Hà Nội đẹp dần lên

(ANTĐ) - Mấy chục năm sống ở Hà Nội, cùng với sự trưởng thành về tư duy, về tâm hồn, càng ngày tôi càng nhận ra Hà Nội đẹp dần lên trong mắt tôi. Hồi nhỏ, ấn tượng nhất trong tôi về Hà Nội là hồ Gươm xanh mướt liễu rủ, mặt nước óng ánh, biêng biếc một màu xanh lục, có Tháp Rùa một bên, đền Ngọc Sơn một bên, để ra được ngôi đền ngự giữa mặt nước long lanh ấy phải đi qua một cây cầu cong cong màu đỏ. Đứng ở trên cầu có thể nhìn ra được xung quanh bờ hồ, xe cộ đi lại nhộn nhịp; sự tấp nập đó đối nghịch hẳn với không gian êm ả, thơ mộng, thoáng đãng giữa một vùng nước non, mây trời xanh ngắt-mà hai không gian ấy chỉ cách nhau có vài bước chân, đứng bên không gian này có thể thấy rõ được phía không gian bên kia. Cái cảm giác ấy đã được đứa cháu của tôi bây giờ diễn đạt bằng một từ mà tôi cho rằng ngôn ngữ của trẻ con sao lại chính xách và thật như thế! Khi thằng bé được dắt lên cầu Thê Húc với một vẻ sung sướng toát ra qua dáng điệu, nó nhìn xuống mặt nước và nhìn rộng ra xung quanh rồi thốt lên rất tự nhiên: “Thoải mái quá!”.

Hà Nội đẹp dần lên

(ANTĐ) - Mấy chục năm sống ở Hà Nội, cùng với sự trưởng thành về tư duy, về tâm hồn, càng ngày tôi càng nhận ra Hà Nội đẹp dần lên trong mắt tôi. Hồi nhỏ, ấn tượng nhất trong tôi về Hà Nội là hồ Gươm xanh mướt liễu rủ, mặt nước óng ánh, biêng biếc một màu xanh lục, có Tháp Rùa một bên, đền Ngọc Sơn một bên, để ra được ngôi đền ngự giữa mặt nước long lanh ấy phải đi qua một cây cầu cong cong màu đỏ. Đứng ở trên cầu có thể nhìn ra được xung quanh bờ hồ, xe cộ đi lại nhộn nhịp; sự tấp nập đó đối nghịch hẳn với không gian êm ả, thơ mộng, thoáng đãng giữa một vùng nước non, mây trời xanh ngắt-mà hai không gian ấy chỉ cách nhau có vài bước chân, đứng bên không gian này có thể thấy rõ được phía không gian bên kia. Cái cảm giác ấy đã được đứa cháu của tôi bây giờ diễn đạt bằng một từ mà tôi cho rằng ngôn ngữ của trẻ con sao lại chính xách và thật như thế! Khi thằng bé được dắt lên cầu Thê Húc với một vẻ sung sướng toát ra qua dáng điệu, nó nhìn xuống mặt nước và nhìn rộng ra xung quanh rồi thốt lên rất tự nhiên: “Thoải mái quá!”.

Mỗi lần đến Hà Nội là một lần khám phá
Mỗi lần đến Hà Nội là một lần khám phá

Lớn lên, khi đã cảm nhận được phần nào vẻ đẹp kiến trúc cảnh quan, giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội cổ kính, trầm mặc, Hà Nội đã ngày một hấp dẫn, lôi cuốn tôi, tôi lại thích “khám phá” một “hành trình văn hóa” bắt đầu từ Nhà hát Lớn, xuôi theo phố Tràng Tiền có hiệu kem nổi tiếng, rẽ sang Ngô Quyền có khách sạn Metropole tọa lạc, qua vườn hoa “Con cóc”, băng sang vườn hoa Chí Linh cũ (giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ), ngắm nghía những nét kiến trúc kiểu Pháp dọc hai bên đường cuối cùng nhắm tới đích là hồ Hoàn Kiếm.

Tôi có cái thú lang thang dạo một vòng xung quanh Bờ Hồ, hết ngắm cảnh sắc lại quay sang ngắm con người-ai cũng có vẻ nhàn tản đang “mượn” cảnh quan nên thơ hữu tình của hồ Lục Thủy xưa mà tìm cảm hứng thi, ca, kỳ, họa. Dường như khi đã đặt mình vào không gian thơ mộng bên hồ, bao nhiêu lo toan cuộc sống cũng phải lui bước, nhường chỗ cho cảm giác thư thái, nhẹ nhõm bao trùm quanh ta! Hay đó chính là phong thái cố hữu của người Hà Nội!

Thả bộ thư thái một vòng quanh hồ, như có ai xui khiến, đưa đẩy, rất tự nhiên, bước chân tôi lần nào cũng hướng về phía Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu phố Hàng Đào, lại vui chân la cà một mạch vào khu phố cổ buôn bán sầm uất. Mỗi một con phố ở đó tập trung kinh doanh chủ yếu một mặt hàng nào đó, hoặc là hàng hóa, hoặc là ẩm thực.

Một dãy dài từ phố Hàng Đào xuôi xuống phố Hàng Ngang cơ man là quần áo muôn màu muôn sắc. Những nhánh phố đâm ngang, tỏa ra từ phía những ô bàn cờ đầy ắp hàng hóa với Đông dược Lãn Ông, bánh kẹo Hàng Buồm, vàng bạc ở Hàng Bạc, đồ vàng mã ở Hàng Mã, đồ thờ ở Hàng Quạt… Ngày bé tôi hay thắc mắc với người lớn là tại sao phố Hàng Bạc bán vàng bạc, phố Hàng Mã bán đồ vàng mã, phố Hàng Chiếu bán chiếu, vậy mà phố Hàng Gà không bán gà, phố Hàng Buồm không thấy cánh buồm nào cả? Lớn lên một chút, đi học, đọc sách, tôi mới hiểu ở những thế kỷ trước Pháp thuộc, phố cổ Hà Nội gắn liền tên phố với hàng hóa-nói đúng hơn là tên phố được sinh ra bắt nguồn từ những mặt hàng được người dân chuyên buôn bán ở đó, địa danh “36 phố phường” dù chỉ mang tính ước lệ về địa lý, nhưng đã trở thành “danh xưng văn hóa” không tách rời với vùng đất kinh kỳ-Kẻ chợ. “Hà Nội 36 phố phường” đã nghiễm nhiên đi vào thi ca, như trong Việt Nam thi văn hợp tuyển (năm 1942) của nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm:

“Rủ nhau chơi khắp Long thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay…”.

Thời thế đổi thay, các tên phố dần mai một, hoặc không còn buôn bán chuyên môn mặt hàng như tên gọi nữa, mà chuyển sang kinh doanh kiểu tự phát “thấy hàng xóm bán đắt hàng thì cũng bán theo”, vô hình trung cũng tạo được một nét văn hóa mới thú vị!

Thời gian xa Hà Nội vào TP.HCM chỉ một thời gian không dài, với khoảng cách địa lý không phải là xa, nhưng sao tôi lại nhớ Hà Nội đến thế! Nhớ lắm hồ Gươm thơ mộng với sự tích lịch sử đẫm màu huyền thoại, cận kề phố cổ rêu phong mà tấp nập. Nhớ hồ Tây có truyền thuyết Trâu vàng, có đền Quán Thánh, có chùa Trấn Quốc, có chùa Tảo Sách, có phủ Tây Hồ-bao bọc con đường Cổ Ngư xưa được ví như một lẵng hoa giữa lòng Thủ đô. Nhớ những quán ăn mang tên Ông Già có món ốc hấp lá gừng thơm nức. Nếu đã lan man nhắc đến ẩm thực Hà thành, lại không thể không nhớ đến hương vị đặc biệt của phở Hà Nội, mà phải là phở bò chín, tái, nạm, gầu-cái hương vị mà những người đã từng ngao du thiên hạ thừa nhận rằng chẳng nơi đâu bắt chước được.

Nhớ hương cốm thơm khó tả tới vị dẻo, bùi ngơ ngẩn càng nhai càng thấy ngọt thấm vào ruột gan. Nhớ vị chè sen ngọt thanh tao, mát hương thơm tinh khiết. Nhớ cả vị ngọt sắc múi mít dày, vàng óng, tỏa mùi thơm nức mũi. Nhớ đến món bún chả, bún nem cua bể mùi thơm béo bay xa từ đầu phố đến cuối phố-mà dù có ăn bún thịt nướng cho đỡ nhớ thì bỗng nhận ra rằng lại càng khiến mình nhớ thêm. Ôi! Không thể kể xiết được những món ngon Hà thành mà ấn tượng đầu tiên-cũng là đặc trưng của chúng không phải là vị mà chính là hương. Mỗi món có một hương vị riêng, mà hương vị nào cũng quyến rũ, cũng khiến ta đã nếm một lần trong đời thì không thể nào quên.

Còn biết bao nhiêu điều để nhớ về Hà Nội khi ta xa Hà Nội! Phải xa Hà Nội mới thấm thía nỗi lòng của nhạc sỹ Hoàng Hiệp khi thốt lên những ca từ “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội!”.      

Bùi Thúy Hạnh