"Hạ cánh khẩn cấp": Khi cảnh sát hy sinh để cứu người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Song Kang Ho sau khi thành công với vai diễn trong phim “Ký sinh trùng” (đoạt giải Cannes lẫn Oscar) và “Người môi giới” (tựa tiếng Anh: “Broker” - đoạt giải nam diễn viên xuất sắc nhất tại Cannes 2022) lần này vào vai thanh tra cảnh sát In-ho trong tác phẩm “Hạ cánh khẩn cấp” (tựa tiếng Anh: “Emergency Declaration”) của đạo diễn Han Jae-rim. Hình ảnh viên cảnh sát gây xúc động mạnh cho người xem bởi ông sẵn sàng hy sinh thân mình nhằm tạo cơ hội cho những người bị nhiễm virus có thể được cứu sống...
Các diễn viên trong “Hạ cánh khẩn cấp”

Các diễn viên trong “Hạ cánh khẩn cấp”

Chuyến bay bị khủng bố

Một buổi sáng, cảnh sát kỳ cựu In-ho nhận được tin báo có một người quay clip tuyên bố sẽ khủng bố sinh học trên máy bay. Bán tín bán nghi, In-ho quyết định tìm đến chung cư nơi kẻ này sống để điều tra và bàng hoàng phát hiện một thi thể trong nhà. Kết quả khám nghiệm cho thấy người này chết vì nhiễm virus lạ.

Bằng tinh thần trách nhiệm và lòng quyết tâm của một cảnh sát có thâm niên trong nghề, In-ho phát hiện vụ án mạng có liên quan đến một công ty công nghệ sinh học. Cựu nhân viên của công ty đó là Jin-seok đã đánh cắp loại virus độc hại và âm mưu mang lên chuyến bay từ Seoul đến Honolulu. Éo le thay, trong số 150 hành khách trên chuyến bay lại có vợ của In-ho. Ngoài ra còn có Jae-hyeok - một cựu phi công giải nghệ đưa cô con gái nhỏ đi chữa bệnh. Tất cả diễn ra vô cùng phức tạp khi kẻ cực đoan Jin-seok phát tán virus khiến nhiều người trên máy bay nhiễm độc và thiệt mạng, trong đó có cả cơ trưởng khiến cho chiếc máy bay suýt đâm xuống biển. Những hành khách còn lại hoảng loạn, run sợ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trong nguy khó, ló tình người

Nếu như trên chuyến bay hỗn loạn bao nhiêu thì ở dưới mặt đất, những người có chức trách cũng rối bời bấy nhiêu. Một đội đặc nhiệm chống khủng hoảng do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Sook-hee lãnh đạo lần lượt bó tay khi chuyến bay không được nước láng giềng cho phép hạ cánh khẩn cấp. Buồn thay, chính người dân Seoul cũng chia làm hai phe phản đối và ủng hộ việc cho phép chiếc máy bay đáp xuống quê hương. Phe nào cũng có lý lẽ của mình, một phía thì sợ người trên máy bay ra ngoài sẽ lây nhiễm cho cộng đồng, phe còn lại thì ủng hộ cứu người vì lý do nhân đạo.

Bà Bộ trưởng Sook-hee lẫn cảnh sát In-ho đã thuyết phục được công ty nghiên cứu sinh học cung cấp vaccine chống lại virus độc hại. Thế nhưng họ vấp phải khó khăn là liệu vaccine này có tác dụng cứu chữa người bệnh và ngăn ngừa lây lan hay không? Căng thẳng của bộ phim dâng lên đỉnh điểm, và khi đó tình người bỗng tỏa sáng khiến khán giả không khỏi thổn thức. Trên máy bay, những người sống sót tình nguyện hy sinh vì không muốn mình lây nhiễm cho cộng đồng nếu máy bay được đáp xuống. Còn ở mặt đất, cảnh sát In-ho có quyết định đầy dũng cảm khi tự tiêm virus vào cơ thể, sau đó chích vaccine nhằm chứng minh nó có tác dụng với người bị nhiễm.

Công nghệ kết nối tình thân

Chủ đề thảm họa hàng không từng được khai thác rất nhiều trong điện ảnh, quan trọng là những bộ phim đi sau phải đủ sáng tạo để hấp dẫn khán giả. Nhiều tình tiết trong “Hạ cánh khẩn cấp” chân thật và có thể thuyết phục các khán giả khó tính. Những phân cảnh chuyển động ngoạn mục lúc hành khách bị lộn nhào trong khoang khi máy bay rơi tự do, hay cảnh máy bay dân dụng phải đối đầu với làn đạn cảnh báo từ các máy bay chiến đấu mang lại kịch tính cho bộ phim.

“Chuyến bay cảm giác mạnh” kéo dài 140 phút do tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Han Jae-rim thực hiện có độ chân thực cao khiến khán giả đồng cảm với những nhân vật. Điều đó khiến họ tự suy ngẫm rằng, nếu mình ở trên chuyến bay này thì sẽ hành động như thế nào và điều gì là quý nhất trong cuộc đời.

Đạo diễn Han Jae-rim tận dụng tối đa bản chất Internet và mạng xã hội là phương tiện truyền tin trong bộ phim. Kẻ khủng bố sớm bị vạch trần thân phận nhờ mạng xã hội. Sau đó, những thiết bị kết nối công nghệ trên máy bay giúp hành khách có thể biết được tình hình của họ và phản ứng dưới mặt đất. Khi nhà chức trách không thể liên lạc được với máy bay, họ phải nhờ đến người thân dưới mặt đất nhắn tin cho những hành khách. Diễn biến này có phần hơi gượng ép nhưng cũng không có gì đáng phàn nàn. Có thể đây là ý đồ của đạo diễn khi muốn nhấn mạnh sợi dây liên kết giữa những người thân thuộc trong gia đình bằng công nghệ là điều tất yếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Với những tình huống giả định nhưng không hề thiếu cơ sở thực tế, bộ phim cho thấy thế giới con người dù phát triển trong kỷ nguyên công nghệ nhưng vẫn rất mong manh và dễ tổn thương.

Thêm điểm đáng nhớ trong “Hạ cánh khẩn cấp” là dù phần lớn thời lượng diễn ra trong không gian kín của chiếc máy bay, song sức hấp dẫn không đến từ những cảnh bạo lực - khác hẳn với phim “Chuyến tàu sinh tử” (Train to Busan - 2016). Bộ phim của Han Jae-rim thiên về đặc tả tâm lý, bộc lộ cách mà con người hành xử với nhau trong thời khắc sinh tử. Khi đó, con người sẽ chọn giải pháp ích kỷ cho bản thân hay hy sinh vì đồng loại?

Song Kang-ho vai cảnh sát In-ho sẵn sàng hy sinh cứu người

Song Kang-ho vai cảnh sát In-ho sẵn sàng hy sinh cứu người

“Hạ cánh khẩn cấp” từng ra mắt tại LHP Cannes, quy tụ dàn sao nức tiếng của nền điện ảnh Hàn Quốc gồm: nam tài tử gạo cội 55 tuổi Song Kang Ho, “ảnh đế” Lee Byung Hun, “ngọc nữ” Jeon Do Yeon, ngôi sao đang lên Yim Si Wan, Kim Nam Gil... Phim thuộc thể loại hành động kinh dị giật gân nhưng lại chứa không ít phân cảnh khiến khán giả phải rơi lệ vì cảm động.

“Bộ phim liên quan đến một đợt bùng phát virus trên máy bay và cuộc chạy đua tìm kiếm một loại vaccine, mặc dù được viết trước đại dịch nhưng nó có thể có những điểm tương đồng rõ ràng với Covid-19” - trang tin The Playlist nhận định. Bộ phim gợi nhớ đến những tác phẩm điện ảnh cùng chủ đề như “Passenger 57”, “Executive Decision”, “Flightplan”… Bằng ngôn ngữ điện ảnh tả thực, khán giả như được trải nghiệm thực tế những nỗi sợ hãi kinh khủng nhất như dịch bệnh, sự hỗn loạn, chết chóc...