Giữ chuẩn mực Người Hà Nội

(ANTĐ) - Lời Tòa soạn: Thủ đô Hà Nội vừa khẳng định những dấu ấn rực rỡ, nhân ái và hòa bình thông qua Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ, chính chúng ta - lớp hậu thế, là thế hệ lĩnh ấn trách nhiệm gìn giữ những di sản văn hiến nghìn năm của cha ông để lại, gìn giữ những bản sắc độc đáo, gìn giữ cốt cách Người Hà Nội... Tòa soạn ANTĐ trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh.

Giữ chuẩn mực Người Hà Nội

(ANTĐ) - Lời Tòa soạn: Thủ đô Hà Nội vừa khẳng định những dấu ấn rực rỡ, nhân ái và hòa bình thông qua Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau Đại lễ, chính chúng ta - lớp hậu thế, là thế hệ lĩnh ấn trách nhiệm gìn giữ những di sản văn hiến nghìn năm của cha ông để lại, gìn giữ những bản sắc độc đáo, gìn giữ cốt cách Người Hà Nội... Tòa soạn ANTĐ trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh.

Con người Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tổng hoà dưới những tác động phức hợp của những điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội, được tích lũy qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Phẩm chất, nhân cách đặc trưng, truyền thống của người Thăng Long - Hà Nội, một mặt phản ánh những tính cách, bản sắc dân tộc nói chung, mặt khác, mang những nét đặc thù của một vùng có vị thế kinh đô của một nước.

Nơi nuôi dưỡng mầm dân tộc

Với vị thế một kinh đô lâu đời, một đô thị thủ phủ lớn nhất nước, Thăng Long - Hà Nội là một lò luyện hợp, nơi hội tụ kết tinh những tinh hoa văn hoá của những vùng miền, địa phương khác nhau trong cả nước. Đó là một hình mẫu điển hình cho con người Việt Nam truyền thống và hiện đại.

Người Thăng Long - Hà Nội cũng như người Việt Nam nói chung, là những con người dễ hoà đồng với môi trường xã hội, mang tính cộng đồng rất cao. Khác với phương Tây, nơi cá nhân được quan niệm như một chủ thể, tồn tại độc lập, tự khẳng định, tự xác lập thì ở phương Đông, cá nhân là một bộ phận, một thành viên của cộng đồng, chỉ có ý nghĩa tồn tại trong những quan hệ gắn bó với cộng đồng. Cũng như người dân ở mọi miền, sự hoà đồng, gắn kết với cộng đồng là một trong những bản tính và còn là một yêu cầu tồn tại cơ bản của người Hà Nội. Người dân dù có đến Hà Nội lập cư lâu đến mấy họ vẫn thường xuyên duy trì những mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng làng quê gốc: đi lại thăm nom, chăm sóc cưu mang họ hàng, đóng tiền công ích, kể cả nộp sưu thuế cho địa phương. Nhiều nhà thờ họ, thờ thành hoàng, thờ ông tổ nghề được xây dựng ở Hà Nội. Nhiều lễ hội mang tính đặc trưng của làng quê cũng được tổ chức tại đất kinh kỳ. Tất cả những sinh hoạt tô đậm yếu tố tín ngưỡng dân gian trong đời sống tinh thần của người dân Thủ đô là một bằng chứng về khả năng gắn bó với cội nguồn, thông qua đó gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc của người Hà Nội.

Từ ý thức về gia đình, phường nhóm, ý thức về cộng đồng của người Thăng Long - Hà Nội đã vươn tới một quy mô rộng lớn nhất, trở thành lòng yêu nước. Sống ở trung tâm đầu não của đất nước, người Hà Nội đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng âm thanh chủ đạo vẫn là tiếng nói hào hùng, là hào khí Thăng Long. Hào khí đó được tạo nên từ “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo đến “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch. Tinh thần yêu nước và sự bất khuất hi sinh cho lòng yêu nước ấy đã biểu hiện ở tính kiên cường, tính đoàn kết trong những cuộc kháng chiến, đấu tranh chống ngoại xâm và đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này.

Bản sắc độc đáo

Là một Thủ đô có lịch sử tròn 1000 năm tuổi, Hà Nội là sự hội tụ tất cả tinh hoa của đất nước. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh từng cho rằng “Hà Nội có cái duyên dáng của Bắc Ninh, cái cứng cỏi của Nghệ Tĩnh, cái phóng khoáng của Nam bộ, cái chân chất của những xứ Thượng xa gần”. Nhận xét đó thật sâu sắc, bởi với cách tiếp cận như vậy có thể thấy hết được đặc điểm của Hà Nội mà người dân sống ở đó là đại diện tiêu biểu nhất. Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận những yếu tố tốt đẹp, tích cực của các vùng khác. Tuy vậy, đây không phải là một sự tiếp nhận xô bồ, tùy tiện mà thông qua một quá trình chọn lọc tự nhiên nhưng nghiêm khắc để rồi phát triển lên, hoàn thiện hơn, tạo nên những “sản phẩm” riêng, độc đáo.

Từ ngày xưa, dân Kẻ Chợ vẫn nổi tiếng là “khéo tay hay nghề”, cùng một loại mặt hàng, nhưng sản xuất tại Hà Nội thì yêu cầu về chất liệu, độ tinh xảo về kĩ thuật và mĩ thuật cao hơn những nơi khác. Người Hà Nội luôn muốn hướng tới sự hoàn thiện, hoàn mĩ, chất lượng cao trong các mặt sinh hoạt. Văn hoá ẩm thực Hà Nội nổi tiếng với những món ăn ngon, sạch và đẹp mắt với những món quà độc đáo, cách thưởng thức cầu kì, lịch sự. Người Hà Nội cũng nổi tiếng sành điệu trong cách phục sức, áo quần chải chuốt, đẹp mà nền nã, cũng như trong cung cách giao tiếp thanh lịch, hào hoa, hiếu khách, lịch sự mà không xô bồ. Và tất cả những cái đó một khi đã được hình thành thì được duy trì, bảo tồn, gìn giữ, tạo thành bản sắc riêng không dễ phá vỡ.

Bên cạnh Người Hà Nội như một khái niệm, một thương hiệu, một biểu tượng, còn có “Người Hà Nội” mang tính chất động, với những đặc trưng nổi trội trong những thời điểm lịch sử, trong những hoàn cảnh nhất định. Như GS. Phong Lê đã nói: “Có Hà Nội trong thời chiến và Hà Nội trong thời bình, có Hà Nội nơi công sở và Hà Nội nơi ngõ chợ, Hà Nội trung tâm và Hà Nội ngoại ô, Hà Nội tôn nghiêm và Hà Nội lam lũ, Hà Nội ở mặt tiền và Hà Nội ở ngõ sâu...”. Và tương ứng với “những Hà Nội” đa dạng như vậy là những con người Hà Nội với những tính cách lối sống khác nhau. Có cậu thanh niên thư sinh trường Bưởi, nhưng cũng có anh tự vệ dũng cảm trực chiến trên nóc nhà. Có những cô gái lịch lãm trong văn phòng của tòa nhà cao ốc, nhưng cũng có những chị nông dân tần tảo sớm tối bên ruộng rau, ruộng hoa Ngọc Hà. Có những cô tiểu thư đài các trong các biệt thự sang trọng phố Nguyễn Du, nhưng cũng có cô hàng xén duyên dáng, đằm thắm với gánh hàng ở chợ Đồng Xuân, chợ Bưởi….

Đã có không ít nhà nghiên cứu cố gắng phác thảo một số tính cách cơ bản nhất của người Hà Nội. Mỗi người xuất phát từ một góc độ khác nhau, song về cơ bản lại khá thống nhất trong việc đưa ra một số tính chất điển hình. Tôi chia sẻ với phác thảo bản chất người Hà Nội của tác giả Đức Uy:  Chất trí tuệ, văn hiến, hàn lâm; Chất hào hoa, phong nhã, tài tử; Chất kẻ sĩ; Tính hoà đồng; Tính chừng mực, trung dung, vừa phải; Tính tế nhị, tinh tế, kín đáo; Tính bền bỉ, kiên trì; Thanh lịch, văn minh.

Có lẽ trong các đặc trưng trên, cái nổi lên rõ nhất, mang tính chung nhất cho người Thăng Long - Hà Nội, đó là đặc trưng “thanh lịch”. “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đặc tính này được phản ánh trong cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân đất kinh kỳ. Đã có rất nhiều công trình của các nhà nghiên cứu bàn luận, mô tả với những biểu hiện cụ thể, thuyết phục về bản chất này của người Hà Nội. Đó là sự thanh nhã, là sự thanh cao trong tư duy, tình cảm, tâm hồn, là sự lịch lãm trong cách ứng xử mang tính văn hóa ở bậc cao, mang tính chuẩn mực, là sự sành điệu, tinh tế từ trong cuộc sống thường nhật đến những hoạt động văn hóa đỉnh cao. Thật khó có thể giãi bày, gọi tên một cách thật cụ thể tính chất này, chỉ biết rằng cái đó kết tinh được từ những đặc tính tiêu biểu của người Việt Nam nhưng lại được ăn sâu, thấm vào trong tác phong của người Hà Nội và là tiêu chí rất dễ nhận diện khi phân biệt một người Hà Nội với một người địa phương khác.

Giữ cho được hồn cốt người Hà Nội

Bên cạnh những ưu điểm, những mặt tích cực mang tính nổi trội của người Hà Nội, cũng có thể thấy một số mặt được coi là khiếm khuyết, là hạn chế. Chất kẻ sĩ “Bắc Hà”, chất trung dung, “vừa phải” nhiều khi làm ảnh hưởng đến động lực phấn đấu vươn lên. Nhiều người cảm thấy ngại va chạm, nhất là trong những cuộc tranh đua, thấy khó, thấy phiền nhiễu thì chọn con đường khác đơn giản hơn, đỡ phiền phức hơn mặc dù biết là hiệu quả không thật cao. Bên cạnh đó, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống truyền thống, nếp sống thanh lịch văn minh của người Hà Nội. Một bộ phận không nhỏ thanh niên có lối sống “vọng ngoại”, sùng bái văn hóa nước ngoài một cách mù quáng, học đòi theo “mốt”, ăn chơi phóng túng, thực dụng dẫn đến đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất thuần phong mĩ tục, để những ham muốn thấp hèn lấn át, tạo cơ hội cho những hành vi suy thoái đạo đức có cơ hội tồn tại và phát triển.

Một bộ phận cư dân mang những biểu hiện không lành mạnh như thói kiêu bạc, xa xỉ, thói chơi trội, ưa thời thượng, chuộng lạ quá mức, chạy theo lợi nhuận kinh tế bất chấp tình nghĩa. Rồi cũng có một bộ phận trở thành những gương mặt phản diện khi từ bỏ bản chất tốt đẹp vốn có của người Hà Nội, “đánh mất mình”, nhường chỗ cho thói cơ hội, xu nịnh, lòng tự hào, tự trọng bị đánh đổi thành tiền bạc, chức quyền. Cấu trúc gia đình, quan hệ vợ chồng, cha con mang tính truyền thống tốt đẹp có biểu hiện bị vi phạm nghiêm trọng… Nhiều người Hà Nội có lương tâm lo lắng, băn khoăn khi thấy chuẩn mực văn hóa của người Hà Nội vốn được lưu giữ, được bảo tồn từ lâu đời có xu hướng bị xuống cấp, bị hủy hoại.

Làm thế nào để khắc phục được những yếu tố tiêu cực, gìn giữ được  thương hiệu, uy tín của người Hà Nội? Làm thế nào để tiếp tục phát huy hơn nữa phẩm chất tốt đẹp của người Hà Nội? Đó là những điều trăn trở của các nhà quản lí cũng như mỗi người dân Hà Nội. Điều này càng trở nên bức thiết khi Hà Nội cùng với cả nước bước vào thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Vừa bảo tồn truyền thống tốt đẹp đã được tích lũy từ 1.000 năm, vừa lựa chọn những tinh hoa của nhân loại về lối sống, nhất là lối sống công nghiệp, năng động, sáng tạo, thích ứng với điều kiện kinh tế thị trường, phát huy, xây dựng nên những phẩm chất tốt đẹp mới của người Hà Nội, đó là nhiệm vụ, là trách nhiệm của mỗi người dân Hà Nội chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Thanh