời Hà Nội còn là trung tâm kinh tế, chính trị và xã hội của cả nước, nơi linh khí tụ hội.
Bên cạnh đó, chương trình có sự góp mặt của 3 họa sĩ miền Trung là Ngô Đăng Hiệp, Nguyễn Văn Chung, Phúc Cửa Đại (Phạm Thanh Phúc), 2 họa sĩ miền Nam là Lâm Văn Cảng và Lê Thị Kim Xuân.
Tác phẩm "Mặt trời của mẹ" của Nguyễn Văn Chung
Nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của các họa sĩ 3 miền Bắc-Trung-Nam, chương trình có biên độ rộng mở về hình thức thể hiện, mang bản sắc vùng miền rõ rệt. Điều đó được các họa sĩ thể hiện trên bề mặt toan và tạo nên một chương trình đấu giá phong phú, đa dạng các tác phẩm nghệ thuật.
Có thể kể đến, bên cạnh những lũy tre xanh ngút ngàn rất đặc trưng của các làng quê đồng bằng Bắc Bộ trong tác phẩm "Vạt nắng cuối ngày" của Nguyễn Đăng Phú, người xem còn được thưởng thức một cảnh trí thân thuộc ở sông nước miền Tây, thấp thoáng bóng dáng tần tảo của người mẹ và niềm vui con trẻ trong tác phẩm "Lối nhỏ ven sông" của Phạm Thanh Phúc. Hay một tác phẩm mang đặc trưng vùng miền, ca ngợi tình mẫu tử của các bà mẹ Tây Nguyễn trong tác phẩm "Mặt trời của mẹ" của Nguyễn Văn Chung.
Tác phẩm "Lối nhỏ ven sông" của Phạm Thanh Phúc
Một phiên đấu giá nghệ thuật trực tuyến lại hội ngộ đủ họa sĩ ở 3 miền của đất nước. Điều đó chỉ có thể được giải thích bằng ý nghĩa tích cực của chương trình đã lan tỏa rất xa, khiến cho các họa sĩ ở những vùng đất xa xôi, cách Hà Nội cả nghìn cây số vẫn sẵn lòng đóng góp tác phẩm và dành tặng cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.
Từ Khánh Hòa, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp đã gửi tặng chương trình tác phẩm sơn dầu "Mây mùa xuân". Anh chia sẻ, trong đại dịch, đất nước cần sự chung tay và đóng góp của toàn dân. Anh không có nhiều tiền, cũng không có vàng bạc để ủng hộ nhưng là một họa sĩ, anh nghĩ mình nên dùng chính tác phẩm để thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm cùng Chính phủ dập tắt dịch bệnh.
Tác phẩm "Mây mùa xuân" của Ngô Đăng Hiệp
Còn vì sao lại là "Mây mùa xuân" mà không phải là một tác phẩm khác, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp giải thích, vì trong đại dịch, con người thường cảm thấy ngao ngán, u buồn nên khi tặng tác phẩm này, anh muốn đẩy lùi không khí ảm đảm ấy bằng vẻ đẹp tươi mới của một ngày xuân bình yên trên hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Khánh Hòa. Trời nước, hoa cỏ, núi mây như cùng hòa quyện vào nhau và những đám mây trắng trinh nguyên như đang thong thả rong chơi giữa một trời xuân xanh, nước biếc. Hình mảng trong tranh được cách điệu và đơn giản đã tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cảnh vật. Hợp sắc xanh, trắng, hồng, tim tím tăng thêm cảm giác mát mẻ, trong lành của trời nước ngày xuân.
Từ TP.HCM, nữ họa sĩ Lê Thị Kim Xuân đã gửi tặng chương trình tác phẩm màu nước "Em bé và chú chim sâu". Chị chia sẻ, xem qua tivi được biết, các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai vất vả chống chọi với dịch bệnh nên chị tặng bức tranh này với mong muốn tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ y bác sĩ vượt qua khó khăn. Đặc biệt, em bé trong bức tranh giống như con của các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đang ngồi trước cửa nhà ngóng mẹ về. Một bức tranh màu nước chân thực, dễ gợi những tình cảm trìu mến, hướng thiện.
Tác phẩm "Em bé và chú chim sâu" của Lê Thị Kim Xuân
Nữ họa sĩ Lê Thị Kim Xuân cho biết thêm, chị tham gia nhiều các chương trình ủng hộ chống đại dịch Covid-19. Và thường là chị bán tác phẩm rồi lấy tiền gửi vào các quỹ ủng hộ. Nhưng chương trình đấu giá "Vượt qua đại dịch Covid-19" lại khác, chị đã chuyển tác phẩm ra Hà Nội bằng đường bưu điện và hy vọng, bức tranh khi đến tay các bác sĩ sẽ giúp các thầy thuốc cảm nhận được tình cảm, sự quan tâm và lòng biết ơn của giới họa sĩ.
Đến nay, chương trình đã khép lại sau 6 phiên đấu giá với 46/65 tác phẩm được trả giá. Toàn bộ số tiền thu về từ tiền đấu giá tác phẩm và tiền ủng hộ của những tấm lòng yêu mến, sẽ được Báo An ninh Thủ đô và công ty Indochineart gửi tới đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch. Thành công của chương trình không thể không kể đến sự chung tay của các nhà sưu tầm, các họa sĩ. Đặc biệt là tấm lòng của các họa sĩ phương xa. Dù là tác phẩm được trả giá hay chưa được trả giá cũng không quá quan trọng khi đó là tấm lòng của những người họa sĩ Việt Nam cùng hướng về các thầy thuốc, thể hiện trách nhiệm của giới tạo hình trước các vấn đề của đất nước.