“Đông Du” thấm đượm tình người

ANTĐ - 3 đêm diễn liên tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đoàn kịch nói CAND đã tái hiện hình ảnh người chí sỹ yêu nước-Phan Bội Châu qua vở kịch “Đông Du”. Dù mấy hôm liền sát giờ công diễn, trời bỗng đổ mưa như trút, nhưng khán giả vẫn đến rất đông.

Cảnh Phan Bội Châu bàn thảo với các nhà hoạt động chính trị Nhật Bản

NSND Lê Hùng giữ vị trí chỉ huy vở kịch. Đối với đạo diễn dày dạn kinh nghiệm này, “Đông Du” (tác giả kịch bản: Bùi Minh Vũ) không phải là một vở kịch dễ dàn dựng. Cái khó của vở diễn chính là sự khô cứng của các chi tiết lịch sử. Làm thế nào để lịch sử và nghệ thuật khéo léo hòa quyện vào nhau tạo nên một vở diễn hấp dẫn là không đơn giản. Đạo diễn Lê Hùng đã thu hút sự chú ý của khán giả ngay ở cảnh mở màn bằng một hình ảnh rất điển hình cho nỗi thống khổ của người dân Việt Nam khi  “nước mất nhà tan” - cảnh chia ly của Phan Bội Châu và vợ.  Ông đã quỳ xuống bái biệt người vợ tảo tần cùng đứa con thơ trước lúc ra đi là một hình ảnh giàu cảm xúc và biểu tượng cho chí khí của người trai nước Nam quyết ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc. 

Và để khắc họa rõ hơn cho điều này, đạo diễn Lê Hùng đã dùng thêm một vài cảnh nữa về các du học sinh do Phan Bội Châu đưa sang Nhật học tập trong phong trào Đông du. Đó là những màn được mở ra với cơn bão tuyết thổi ào ạt đã khiến họ ngã quỵ vì thiếu ăn, nhưng hình ảnh quê hương Việt Nam tiêu điều dưới ách đô hộ của thực dân Pháp khiến trái tim những người yêu nước rỉ máu. Họ dìu nhau đi trong cái rét cắt da cắt thịt và cháy trong lòng họ là ngọn lửa quyết tâm cứu dân, cứu nước khỏi cảnh lầm than. Cùng đó, mối tình giữa chàng chí sỹ yêu nước - Đông Phong và cô y tá người Nhật Bản đã được vị đạo diễn “gài” vào đó những khát vọng và nỗi nhớ quê hương của các du học sinh Việt Nam. Giữa mùa xuân tươi tắn của Nhật Bản, Đông Phong vẫn nhớ khôn nguôi ngôi chùa làng,  lễ hội đầu xuân…

Day dứt và nỗi nhớ quê của những người con xa Tổ quốc là tâm trạng xuyên suốt toàn bộ vở kịch. NSND Lê Hùng rất khéo léo khi khai thác từng chi tiết nhỏ lấy nước mắt khán giả. Ông còn dùng thêm một vài cảnh vui nhộn đan xen để vở diễn không trở nên quá nặng nề. Đặc biệt, “Đông du” đã dành một thời lượng lớn để đặc tả về tình bạn giữa bác sỹ Asaba và Phan Bội Châu. Tuy thời gian quen biết không nhiều nhưng trước chí khí và nghị lực tìm đường giải phóng dân tộc của nhà chí sỹ yêu nước, bác sỹ Asaba vô cùng cảm động. Ông đã dành toàn bộ số tiền dành dụm chữa bệnh cho Phan Bội Châu. Tấm thịnh tình của bác sỹ Asaba đã khiến Phan Bội Châu cảm nhận đầy đủ hơi ấm tình người giữa mùa đông giá lạnh. Nhờ số tiền này, Phan Bội Châu đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đưa các du học sinh Việt Nam sang Nhật để hoàn thành con đường đã định. Vở kịch đã khép lại với ấn tượng đẹp về mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Trước khi vở kịch “Đông Du” được dàn dựng, Đài truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình TBS của Nhật Bản đã phối hợp sản xuất bộ phim truyền hình kể về tình bạn giữa Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba của Nhật-“Người cộng sự”. Bộ phim này đã giành được một số giải thưởng cho phim video tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ mười tám.