Giải Nobel Văn học 2016: Bob Dylan hay một "Trịnh Công Sơn nước Mỹ"

ANTD.VN - Nhiều thắc mắc nảy sinh quanh việc giải Nobel Văn học 2016 vừa được trao cho một nhạc sỹ-ca sỹ người Mỹ gốc Do Thái. Nhưng đấy chỉ là với phần lớn người trẻ, vì thực tế cái tên Bob Dylan đã được biết đến với những ca từ thấm đẫm chất văn học từ những năm 1960.

Vượt lên giá trị thông thường

Bob Dylan tên thật là Robert Allen Zimmerman, người gốc Do Thái sinh năm 1941 ở Minesota, Mỹ. Môi trường gia đình, với ông bà nội ngoại đều là những người di cư đến Mỹ sau những sự kiện bài Do Thái thảm khốc, cha mẹ nằm trong nhóm những người Do Thái khép kín tại nơi cư trú, đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của cậu bé Robert. Ông yêu thích âm nhạc từ nhỏ, và thay vì mải vui với những trò chơi như bọn trẻ cùng trang lứa thì Robert lại làm bạn với chiếc radio và thường xuyên nghe nhạc dân gian từ máy phát. Ở tuổi thiếu niên, Robert đã bắt đầu có ban nhạc riêng và tham gia biểu diễn ở trường.

Bob Dylan biểu diễn từ khá sớm trong các ban nhạc trường học

Nguyên nhân đưa Bob Dylan đến với giải Nobel Văn học đúng ra đã bắt nguồn từ khi ông vào đại học. Thời điểm này đánh dấu bước chuyển ngoặt trong các sáng tác của Dylan, ông thôi không theo đuổi dòng nhạc rock ‘n roll nữa mà chuyển hẳn sang thể loại dân gian. “Những thứ có được với rock ‘n roll với tôi dẫu sao cũng không đủ... Nó vẫn có những ẩn ý rất hay và cả những nhịp trầm bổng, nhưng ca từ thì thực sự không nghiêm túc và không thể hiện được bộ mặt thật của cuộc sống. Tôi chỉ biết đến đời sống thực khi được tiếp xúc với nhạc dân gian, một thể loại rõ ràng là nghiêm túc hơn hẳn. Ca khúc của dòng nhạc dân gian chứa đựng trong nó nhiều sự thất vọng hơn, nhiều nỗi buồn hơn, nhiều vinh quang hơn, nhiều niềm tin hơn trong một thứ cảm xúc siêu nhiên và lắng đọng hơn”. Bob Dylan nói. Đó chính là “địa hạt” mà ông có thể đưa vào những ca từ thấm đẫm chất thơ, những ca từ chứa đựng cả quan điểm chính trị, tôn giáo, triết học, nhân sinh và nhân văn để nâng tầm ca khúc vượt lên khỏi giá trị giải trí thông thường.

 Trong những năm đầu sự nghiệp của Robert, có 2 cái tên gây ảnh hưởng lớn tới ông. Thứ nhất là nhà thơ người xứ Wales mà ông yêu thích, Dylan Marlais Thomas, được cho là nguồn gốc khiến Robert đổi tên thành Bob Dylan. Người thứ hai là Woodrow Wilson "Woody" Guthrie, một ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ nổi tiếng với hàng trăm ca khúc mang âm hưởng chính trị và nhân đạo. Kết thúc năm thứ nhất đại học, Bob Dylan đã bỏ ngang và đến New York để gặp Guthrie, từ đó đi theo con đường sáng tác và ca hát chuyên nghiệp.

Bob Dylan (bên phải) biểu diễn ở Bangladesh năm 1971

Trong sự nghiệp của mình với vai trò nhạc sĩ, Bob Dylan đã bán được hơn 100 triệu đĩa nhạc và đứng vào hàng những nghệ sĩ có số đĩa bán chạy nhất mọi thời đại. Ông cũng sở hữu một loạt giải thưởng danh giá như Oscar, Grammy, Quả cầu vàng. Năm 2008, Dylan còn được trao giải báo chí Pulitzer cho "những đóng góp đặc biệt cho âm nhạc và văn hóa, chủ yếu với những ca từ phức tạp kết hợp với sức mạnh đặc biệt của thi ca". Tháng 5-2012, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương tự do.

Người bạn của Việt Nam

Đầu những năm 1960, khi phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam bị nhà chức trách Mỹ kiểm soát ngặt nghèo hơn, các nhạc sỹ bắt đầu sử dụng thế mạnh âm nhạc như một cách biểu tình phản chiến. Và Bob Dylan là một trong số đó. Năm 1963, ông sáng tác “The time they are a-changin” (Thời khắc của sự đổi thay).

Được ghi âm rất đơn giản trên nền guitar và harmonica, song những ca từ trong "The time they are a-changin”  đầy tính thơ của bài hát lại thể hiện mạnh mẽ sự thất vọng và giận dữ của không chỉ tác giả mà của rất nhiều người dân nước Mỹ khi con cái của họ bị đẩy vào lò lửa chiến tranh. “Có một cuộc chiến ngoài đó, một cuộc chiến dữ dội/ Nó sẽ làm rung chuyển cửa sổ nhà bạn và những bức tường quanh bạn… Hãy băng qua mảnh đất, những người cha và người mẹ. Đừng chỉ trích những gì mình không hiểu hết, khi những đứa con trai và con gái đã nằm ngoài những gì ta muốn”.

Năm 2012, Bob Dylan được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương tự do

Trong số các ca khúc phản chiến nổi tiếng của ông còn có “With God on our side”, bài hát nói lên sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam: “Ai đó có thể nói cho tôi biết cuộc chiến ở Việt Nam là nhằm đạt được thứ gì? Quá nhiều người trẻ đã chết đi và những người mẹ đang than khóc. Tôi muốn hỏi liệu Chúa có đứng về phía chúng ta?”. Hay “Knockin the heaven” (Gõ cửa thiên đường) của Bob Dylan cũng được xếp vào danh sách những tác phẩm phản chiến hay nhất: “Mẹ, hãy đặt khẩu súng của con xuống đất. Con không thể tiếp tục bắn vào họ nữa. Đám mây đen đang dần phủ xuống, con thấy như mình đã gõ cửa thiên đường”.

Trong hơn 2.000 buổi biểu diễn trên toàn thế giới của Bob Dylan có một buổi diễn ra ở Việt Nam. Ở tuổi 69, Bob Dylan đến TP.HCM, hát trước 8.000 khán giả tại sân vận động của trường Đại học Quốc tế RMIT.

John C. Schafer, một giáo sư người Mỹ nghiên cứu lâu năm về Việt Nam từng cho ra đời cuốn sách so sánh Bob Dylan và Trịnh Công Sơn: “Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: Như trăng và nguyệt”, trong đó chỉ ra những điểm giống nhau giữa 2 nhạc sỹ phản chiến sống ở hai nửa bán cầu.

Thực ra là không nhiều người trẻ Việt Nam biết đến Bob Dylan, nhưng những người từng sống qua chiến tranh thì biết và yêu mến gọi ông là “nhà thơ của hòa bình”. Bởi vậy, cũng không quá ngạc nhiên khi biết Bob Dylan nhận giải Nobel Văn học, giải đầu tiên suốt hơn 100 năm qua được trao cho một nhạc sỹ-ca sỹ.