Dùng nam châm để thay thế kháng sinh

ANTD.VN - Nam châm thay thế kháng sinh, chuyện nghe có vẻ phi lý nhưng hoàn toàn có thật. Với công nghệ mới, các bác sĩ và chuyên gia y tế có thể lọc thành công vi khuẩn trong máu bằng nam châm mà không cần tới bất kỳ loại thuốc kháng sinh hay phác đồ điều trị nào.

Phương pháp lọc máu từ tính (trái) và lọc máu bằng nam châm (phải)

Dính vi khuẩn vào hạt sắt

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay trên thế giới, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm khuẩn và nhiễm trùng máu tăng lên tới hơn 50%. Lý giải cho điều này là việc sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan dẫn tới tình trạng kháng kháng sinh của các loại vi khuẩn.

Theo WHO, con số khủng hoảng này đáng báo động ngang với đại dịch HIV/AIDS và Ebola. Tuy nhiên, nếu phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn chặn được căn bệnh cũng như đẩy lùi tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn và nhiễm trùng máu. 

Một dự án mới được triển khai bởi các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Y Harvard (Mỹ) kết hợp với nhóm nghiên cứu Empa của Thụy Sĩ và Viện Adolphe Merkle, phát triển một phương pháp lọc máu mới có thể giúp hút hết các vi khuẩn ra khỏi tế bào máu bằng nam châm.

Bước đầu, các nhà khoa học phủ các hạt sắt có kích thước rất nhỏ chỉ bằng các kháng thể vốn đã được các nhà khoa học phát hiện và gắn với vi khuẩn gây hại, tổn thương các tế bào máu. Khi vi khuẩn bị kết dính vào các hạt sắt, máu được bơm qua một máy thẩm tách, tại đây nam châm hút hết các hạt sắt chứa đầy vi khuẩn ra ngoài, để lại trong cơ thể người bệnh là dòng máu hoàn toàn sạch không có mầm bệnh và vi khuẩn.

Đây có thể được cho là thành công bước đầu, tuy nhiên có một số vấn đề mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt đó là mỗi kháng thể được tạo ra chỉ được sử dụng với một mục đích nhất định, do đó nó chỉ có thể liên kết với một loại vi khuẩn duy nhất. Vì vậy, nếu trong máu có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh thì các bác sĩ cần rất nhiều công đoạn điều trị, và sẽ mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc hơn. 

Mới chỉ ở giai đoạn đầu

Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Y Harvard do Tiến sĩ Gerald Pier làm trưởng nhóm đã tạo ra một loại kháng thể đồng thời gắn với hầu hết các loại vi khuẩn thường gây nên bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm trùng máu.

Thử nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm tại Empa cho kết quả đầy khả quan, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho biết vẫn chưa sẵn sàng thí nghiệm trên người. Bởi theo các nhà khoa học Harvard, phương pháp này vẫn đang chỉ áp dụng ở giai đoạn đầu của căn bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm trùng máu, khi tổn thương của nó vẫn chưa lan sang các cơ quan nội tạng khác. 

Ngoài ra, một vấn đề khác là các hạt sắt vẫn còn ở lại trong máu bệnh nhân sau khi đã được điều trị. Trưởng nhóm nghiên cứu của Empa, Tiến sĩ Inge Herrmann cho biết, biện pháp trước mắt là kết hợp các hạt riêng lẻ thành các hạt lớn hơn rồi tiến hành “hút” chúng bằng nam châm ra khỏi máu bệnh nhân.

Ông đồng thời khẳng định phương pháp này không hề gây hại cho con người, vì các hạt sắt có thể chỉ ở lại trong máu bệnh nhân không quá 5 ngày như thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của Empa. Các nhà khoa học hy vọng phương pháp mới này sớm được thử nghiệm lâm sàng trên người, mang lại thành công trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng máu trong tương lai.