Góc nhìn khác về du lịch Bát Tràng

ANTD.VN - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cùng các doanh nghiệp lữ hành vừa có chuyến khảo sát các di tích lịch sử, tham quan nhà cổ, trò chuyện cùng các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng.

Làng Bát Tràng xưa nay nổi tiếng với truyền thống làm gốm sứ, nằm ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tuy nhiên nhiều đoàn khách đến đây mới chỉ biết đến các khu thương mại, ào ào trải nghiệm, mua bán mà chưa cảm nhận được những đặc sắc về văn hóa, ẩm thực địa phương.

Góc nhìn khác về du lịch Bát Tràng  ảnh 1Ông Trần Đức Hải - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội tới thăm xưởng gốm của nghệ nhân Trần Đức Tân

Bình yên ngõ cổ

Bát Tràng vẫn giữ phần nhiều dáng hình của một ngôi làng cổ kính. Chỉ tiếc, nhiều người coi Bát Tràng như một nơi dừng chân  để từ Hà Nội chuyển tiếp tới các danh thắng khác. Song vẫn có người nhẫn nại gặp duyên: vừa tản mạn vừa dấn thân vào những con đường hẹp, lạ, dắt không vừa một con trâu; rồi ngỡ ngàng trước bức tường phủ rêu phong dưới mặt trời chói chang.

Một góc này cây húng chanh hoang mọc, một góc kia dương xỉ xanh mướt lan man. Đi trôi trong dòng thời gian và đường làng yên tĩnh, du khách sẽ vô thức muốn đặt tay lên tường, vuốt ve những viên gạch gốm cổ nâu đỏ đã hơn trăm năm tuổi; trầm trồ trước một bức tường than đen kỳ lạ. Hóa ra, người dân nơi đây không muốn lãng phí than sau khi nó đã bị đốt cháy nên dùng nó đắp thành từng khối tròn lớn để củng cố và sửa chữa nhà và các bức tường trong làng. Bởi từng con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo tiếp nối nên bất cứ ai tham quan đều cần những người dân hồn hậu chỉ đường. Với người dân địa phương, kiến trúc ngõ như các ô bàn cờ, họ đã sinh sống lâu đời nên quá đỗi quen thuộc, thân thương; còn du khách thì thấy như mê cung.

Cảnh sắc và đời sống con người Bát Tràng có sự hòa quyện với nhau. Sau song sắt ô cửa sổ gỗ mòn vẹt, nước sơn cửa màu lam đã bạc phai nhiều, một tấm rèm vải thô bay nhẹ. Bên hiên gian nhà cổ, cây quất hồng bì mùa hạ sai trĩu cành. Hỏi ghé thăm nhà nghệ nhân Tô Thanh Sơn, cảm mến nhìn ngắm từ ngoài sân vào gian trong, thấy sao bao nhiêu món gốm từ bình, đôn, chậu cây cảnh, phù điêu… đan cài cùng những lồng chim, giàn hoa giấy, hồng thắm ngát vô thường.

Hỏi tiếp tới nhà nghệ nhân Trần Đức Tân, một người đàn ông trung niên hào sảng dẫn khách tới quan sát những người thợ thủ công làm việc, người cẩn thận tạo hình, tráng men, người tỉ mỉ trang trí, vẽ - đắp - cắt... Điều thú vị, vợ anh Tân còn có tài viết thơ, thư pháp lên gốm. Anh Tân chia sẻ: “Với tôi, sau nghệ nhân phải là một người nghệ sĩ, sau nghệ sĩ phải là một doanh nhân”. Theo anh, kết hợp này để dưỡng cho nhau, phải có trách nhiệm trong nghệ thuật; đồng thời khi kinh doanh sản phẩm gốm sứ, việc quảng bá văn hóa, lịch sử làng nghề là điều anh tâm huyết.

Góc nhìn khác về du lịch Bát Tràng  ảnh 2Đi sâu vào từng con ngõ, du khách sẽ bắt gặp những người làng quê chân chất, bình dị

Bình dị mà hào hoa 

Xuyên qua hun hút ngõ sâu khó nhớ; rẽ trái rẽ phải, rẽ dọc rẽ ngang… du khách bất ngờ trước một tầm nhìn khoáng đạt. Xưa, người làng Bát Tràng giao thương với Thăng Long qua đường sông.

Hướng đình làng Bát Tràng nhìn ra sông Hồng, có đường dạo, lan can đứng ngắm cảnh sông, lại thuận tiện đường thủy. Đình làng rộng rãi, màu gỗ nâu trầm qua năm tháng mộc mạc, cái ấm tích trên bàn trà nước in hình người câu cá trên sông. Khách ra đến đình uống chén nước trà hạt, được làm từ nụ chè, giải nhiệt, thanh mát, nghe người già kể chuyện lịch sử, truyền thống lâu đời… Thoắt cái đến giờ cơm nước, người Bát Tràng khéo léo mời du khách nghỉ ngơi, thưởng thức mâm cỗ đầy đặn màu sắc, hương vị: món mặn có ngan nướng ăn kèm lá húng non; món cuốn tôm, thịt điểm xuyết bỗng rượu xào đường đỏ và rau sống; món chim bồ câu hầm thanh đạm không ngấy; canh bóng; canh măng mực; xôi chè…

Nhưng có lẽ, thứ nồng đậm và đượm đà bản sắc nơi đây không hẳn là rượu bách nhật hạ thổ trăm ngày hay cất lâu 3 năm mà là con người mến khách, trước sau chu toàn. Người Bát Tràng thực thà mong mỏi khách cứ tự nhiên thưởng thức ít phải hết 8-9 phần, nếu mâm cỗ còn nhiều họ sẽ ngẫm ngợi suy tư: do bếp làm chưa đủ ngon hay tiếp đón có điều gì sơ suất. Phải thế nên du lịch Bát Tràng còn đợi những người chậm rãi, sống sâu, muốn trải nghiệm và tinh tế, để ngay trong bước chân, hơi thở cũng phần nào vương vấn phong cách bình dị Việt Nam.