Hòa bình rồi! Hà Nội kia rồi!

ANTĐ - Thế rồi một hôm bố tôi cùng các bác ở Hội Văn nghệ từ chiến khu Việt Bắc kéo về đầy cả quả Đồi Cháy, ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Yên Thế, Bắc Giang. Bố nói: “Hiền chuẩn bị đi với thầy về tiếp quản Thủ đô, giải phóng Thủ đô rồi, hòa bình rồi”. Để lại búp bê chú Phùng Cung tặng tôi trong tủ kính ở quán nước mẹ tôi, trên con đường đất đỏ, dưới chân đồi, tôi theo bố và các bác lên xe đi theo đám bụi hồng của đoàn người phía trước tiến về Thủ đô Hà Nội, giải phóng Thủ đô.

Hòa bình rồi! Hà Nội kia rồi! ảnh 1Lũ trẻ xóm tôi - Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Lần đầu tiên đứng trên ôtô, đi riết trên đường rầm rập người, bộ đội, dân quân, xe cộ kéo đi lũ lượt, phía trước và phía sau xe của chúng tôi là những chuyến ôtô kéo dài, có xe kín đặc màu nâu đen, nhìn kỹ các cô dân quân du kích, đầu chít khăn đen mỏ quạ, áo cánh nâu, thắt lưng ngang bụng, vai đeo súng trường - cô nào cô nấy một tay bồng súng, một tay giơ lên vành khăn mỏ quạ chào, các cô xinh ơi là xinh và oai ơi là oai. Lại có xe xanh rì, đó là xe các chú bộ đội, mũ lưới cài lá ngụy trang, quần áo xanh màu lá, cũng thắt lưng, cũng bồng súng đứng nghiêm như tượng, một tay giơ lên mũ chào. Các chú, các cô chào Hà Nội, chào tất cả mọi người đang đứng đầy dưới đường vẫy cờ, hoa, tung nón mũ, hò hát vang trời, chạy ra cả lòng đường để chào các chú, các cô, chào cả đoàn xe của tôi và bố cùng các bác tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội.

Ôtô tiến gần đến Thủ đô, bố tôi nói:

- Con ơi, làng mình kia kìa, rồi hôm nào thầy đưa con về làng cho biết quê quán, họ hàng.

Xe cứ thế đi qua cầu, lại qua cầu. Bố lại nói:

- Hà Nội kia rồi!

Mọi người đứng hết cả lên, tiếng nói, tiếng cười, những giọt nước mắt rơi, ôm lấy nhau trên ôtô, nhảy lên, hét lên:

- Hà Nội, Hà Nội kia rồi!

Bỗng cất lên tiếng hát:

Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây.

Đây lắng hồn núi sông ngàn năm.

Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!

Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời.

Hà Nội hồng ầm ầm rung.

Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên!

Hà Nội đẹp sao! Ôi nước hồ Gươm xanh thắm lòng. …

Một ngày thu non sông chiến khu về, đường vang tiếng hát cuốn lòng người.

Đoàn quân Việt Nam đi

Hà Nội say mê chen đón Cha về, kín trời phơi phới vàng sao…

Tất cả các cô chú, các bác đứng lên, không ai bảo ai tất cả hát vang bài hát “Người Hà Nội” của bác Nguyễn Đình Thi. Trên đường, phía dưới đoàn xe, người người đứng vẫy chào đoàn người tiến vào Thủ đô, cùng cất vang tiếng hát theo, hòa với tiếng hát của các bác...

…Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người mênh mông.

Mắt Người sáng láng vầng sao thắm tươi, trán Người mái tóc bạc thêm.

Bóng cờ bát ngát ngày vui nước non reo cười trên môi Người cười.

Tiếng cười.

Ngày về chiến thắng!

Tiếng hát trầm hùng, vang vang, hừng hực một niềm vui chiến thắng chung. Người người, hoa, cờ rợp đường phố.

Tôi cũng thấy tim mình đập rộn ràng, đứng vụt dậy, háo hức nhìn - Hà Nội đâu, Hà Nội như thế nào, Hà Nội đẹp đến thế nào mà sao các cô chú, các bác mùng vui đến như vậy, háo hức về lại Thủ đô đến như vậy. Lây chung khí thế hừng hực, sôi động, hồi hộp, háo hức của các bác. Tôi cũng hét to:

- Về đến Hà Nội rồi, giải phóng Thủ đô rồi, Bác Hồ muôn năm, muôn năm!

Tôi được các bác phát một khăn lụa xanh da trời, đứng trên mép ôtô cùng các bác vẫy khăn lụa xanh, chào Thủ đô Hà Nội, chào những người đứng nườm nượp 2 bên đường, áo dài, khăn đống, người lớn, trẻ con chen lấn đông nghịt háo hức, nhảy múa, nói cười đủ cả, hoa, cờ phấp phới nhộn nhịp, nón mũ tung lên trời, tiếng đàn accordion, tiếng hát, tiếng hò reo vang dội đón chúng tôi. Đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về giải phóng Thủ đô. 

Về Hà Nội bố và tôi cùng các bác ở 51 Trần Hưng Đạo, tất cả mọi người ăn cơm tập thể, cứ y như một nhà vậy.

Vượt qua đám bụi hồng ở con đường dưới chân Đồi Cháy, tôi đã đi qua bao làng xóm, qua mấy cây cầu, đi qua quê mình, về đến Hà Nội. Hà Nội khác hẳn quả đồi đất đỏ của tôi, các cô gái mặc áo dài tím, hồng, xanh đỏ, quần trắng đi xe đạp hay đi bộ trên phố thướt tha, các cô môi son, má hồng xinh ơi là xinh. Các cụ mặc áo dài, chít khăn đống, quần trắng, đi guốc hoặc giày, cắp ô. Các thanh niên quần tây hay quần soọc, áo cộc, áo dài tay, comple, caravat, giày bóng loáng, tóc chải bê giăng tin bóng loáng, mướt mườn mượt, hoặc đội mũ phớt, đeo kính râm đen. Lại có mấy cô bé, chú bé mặc đầm, giầy trắng, giầy đỏ thắt nơ, tóc phi dê xoăn tít, lạ lắm, cứ như thiên thần vậy. Tôi cứ nhìn không chớp mắt. 

Bố cho tôi ra phố Hàng Bài hỏi tôi thích gì bố mua cho, bao nhiêu là đồ chơi, quần áo, bánh kẹo rực rỡ, hào nhoáng, đèn sáng rực nhấp nháy tôi chưa bao giờ được thấy qua.

Bố hỏi tôi:

- Con thích gì thầy mua cho?

Đi mãi tôi chẳng hỏi mua gì. Bố nói con không thích gì à? Tôi nói tôi thích lắm, nhưng tôi chỉ xin bố mua cho tôi một cuộn len hồng và đôi kim đan, tôi nói:

- Con phải đan áo cho búp bê của con vì để em ở trên đồi sợ em bị lạnh.

Bố đã mua cho tôi một cuộn len mướt hồng và đôi kim đan, tôi đã cặm cụi đan cái áo len đầu tiên cho con búp bê đầu tiên trong đời của mình, con búp bê chú Phùng Cung đã tặng cho tôi trên Đồi Cháy.

Ở Hà Nội tôi nhớ quả đồi đất đỏ của tôi, nhớ mẹ và các em, nhớ các bạn mình, lúc này đã có giấy bút, tôi cặm cụi vẽ lại quả đồi của tôi, tôi đứng trên đồi, tay ôm con búp bê của mình, đất dưới chân đỏ rực, con gà mái của tôi đã có một đàn con xúm xít quanh chân tôi. Tôi nói với bố vì tôi nhớ quả đồi, nhớ con gà của mình, nhớ các bạn, nhớ mẹ và các em lắm nên tôi đã vẽ lại quả đồi của mình, bố hỏi:

- Con đặt tên là gì?

Tôi nói: “Quả đồi và con gà của em”. Hay thôi, chỉ nói là “Quả đồi của em” thôi thầy ạ.

Thầy tôi nói:

- Hay quá, tranh vẽ đẹp lắm.

Rồi thầy tôi gửi tranh đi dự thi quốc tế. Tôi được nhận giải thưởng - mừng quá - thế là bức tranh đầu tiên tôi vẽ bằng phấn trên nền đường đất đỏ của quả đồi, bức thứ hai tôi vẽ chính tôi đứng trên quả đồi, quả đồi “mộng mơ” của tôi, quả đồi đã cho tôi bao nhiêu điều may mắn, ước mơ, đã mở cho tôi biết bao nhiêu cánh cửa để đi vào thế giới đầy biến ảo của con người.