Giá trị đặc biệt của tòa thành đá ong duy nhất ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần 2 thế kỷ tồn tại, thành cổ Sơn Tây là nơi hội tụ, ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc niên đại, môi trường sinh thái quý báu. Sự tồn tại bền vững của tòa thành có hình tứ giác rộng lớn nằm ở giữa trung tâm của thị xã Sơn Tây đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước và sự ủng hộ chung sức của nhân dân sở tại qua gần 2 thế kỷ.

Lịch sử hình thành thành cổ Sơn Tây

Với vai trò là cửa ngõ phía tây Thành Hà Nội, triều đình nhà Nguyễn ở Huế đã cho xây dựng tòa thành quân sự bằng đá ong rất kiên cố, vững chãi, từ việc xây đắp thành đến việc đặt trụ sở cai trị làm việc của bộ máy chính quyền phong kiến. Có thể khẳng định rằng việc triều đình nhà Nguyễn cho chọn vị trí để xây dựng Thành Sơn Tây thời bấy giờ là quá trình bàn bạc xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố như: Vị trí trung tâm của vùng, thuận lợi về giao thông, phòng thủ, quá trình di chuyển, có vai trò tiềm năng để phát triển văn hóa, là trung tâm kinh tế, chính trị, hậu cần lớn, có nhiều yếu tố phong thủy phù hợp… Chính vì vậy mà hai lần trước đó, triều đình đã cho đắp thành nhưng ở các vị trí không thích hợp cho việc xây dựng vai trò trung tâm cai trị (lần 1 ở La Phẩm– Ba Vì), lần 2 ở Mông Phụ (Đường Lâm). Trong lần dò tìm thứ 3 thì vị trí ở đất Minh Nghĩa (Mai Trai – Thuần Nghệ) thời đó đã được lựa chọn và công cuộc đắp thành diễn ra thành công. Triều đình nhà Nguyễn đã cử Thống đốc thập cơ Vũ Văn Thuận đem 2000 quân chính quy ra đây đi kết hợp với dân phu quân lính trong vùng tham gia, với địa thế nằm cạnh sông Hồng rất thuận lợi cho quá trình vận chuyển bằng đường thủy xuôi xuống mạn phía Nam trong đó có Hà Nội hoặc ngược lên các tỉnh, vùng miền Tây Bắc. Đây cũng là vùng có tiềm năng để phát triển kinh tế, văn hóa.

Đá ong là vật liệu chính xây dựng thành cổ Sơn Tây

Đá ong là vật liệu chính xây dựng thành cổ Sơn Tây

Người Pháp ngay khi xâm lược Bắc Kỳ đã nhận ra vai trò quan trọng về các mặt của thành cổ Sơn Tây với vị trí chính trị, văn hóa, kinh tế trung tâm của vùng, thuận lợi về giao thông thủy bộ, giao thương, trao đổi buôn bán giữa Sơn Tây xứ Đoài với các vùng, tỉnh miền xuôi, miền ngược. Vì thế, thực dân Pháp đã 3 lần tấn công hành binh quy mô lớn, sau đó đã đặt ách cai trị tại vùng này. sau khi hạ thành, thực dân Pháp đã cho xây dựng 16 khu phố xung quanh các cửa để thu hút bà con thương lái, nhân dân các vùng đến định cư buôn bán làm ăn. Với hình tứ giác, tòa thành được bố trí cân xứng, hợp lý 4 hướng: phía Đông hướng về Hà Nội (mặt trời mọc), phía Tây hướng về núi Ba Vì – núi Tổ, mặt trời lặn, phía Nam hướng về Kinh đô Huế và phía Bắc hướng ra sông Hồng.

Tòa thành được bảo tồn nguyên vẹn tuyệt đối về không gian

Có thể khẳng định rằng, hiếm có một tòa thành nào trên đất nước ta còn tồn tại mà bảo đảm được tính nguyện vẹn về không gian tuyệt đối như Thành cổ Sơn Tây (không có bất cứ sự tồn tại sinh sống của dân cư, công trình phúc lợi công cộng, công trình quân sự, quốc phòng an ninh, bảo mật). Trải qua quãng thời gian dài gần 2 thế kỷ (1822 – 2022), Thành cổ vẫn bảo toàn được tất cả không gian, diện tích của mình, đó là một tiêu chí rất thuận lợi, cơ bản để lãnh đạo chính quyền tiến hành các giai đoạn tu bổ, tôn tạo trong thời gian vừa qua.

Trải qua 2 thế kỷ, thành cổ Sơn Tây được bảo tồn nguyên vẹn về không gian

Trải qua 2 thế kỷ, thành cổ Sơn Tây được bảo tồn nguyên vẹn về không gian

Qua nghiên cứu các tư liệu cổ còn lưu giữ ở các nơi thì các công trình đã tồn tại trong Thành cổ Sơn Tây hội tụ những yếu tố kiến trúc quý giá (tòa Vọng Cung đã được toàn quyền Đông Dương xếp hạng là di tích vào năm 1924). Xưa kia, các công trình đó đa phần được sử dụng những loại vật liệu truyền thống, đặc trưng của vùng và của khu vực Bắc Bộ như: đá ong, các loại gỗ quý, xây dựng thi công đa phần bằng thủ công, kết cấu liên hoàn, thuận tiện trong việc sử dụng, phục vụ tốt cho các điều kiện làm việc, điều hành, thực hiện các công việc của triều đình giao cho các vị quan lại cấp tỉnh tại thành Sơn Tây này, cũng như cất giữ tài liệu, vật chất. Lúc xây đắp thành, triều đình đã cho áp dụng lối xây thành theo mẫu thiết kế thành ở Châu Âu gọi là kiến trúc vauban, đa số là dùng sức người, ngựa, trâu bò tham gia vận chuyển vật liệu là chính.

Dựa vào niên đại ở Thành cổ, các nhà nghiên cứu và du khách có thể nghiên cứu, hồi tưởng về sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa xứ Đoài, vai trò trung tâm kết nối mảnh đất của Sơn Tây. Từ đây có thể đặt ra nhiều căn cứ và đưa ra nhiều giả thuyết, suy đoàn logic để từng bước khẳng định: Sơn Tây là vùng đất địa linh nhân kiệt, tâm linh tín ngưỡng; trục giao thông thủy bộ thuận lợi, vị trị án ngữ phòng thủ quan trọng phía Tây thành Thăng Long (có thể kể ra hệ thống giá trị văn hóa vật thể, tâm linh tín ngưỡng trên địa bàn như Đông Cung (Đền Và), Làng cổ Đường Lâm với chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), Văn Miếu Sơn Tây, ấp hai vua, cùng rất nhiều danh nhân khoa bảng, bậc hiền tài nho học khác.

Cơ sở để lập hồ sơ đề nghị công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt

Thành cổ Sơn Tây cũng được bao bọc bởi hai con sông, có vai trò quan trọng trong hệ thống đường thủy là sông Hồng và sông Tích. Ngoài ra còn một số nhánh sông nhỏ khác. Cũng dựa vào niên đại gần 2 thế kỷ này của tòa thành đá ong độc đáo này, chúng ta có cơ sở để tôn vinh cái tên Sơn Tây – xứ Đoài. Người Sơn Tây trải qua bao thế hệ rất tự hào rằng ngoài việc được khoác trên mình truyền thống văn hiến hào hùng, vẻ vang gắn với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta nói chung còn có cuộc sống lao động, sản xuất gắn với những món quà tặng hữu hình vô giá mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng như vùng đất gò đồi bán sơn địa, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, những sản vật, văn hóa phi vật thể truyền thống. Chính vì thế, Thánh Tản được tôn thờ ở nhiều nơi vùng phía Tây kinh thành Thăng Long rộng lớn như Đông Cung (Đền Và) lại là một cung lớn nhất trong tứ cung, đã được tôn thờ và tồn tại hàng ngàn năm nay, luôn có sức sống lan tỏa và ý nghĩa to lớn trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam nói chung, Sơn Tây xứ Đoài nói riêng.

Các giá trị văn hóa, lịch sử kiến trúc, môi trường sinh thái, niên đại, hội tụ kể trên cùng với sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo các cấp và sự ủng hộ, hợp tác của nhân dân đã minh chứng và khẳng định các giá trị quý báu của di tích Thành cổ Sơn Tây. Ở đây, ngoài các hình ảnh vật thể hữu hình mà ai cũng có thể cảm nhận được khi một lần đặt chân đến nơi này thì cũng còn một loại hình giá trị vô hình khác mà không phải ai cũng có thể cảm nhận và giải mã hết được. Và tòa thành rộng 20 ha này được ví như một đề tài sống động, phong phú, luôn tạo cảm hứng sáng tạo cho mỗi tâm hồn cung bậc của người nghệ sỹ (có thể là chuyên nghiệp hay nghiệp dư, không phân biệt độ tuổi, đối tượng). Mỗi người yêu nghệ thuật, di sản, môi trường cảnh quan đều cảm nhận và tiếp cận được cái đẹp, giá trị quý báu khác nhau tiềm ẩn trong di tích Thành cổ độc đáo này.

Kỳ đài cao 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong

Kỳ đài cao 18m được xây trên một bệ lớn bằng đá ong

Chúng ta đã được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm: thi, ca, nhạc, họa nhiếp ảnh khác nhau của nhiều nghệ sỹ và người yêu nghệ thuật ở Sơn Tây và muôn nơi. Mỗi khoảnh khắc mà thiên nhiên ban tặng gắn với giá trị hay những hoạt động trải nghiệm cảm nhận vẻ đẹp của di sản ở Thành cổ được họ ghi lại và gửi gắm trong những đứa con tinh thần của mình làm cho mỗi người xem thêm yêu cảnh đẹp, yêu di sản khơi dậy niềm tự hào về quê hương như các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, các bài thơ, tác phẩm âm nhạc, nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại các khoảnh khắc đáng nhớ ở thành cổ Sơn Tây.

Với những giá trị đã nêu ở trên, dựa vào các tiêu chí quy định của Luật di sản văn hóa thì di tích Thành cổ có đủ cơ sở để UBND thị xã đề xuất với các Bộ, ban ngành liên quan và Chính phủ cho phép lập hồ sơ khoa học để nâng cấp di tích thành Sơn Tây lên di tích cấp Quốc gia đặc biệt trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thị xã Sơn Tây cùng nhân dân thực hiện tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy có hiệu quả các giá trị của di tích thực hiện có hiệu quả Luật di sản văn hóa đáp ứng nguyện vọng của đông đảo nhân dân Sơn Tây, xứng đáng là một trong 5 đô thị vệ tinh.