“Ai là thủ phạm”-Vở kịch dựng lại của Nhà hát Tuổi trẻ tham gia liên hoan
Mang hơi thở cuộc sống đương đại
27 vở tham dự liên hoan lần này thì có tới 23 vở mới “ra lò”, mang hơi thở cuộc sống đương đại. 20 đoàn tham dự liên hoan thì 4 đoàn đến từ TP.HCM với mô hình xã hội hóa rõ nét. Khán giả sẽ được thấy “trăm hoa đua sắc” ở một đề tài vốn được mặc định là khô khan. Hình ảnh về người chiến sỹ công an được khắc họa đa chiều. Các nhà biên kịch, đạo diễn sẽ đặt những người mặc sắc phục vào trung tâm của những xung đột để từ đó phẩm chất, tính cách của người chiến sỹ công an sẽ được bộc lộ và khán giả cảm nhận được đa diện hơn sự hy sinh gian khổ ẩn đằng sau mỗi chiến công.
Theo nhà biên kịch Chu Thơm : “Đừng tưởng, cứ sa mạc là khô khan, ở đó vẫn có rất nhiều hoa và cả màu xanh. Đề tài nào cũng trở nên khô khan nếu cứ viết mãi theo lối mòn. Ở đề tài về người chiến sỹ công an, tôi vẫn nhớ câu thoại quen thuộc “Các anh đã bị bắt, các đồng chí giải chúng nó đi” nhưng bây giờ, viết kịch về lực lượng công an đâu chỉ có thế, còn có những số phận, những tính cách gắn liền với những chiến công”.
Nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai với vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời” thì có một góc nhìn riêng. Chị khẳng định: “Ở mỗi nhân vật chiến sỹ công an cụ thể sẽ mang lại những thú vị riêng cho êkíp dựng vở. Người chiến sỹ cũng có những số phận, yêu ghét giận hờn và mang trên mình trọng trách cao cả được nhân dân giao phó. Dựng vở để khắc họa họ không dễ nhưng cũng không khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Điều quan trọng là tránh khắc họa một chiều sẽ rất khó chuyển tải hết được nét đẹp ở những người chiến sỹ”.
“Nguồn sáng phía chân trời”, vở cải lương của đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai
(Nhà hát Cải lương Hà Nội)
Đầu tư tiền tỷ
Các đoàn nghệ thuật tham dự liên hoan đều đầu tư kinh phí dựng vở khá mạnh tay và đặt nhiều kỳ vọng tại liên hoan này. Nhà hát Chèo Quân đội đầu tư hơn 1 tỷ đồng dựng vở “Người chiến sỹ năm xưa” để cùng hòa vào bài ca về người chiến sỹ công an. NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Hình tượng người chiến sỹ công an nhân dân hay hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn bình dị và đẹp đẽ. Nhà hát Chèo Quân đội đã quyết định dựng vở “Người chiến sỹ năm xưa” trước khi biết tin về kỳ liên hoan này. Tôi nghĩ đó là cái duyên giữa nhà hát và liên hoan lần này”. Liên hoan còn vài tháng nữa mới diễn ra nhưng Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội… đã khai sàn và chuẩn bị cho kỳ liên hoan này từ rất sớm.
Nguồn kịch bản về đề tài CAND tương đối phong phú. Điều này giải thích cho việc đại đa số các vở diễn tham dự đều được dàn dựng mới. Hơn nữa, mức hỗ trợ sáng tác lên tới 150 triệu đồng/vở dàn dựng mới và 100 triệu đồng/vở dàn dựng lại đã thúc đẩy việc hợp tác giữa các đoàn, các nhà hát và đội ngũ tác giả mật thiết hơn. Nhờ đó, kỳ liên hoan này, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều vở diễn mang hơi thở đương đại thay vì xem lại các vở diễn đã ra đời cách đây nhiều năm. Cũng vì điều này, hình ảnh về người chiến sỹ công an sẽ tươi mới, hấp dẫn hơn với khán giả ở nhiều độ tuổi.
Nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai muốn qua vở cải lương “Nguồn sáng phía chân trời để bày tỏ tình cảm trước sự hy sinh thầm lặng và trân trọng hơn những giá trị mà những người chiến sỹ mặc sắc phục đã mang lại cho xã hội. Đó là tiếng nói chung của nhiều đạo diễn, biên kịch và lãnh đạo các nhà hát khi tham gia tranh tài tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” lần thứ ba năm 2015 nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-2015) và 10 năm Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (19-8-2005/19-8-2015) do Bộ Công an phối hợp với Bộ VH-TT&DL và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 26-7 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.