Đoàn Công tác Bộ Công an và Công an Hà Nội kiểm tra thực tế ô nhiễm môi trường tại khu vực sông Cầu Bây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 11-4, Đoàn công tác Bộ Công an và Công an Hà Nội cùng các ban - ngành chức năng đã có cuộc thị sát thực tế, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường và đưa ra các biện pháp khắc phục tại khu vực sông Cầu Bây, thuộc địa bàn giáp ranh các quận Long Biên và huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại sông Cầu Bây và cống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại sông Cầu Bây và cống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Cần giải pháp đồng bộ giải quyết ô nhiễm môi trường

Đoàn công tác gồm Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và lãnh đạo các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm.

Ngay trong buổi sáng 11-4, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế dọc tuyến sông Cầu Bây có chiều dài gần 12km, điểm cuối là công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ghi nhận thực tiễn và hồ sơ đánh giá, đoàn công tác chỉ rõ những vấn đề bất cập gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề tưới tiêu, cũng như sinh hoạt của nhân dân nếu không có biện pháp xử lý triệt để, hiệu quả.

Cụ thể, tình trạng rác sinh hoạt, bùn đất chưa được thu gom, nạo vét ảnh hưởng đến dòng chảy, gây tích tụ nước thải tại điểm đầu ở đường Đoàn Khuê, qua đường Trần Danh Tuyên rẽ vào đường Hà Văn Chúc; đoạn qua Tổ dân phố số 7 - phường Sài Đồng, quận Long Biên và một số điểm khác trên tuyến sông, tại đập Xuân Thụy, do đang thi công cải tạo nên có nhiều bùn đất, vật liệu xây dựng phục vụ thi công. Toàn tuyến sông từ điểm đầu đến điểm cuối nước có màu đen và bốc mùi hôi thối. Hiện nay, do mùa nước cạn không có lượng nước tự nhiên bổ sung nên tốc độ dòng chảy thấp, thậm chí có đoạn tạo thành vũng chứa nước, đây là điều kiện phát sinh ô nhiễm do các tác động, phản ứng hóa học của các chất có trong thành phần nước thải từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh gây ra.

“Các mẫu phân tích nước sông Cầu Bây được các cơ quan chức năng thực hiện cho kết quả các thông số đều vượt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép. Có thể thấy, tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây hiện nay ở mức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, không đảm bảo chất lượng nước phục vụ tưới tiêu và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân các tỉnh lân cận”- Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội chỉ rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Được biết, thực hiện các đợt cao điểm xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường liên quan đến sông Cầu Bây, Công an thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về môi trường liên quan đến ô nhiễm sông Cầu Bây, tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây hiện nay vẫn ở mức báo động, chưa được giải quyết triệt để. Thành phố, các sở, ngành, UBND các cấp cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp để cải tạo, nâng cấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây vẫn được đánh giá ở mức nghiêm trọng, tất cả các thông số môi trường đều không đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép.

Để đánh giá một cách toàn diện các nguyên nhân, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và định hướng những giải pháp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm, đề ra những biện pháp mang tính tổng thể để xử lý ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây, đoàn công tác đã đề nghị đại diện các đơn vị liên quan cần chỉ rõ thực trạng, hướng giải pháp.

Đại diện quận Long Biên, ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: “Sông Cầu Bây là con sông thoát nước chính trên địa bàn quận Long Biên. Qua rà soát, hiện có 17 điểm xả nước thải trực tiếp vào sông Cầu Bây bao gồm 16 cơ sở sản xuất công nghiệp, 2 bệnh viện và các khu, cụm dân cư. Đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp đã đầu tư trạm xử lý nước thải, nếu các trạm này được vận hành liên tục, đúng quy trình thì nước thải ra ngoài môi trường sẽ luôn chuẩn hiện hành. Tuy nhiên, việc kiểm soát vận hành các trạm xử lý đạt quy nước thải và quan trắc chất lượng nước thải ra ngoài môi trường chưa thường xuyên, nên vẫn còn tình trạng xả nước thải không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài nguồn tiếp nhận nước thải của các đơn vị sản xuất công nghiệp, sông Cầu Bây còn tiếp nhận nước thải sinh hoạt của các khu dân cư và các khu đô thị. Năm 2022, đơn vị chức năng lấy kết quả phân tích mẫu nước cho thấy hàm lượng, chỉ số tiêu chuẩn cho phép đều vượt nhiều lần so với quy chuẩn”.

Lộ trình đúng, môi trường sẽ được cải thiện lâu dài

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an quận Long Biên tiến hành 3 đợt kiểm tra vào năm 2022.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra đối với tổng số 23 đơn vị, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7/23 đơn vị với tổng số tiền phạt 30.450.000 đồng, đồng thời yêu cầu các cơ sở phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục xong hậu quả vi phạm về UBND quận Long Biên để theo dõi, giám sát trong quá trình hoạt động. Quận Long Biên cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cải tạo, nạo vét sông Cầu Bây đưa giải pháp trước mắt để giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, tránh gây bức xúc trong nhân dân.

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường phát biểu tại Hội nghị

Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường phát biểu tại Hội nghị

Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, sông Cầu Bây qua 4 xã thuộc địa bàn huyện có chiều dài 7,1km. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu Bây rất trầm trọng. Sở dĩ do chưa có giải pháp hiệu quả xử lý nước thải sinh hoạt, rác thải ô nhiễm lòng sông. Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, năm 2020 đã triển khai dự án “Cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây, huyện Gia Lâm” và nhiều giải pháp từ rà soát điểm xả thải, phối hợp việc nâng cấp cải tạo, kè bờ hạn chế ô nhiễm môi trường...

Sau khi nghe đại diện các đơn vị liên quan báo cáo, Đại tá Lê Thơm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường chỉ rõ bất cập và gợi mở biện pháp căn cơ cần có sự phối hợp của các ban - ngành mới xử lý hiệu quả được tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực sông Cầu Bây như hiện nay: “Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ban, ngành, UBND các cấp đã quan tâm chỉ đạo xử lý các vi phạm, giải quyết tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải do tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây trên địa bàn Thành phố Hà Nội là điểm đầu xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Do vậy, để có một giải pháp hiệu quả thì việc triển khai như các đơn vị đã làm chỉ xử lý được bề nổi, chưa triệt để. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, việc đầu tiên phải phối hợp làm hệ thống cống gom thoát nước, sau đó ở điểm nào trên quận Long Biên hay huyện Gia Lâm có trạm xử lý nước thải sẽ đổ vào đó, không xả ra sông Cầu Bây như hiện nay. Đó là giải pháp cần tính toán, chứ không làm kè cho đẹp mỹ quan đô thị, nhưng ô nhiễm vẫn không giải quyết được triệt để”.

Kết luận buổi làm việc, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội tập hợp đánh giá của các đơn vị liên quan và chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, nghiên cứu đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, và kiến nghị với cấp có thẩm quyền những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phối hợp đồng bộ giữa các sở - ngành, lực lượng liên quan giải quyết có hiệu quả tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây, góp phần giảm ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.