Hà Nội văn hiến, văn vật đẹp trong mọi góc nhìn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội. Năm 2007. Một cuộc triển lãm “đặc biệt” đã diễn ra. Nói đặc biệt ở chỗ, các tác phẩm trưng bày đều là những bức tranh vẽ dây điện. Những mớ dây gồm đủ thể loại, cáp quang, truyền hình, điện thoại, điện dân sinh… “rối như mớ bòng bong” vắt trên phố, treo đến trĩu cả cột bê tông khiến người người Hà Nội bực bội đến mức phải thốt lên rằng đó là mớ “rác trời”...
Tác giả Vân Quế

Tác giả Vân Quế

Ấy thế mà, khi dây điện đi vào hội họa, những bức tranh đó lại đem đến cho người xem xúc cảm lạ kỳ. Về phố. Về Hà Nội. Dây bỗng hóa khuông nhạc, loa phường, đèn đỏ, biển báo giao thông... trở thành nốt nhạc, để rồi chúng vang lên những thanh âm cuộc sống. Cuộc triển lãm đã gây ra một “chấn động nhỏ” trong giới mỹ thuật lúc bấy giờ. Tất nhiên, mấy chục bức tranh trưng bày đều đã được mua hết khi triển lãm còn chưa kết thúc. Họa sĩ - tác giả của những bức tranh dây điện ấy là Nguyễn Ngọc Dân. Bạn bè, đồng nghiệp quen miệng gọi anh là “Dân dây điện” - một cái tên mang tính khẳng định thương hiệu rất rõ nét.

Lần đầu tiên tôi gặp Nguyễn Ngọc Dân là ở một triển lãm cách đây khoảng 7-8 năm. Đồng nghiệp của tôi khi ấy vui vẻ giới thiệu: “Đây là họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân”. Rồi như đồ rằng tôi sẽ không thể nhớ Nguyễn Ngọc Dân là ai, bạn nhanh trí bồi thêm: “Dân dây điện”. À, ra thế! Nguyễn Ngọc Dân thì tôi còn lơ mơ, chứ “Dân dây điện” thì đã biết tiếng từ lâu và cũng rất yêu thích các bức tranh của anh từ triển lãm lần đầu tiên ở Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace).

Rồi cũng không hiểu thế nào, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân và tôi lại là bạn bè trên mạng xã hội. Mấy năm gần đây, thấy anh toàn diện cổ trang, áo dài khăn đóng, trông rất ra dáng quan viên. Rồi còn ngâm thơ cổ, rồi bén duyên với ca trù, làm lễ mở xiêm áo hẳn hoi, cầm chầu trông rất… “chất”. Những “cuộc chơi” của anh với nghệ thuật cổ khiến tôi vô cùng thắc mắc. Một họa sĩ, tay phải thì là trường phái hiện đại kết hợp sắp đặt, trình diễn, còn tay trái thì nâng niu và gìn giữ di sản phi vật thể, không hiểu có khi nào tay trái - tay phải “va chạm” với nhau không. Nhân dịp năm mới Nhâm Dần 2022, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ xung quanh những bức tranh đặc biệt về Hà Nội.

Những bức tranh dây điện nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Những bức tranh dây điện nổi tiếng của họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Dây điện: Thứ thân thương với Hà Nội

- PV: Chào họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân. Có lẽ không phải chỉ riêng tôi mà rất nhiều người khi gặp anh đều muốn hỏi rằng, anh nhận ra vẻ đẹp của những mớ dây điện lằng nhằng và “xấu khủng khiếp” đó từ bao giờ? Và vì sao cái hiện thực phũ phàng ở ngoài đời kia qua nét cọ của anh lại bình dị và ấm áp thế?

- Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân: Tôi là người Hải Phòng, năm 1991 tôi bắt đầu khăn gói lên Hà Nội học. Năm 1991, tôi chính thức là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Thủ đô của thập kỷ 90 đó vắng vẻ và bình yên lắm! Sống ngần ấy năm ở Hà Nội, bao đêm lang thang phố xá, tôi dần có bạn bè thân thiết, rồi cả những kỷ niệm, dấu ấn, ví dụ như mùi hoa sữa góc đường Nguyễn Du sát ngay trường tôi học chẳng hạn. Tôi rất thích các di tích Hà Nội vì dân mỹ thuật thường hay nghiên cứu mỹ thuật cổ. Tôi lang thang hết các di tích này đến di tích kia. Nhưng khi đó, tất cả mọi thứ đều chỉ dừng ở mức độ là “hiện lên trước mắt” mà thôi. Và lúc đó, tôi cũng chưa thể biết rằng, có bao nhiêu điều ở cái thành phố này nó mê hoặc mình đến thế.

Khi có gia đình, tôi hay phải đưa con đi học, đón vợ đi làm. Khi dừng đèn đỏ, với tôi đó là những khoảng thời gian dù ngắn, nhưng có thể ngắm thật kỹ từng góc phố. Các ngã tư khoảng đầu những năm 2000 dây điện giăng như mắc cửi. Lúc đó, tôi tự nhiên nhận ra, sao cái mớ dây điện kia nó vừa hiện thực, vừa trừu tượng với những nét cắt ngang, cắt dọc ấn tượng thế. Và tôi bắt đầu để ý... Mãi sau này tôi mới biết, gọi là dây điện nhưng trong đó có đủ cả cáp quang, cáp truyền hình, Internet và nhiều loại dây khác. Bây giờ thì cái đống dây lửng lơ trên trời ít hơn rồi, vì người ta đã hạ ngầm ở nhiều tuyến phố.

Rất có thể vài chục năm nữa chẳng còn những lằng nhằng, vắt ngang vắt dọc này để mà... ngắm nữa. Hình ảnh đó là hiện thực và là tất yếu của quá trình hội nhập, mở cửa, bùng nổ công nghệ thông tin. Nó cũng còn là câu chuyện xã hội, đời sống liên quan đến tạo hình. Mỗi sợi dây điện là một đường nét tuyệt vời trong hội họa. Ban đầu, tôi vẽ bằng bút trên toan khổ nhỏ. Nói thật là không ra được sức căng, sức nặng của dây điện đâu. Sau rồi tôi thử với khổ to cùng những đường cào rạch thì mới hiệu quả, ra được đường nét bùi nhùi, rối rắm.

Rồi tôi tiếp tục thử với việc vẽ mà không dùng bút, thay vào đó là các “vật thể lạ” như vẽ bằng đũa ăn cơm, thìa, dĩa… Những sợi dây to hơn thì tôi dùng đũa cả. Bằng thủ pháp đó, hóa ra, các nét cào của tôi lại gần giống gốm cào Đông Sơn. Tôi vẽ bằng tất thảy những gì tự nhiên nhất, bởi lẽ, nói gì thì nói, dây điện vẫn là thứ thân thương với Hà Nội. Nhà trong ngõ hay trên phố, nhiều khi chỉ cần mở cửa là đã thấy dây điện chăng dọc chăng ngang rồi.

Nghệ thuật: Thứ bản năng tự nhiên

- Nguyễn Ngọc Dân có phải người đầu tiên vẽ dây điện không?

- Chắc tôi không phải người vẽ dây điện đầu tiên đâu, cũng có nhiều người vẽ rồi chứ. Cụ Bùi Xuân Phái cũng hay vẽ cột điện đó và thỉnh thoảng cũng vẽ dây điện. Tuy nhiên, đó chỉ là 1 - 2 nét thoáng qua thôi, chứ không phải đặc tả dây điện.

- Tự dưng đi vẽ toàn là dây điện, lại còn đặc tả y như thật, hồi đó bạn bè có bảo anh là “điên nặng” không?

- Không, cũng chẳng điên rồ gì đâu. Nghệ thuật là thứ bản năng tự nhiên và cũng là góc nhìn của người nghệ sĩ khi quan sát đời sống. Tôi nhìn thấy ở các mớ dây điện treo giữa lưng chừng trời những sức hút và ý tưởng thì tôi vẽ thôi. Tất nhiên, hình ảnh hiện thực của dây điện mang lại thị giác rất mạnh.

Ước mong: Không có gì lớn hơn việc được ở Hà Nội

- Bỏ qua chuyện thành danh và tên tuổi, thành công nhất mà dây điện mang lại cho anh có phải là việc tranh vẽ ra “đắt như tôm tươi”?

- Cũng khá bất ngờ khi triển lãm cá nhân của tôi năm 2007 với các bức tranh dây điện đều được “dán nơ” ngay từ những ngày đầu khai mạc. Có vẻ như tôi là người may mắn. Từ lúc ra trường đến nay, tôi ít gửi tranh ở gallery lắm. Người ta vẫn tìm đến tận nhà mua tranh, không ồ ạt nhưng đều đặn. Tôi cũng có được niềm vui là chính bạn bè trong nghề thích tranh của mình. Cũng từ chuyện dây điện mà tôi có thêm một người bạn Hà Lan, rồi cũng từ đó có cơ hội giao lưu, triển lãm cá nhân ở Hà Lan. Nhưng với tôi, không có ước mong gì lớn hơn việc được ở Hà Nội.

“Dân điên nặng”: Cứ hài lòng với mọi chuyện thôi

- Cái “nickname” “Dân dây điện” mang tính chất nhận diện thương hiệu có phải ra đời sau triển lãm từ 15 năm trước không?

- Nếu tôi nhớ không nhầm, lúc tôi làm triển lãm cá nhân năm 2011, nhà thơ, nhà báo Bình Nguyên Trang lần đầu tiên trong một bài viết có gọi tôi là “Dân dây điện”. Thế là bạn bè, người thân cứ thế mà gọi, rồi đâm ra thành quen. Thậm chí có người còn gọi chệch đi là “Dân điên nặng”. Nghề mà! Có nghệ danh thế cũng không có gì phải thắc mắc. Cũng phải nói thêm rằng, bảo là tôi vui vì có nghệ danh thì cũng không đúng. “Bị” hay “được” gọi thế có phải do tự mình muốn đâu. Có những điều, muốn cũng không được mà không muốn cũng không được. Thôi thì, tên đã thành như thế, biết làm thế nào, cứ hài lòng với mọi chuyện thôi.

Hạnh phúc: Tôi tìm thấy ở Hà Nội

- Tôi vẫn phải hỏi lại anh, cái đống dây điện treo lửng lơ chẳng đâu vào đâu ấy thực sự là một nét xấu xí của thành phố. Xấu đến mức có rất nhiều cuộc họp của lãnh đạo Hà Nội khẳng định quyết tâm hạ ngầm, tức là giấu cái đống xấu xí ấy đi. Nhưng anh lại nhìn thấy vẻ đẹp của nó và biến nó thành tác phẩm nghệ thuật thực sự. Ngoài cái “hiện thực thị giác” thôi thúc anh đã nói ở trên, hẳn là anh còn rất yêu thành phố này?

- Đó là quê hương thứ 2 của tôi, mảnh đất mà tôi thấy vô cùng gắn bó và không thể rời xa được. Tôi thấy Hà Nội đẹp trong mọi góc nhìn, đó là một thành phố với bề dày văn hiến, văn vật. Nơi đây còn lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm, bạn bè, thậm chí cả tình yêu của tôi. Rõ ràng nhất, tôi đã học được nhiều điều hay và cả những rắc rối từ Hà Nội. Hà Nội hợp với tôi. Tôi đã đi khắp nơi, nhưng ở Hà Nội tôi tìm thấy hạnh phúc cùng những mơ ước cuộc sống, dù tôi vẫn nói đặc giọng Hải Phòng.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân tham gia các hoạt động phục hồi cổ phục Việt

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân tham gia các hoạt động phục hồi cổ phục Việt

Tiếng Việt: âm sắc, thanh điệu thật quý giá và giàu có

- Là một họa sĩ thành danh, thi thoảng còn sắp đặt trình diễn, là một nhà sưu tầm thư pháp có tiếng, gần đây thấy còn ngâm thơ cổ, hát ca trù, hoạt động tích cực trong các hoạt động phục hồi trang phục cổ... Biên độ của nghệ thuật trong anh còn có thể mở rộng đến đâu được nữa?

- Cái gì cũng có nguyên nhân cả đấy. Bố tôi tuy làm nghề cắt may nhưng ông cụ yêu văn nghệ vô cùng. Nhà tôi treo đầy các loại tranh. Hồi tôi còn nhỏ, cứ cuối tuần, hoặc đến tuần trăng là bạn bè của bố tôi thường đến nhà tôi chơi đàn nguyệt, ngắm trăng và thưởng trà. Tôi ngày đó còn bé tý, cứ chạy quanh nghe đàn, rồi thi thoảng được người lớn cho cái kẹo lạc. Nhà tôi có 7 anh em, tất cả đều được bố tôi dạy nghề may, đó là thứ nghề mà bố tôi bắt phải học để kiếm cơm. Riêng tôi, ông cụ lại chỉ thích cho làm họa sĩ. Năm lớp 10 tôi có vẽ lại một bức chân dung cụ Nguyễn Trãi. Nhiều người thấy thì khen tôi vẽ đẹp, mỗi tội cái tay cầm bút hơi… “dại”.

Được bố một người bạn giới thiệu, tôi cùng 4 bạn theo học thầy Trần Văn Trù, đó là người thấy đầu tiên dạy tôi vẽ. Chắc tôi cũng có cái máu văn nghệ giống bố. Tôi theo học ca trù đúng 1 năm. Trong 1 năm đó có bao nhiêu chuyện xảy ra. Tôi làm nhà, dịch bệnh nọ kia, nhưng tôi không nghỉ bất cứ buổi học nào. Rồi tôi đến với thơ cổ cũng là lẽ tự nhiên khi lần đầu nghe Nghệ sĩ nhân dân Phó Thị Kim Đức ngâm từ một bản ghi âm. Khi học ngâm thơ cổ, cách nhấn nhá, nhả chữ tôi mới ngẫm ra, kho tàng tiếng Việt, âm sắc, thanh điệu của tiếng Việt thật quý giá và giàu có.

Tôi: Khuôn mặt tôi hợp với cổ phục

- Thế còn cổ trang thì sao? Tôi thấy anh tham gia nhiều buổi trình diễn trang phục cổ, liệu có ai nói anh có khuôn mặt góc cạnh đúng kiểu người Việt cổ và rất hợp với cổ phục không?

- Gần như ai cũng nói khuôn mặt tôi hợp với cổ phục. Tôi tự soi gương và ngẫm, trang phục truyền thống cũng hợp với tôi. Tôi mặc sơ mi rồi comple cũng không đến nỗi đâu. Nhưng lạ là, bất kỳ lúc nào mặc áo dài, từ bộ giao lĩnh thời Lê hay ngũ thân nam tay chẽn... tôi đều cảm thấy hợp, thấy tự tin và hãnh diện, tự hào. Có một điều gì đó giống như truyền thống dân tộc đã cho tôi năng lượng, sự tự tin và sức mạnh. Có lần nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã nửa đùa nửa thật bảo rằng, cái bộ áo dài nam đó như thể sinh ra là dành cho tôi vậy.

Tôi vô cùng thích cuốn “Ngàn năm áo mũ” của Trần Quang Đức. Đó là một tài liệu nghiên cứu về trang phục cổ thực sự chỉn chu, cứ liệu rõ ràng và cái nhìn quy chiếu, khoa học. Sự lan tỏa của cuốn sách hết sức có ý nghĩa, từ đó ra đời nhiều hoạt động phục hồi trang phục cổ mà Ỷ Vân Hiên là một ví dụ cụ thể nhất. Năm 2007, khi cuộc triển lãm dây điện ở Trung tâm Văn hóa Pháp khai mạc thì tôi đã mặc áo sa khăn vấn rồi. Năm 2008, khi đến thăm Bảo tàng Louvre (Pháp), vợ chồng tôi đều mặc áo dài. Nhiều người gốc Việt và du khách các nước đã nhận ra chúng tôi là người Việt Nam và ngỏ lời chụp ảnh cùng. Đấy, tình yêu của tôi với cổ phục sự thật là thế. Ba cuộc triển lãm cá nhân ở Hà Lan tôi cũng mặc áo dài đấy.

Lạ: Càng lao vào cái cổ thì tinh thần mới lại ùa về

- Vừa làm nghệ thuật đương đại, vừa say mê nghệ thuật truyền thống, có điều gì mâu thuẫn giữa “bảo tồn và phát triển” trong anh không. Nơi tôi và anh đang ngồi để trò chuyện này, chỉ 1-2 năm trước thôi là hồ sen rộng lớn, bây giờ thành nhà hàng, quán cà phê... Không giữ được sen cho hồ Tây, theo anh đó là điều đáng tiếc hay là lẽ thuận theo sự thay đổi của vạn vật?

- Mình không phải là nhà quy hoạch kiến trúc, càng không phải là nhà lãnh đạo, nhưng rõ ràng ta phải thấy, một làng hoa Ngọc Hà đã mất, nói đó là điều tất yếu thì đó là tất yếu, nếu mà nói đó là đáng tiếc thì đúng là đáng tiếc. Bản thân tôi thấy thực sự đáng tiếc đấy. Cả dinh đào Nhật Tân đã biến mất, tiếc chứ! Bây giờ còn tý tẹo đất bãi để trồng đào thì có ăn thua gì đâu. Những thứ liên quan đến văn hóa mà mất đi thì bao giờ cũng đáng tiếc và đáng trách cả. Hà Nội có quá nhiều thứ đáng tiếc và sai lệch như thế.

Tôi chỉ nói ví dụ nhỏ, là kho tàng tiếng Việt thôi. Đã đến lúc cần phải nâng niu, bảo vệ giữ gìn. Ăn ở thế nào, đối đãi thế nào, ứng xử thế nào để không làm tổn thương nhau. Trả lời ý đầu tiên của chị, tôi yêu quý trân trọng những gì cổ kính. Tôi không mâu thuẫn khi vừa làm sắp đặt đương đại vừa ngâm thơ cổ. Hơn bao giờ hết, những thứ xưa cũ đó cho tôi cảm xúc để dễ làm nghệ thuật đương đại hơn. Sơ qua thì là thế, cụ thể hơn tôi không giải thích nổi, càng lao vào cái cổ thì tinh thần mới lại ùa về. Lạ lắm!

Đam mê: Tự nhiên phải nghĩ cách để mà chơi

- Tất cả các “cuộc chơi” của anh từ sưu tầm thư pháp, cổ phục hay ca trù đều tốn kém. Không có tiền không chơi được. Có phải hội họa giúp anh “nuôi” tất thảy những cuộc chơi đó hay không?

- Đúng vậy. Tôi may mắn là họa sĩ bán được tranh từ rất sớm và bán đều đều. Có điều kiện từ nguồn tranh, từ đó tôi được thong dong lao vào học cái khác, làm cái khác. Còn nếu không bán được tranh, tôi nghĩ thế này, khi đã đam mê rồi thì tự nhiên phải nghĩ cách để mà chơi. Đó là bản năng thôi. Ví dụ, dù có phải đi nhặt rác, làm công chức hay là nghệ sĩ, khi đã sinh ra đứa con thì phải luôn kiếm đủ cách, xoay đủ kiểu để nuôi con.

Lên - xuống: Năng lượng tích cực để làm chủ

- Nhưng cơm áo gạo tiền đôi khi nó là thứ kéo mình xuống, không cho phép mình phiêu du với nghệ thuật đâu?

- Không phải chỉ có mỗi cơm áo gạo tiền nó kéo mình xuống. Mọi thứ đều có thể kéo nếu mình xuống, nếu mình để nó làm chủ. Danh vọng rồi thì tham sân si, thậm chí vui quá nó cũng kéo xuống, người tình cũng có thể kéo mình xuống. Nhưng tất thảy những thứ đó đều có thể đẩy mình lên. Quan trọng là mình có năng lượng tích cực hay không. Xung quanh mình nhiều khi, sự đố kỵ cũng đẩy mình lên được đó.

- Cảm ơn họa sĩ, chúc anh năm mới nhiều sáng tạo mới!

“Tôi thấy Hà Nội đẹp trong mọi góc nhìn, đó là một thành phố với bề dày văn hiến, văn vật. Nơi đây còn lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm, bạn bè, thậm chí cả tình yêu của tôi. Rõ ràng nhất, tôi đã học được nhiều điều hay và cả những rắc rối từ Hà Nội. Hà Nội hợp với tôi. Tôi đã đi khắp nơi, nhưng ở Hà Nội tôi tìm thấy hạnh phúc cùng những mơ ước cuộc sống, dù tôi vẫn nói đặc giọng Hải Phòng”.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân