Đình Kim Ngân... mong đến ngày đại lễ

(ANTĐ) - Phố Hàng Bạc, con phố cổ lâu đời của Hà Nội, với những giá trị kiến trúc độc đáo và các di tích lịch sử cũng như những nét văn hóa đặc trưng đang mất dần đi những nét cổ kính: những ngôi nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng, di tích đình, đền thờ đang mất dần dấu tích bởi sự chen lấn của nhà dân, bởi sự ồ ạt của đô thị hóa, sự bức bối của nhu cầu dân sinh...

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội còn 914 ngày:

Đình Kim Ngân... mong đến ngày đại lễ

(ANTĐ) - Phố Hàng Bạc, con phố cổ lâu đời của Hà Nội, với những giá trị kiến trúc độc đáo và các di tích lịch sử cũng như những nét văn hóa đặc trưng đang mất dần đi những nét cổ kính: những ngôi nhà cổ bị xuống cấp nghiêm trọng, di tích đình, đền thờ đang mất dần dấu tích bởi sự chen lấn của nhà dân, bởi sự ồ ạt của đô thị hóa, sự bức bối của nhu cầu dân sinh...

Đặc biệt, đình Kim Ngân – một trong những ngôi đình thờ ông tổ nghề thợ kim hoàn  hiện đã bị nhà dân che lấp. Dấu tích duy nhất còn lại để nhận ra ngôi đình cổ này là chiếc biển số nhà màu xanh mang số 42.

Đình nằm sâu hun hút trong ngõ nhỏ mà lối vào chỉ rộng chừng 60-70 cm, xung quanh đình, phía trước, phía sau, bên trái, bên phải đều là những hộ dân sinh sống. Phần còn được gọi là di tích chỉ còn nơi để tượng Phật, toàn bộ không gian đã bị lấn hết. Đã thế, ngôi đình có giá trị văn hóa như vậy vẫn chưa được xếp hạng di tích quốc gia. Điều trớ trêu là một trong những điều kiện để di tích được xếp hạng phải không có hộ dân sinh sống trong di tích. Vậy là ngôi đình cứ dần mai một đi, bị quên lãng đi cùng năm tháng mặc cho nó chính là hạt nhân lâu đời nhất, sáng giá nhất để làm nên nét đẹp, nét cổ kính của con phố Hàng Bạc. 

Lối vào đình Kim Ngân sâu hun hút bởi sự chen lấn của nhà dân
Lối vào đình Kim Ngân sâu hun hút bởi sự chen lấn của nhà dân

Thế rồi đến dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội sắp tới, người ta mới giật mình nhận thấy rằng một ngôi đình có giá trị văn hóa như đình Kim Ngân không thể để mai một đi một cách lãng phí và vô trách nhiệm như vậy. Phố cổ sẽ còn lại những gì nếu mất đi những ngôi đình cổ, mất đi những hạt nhân lâu đời như vậy. Và muốn bảo vệ phố cổ thì việc trước tiên phải là bảo vệ lấy những di tích trong phố cổ.

Các nhà quản lý di tích nói rằng, việc phục dựng lại di tích không phải là việc quá khó, chúng ta vẫn có thể làm được, nhưng cái khó, cái đau đầu nhất hiện nay là làm sao phải lấy lại được không gian cho di tích. Điều đó có nghĩa là phải di dời toàn bộ những hộ dân sinh sống quanh di tích, rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện trùng tu, tôn tạo...  Nghe đâu, dự án cũng rục rịch được triển khai, trong khi đó, ở Hà Nội, có quá nhiều di tích có hộ dân sinh sống, thậm chí có di tích chỉ có hai ba hộ dân đã phải mất mấy năm trời mà vẫn chưa di dời được. Vậy nên việc di chuyển gần 20 hộ dân sống chung số nhà với di tích đình Kim Ngân chắc cũng không phải là chuyện một sớm, một chiều.

Tại buổi họp Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, trong báo cáo có nghe thấy tên của di tích đình Kim Ngân là một trong những di tích phải được trùng tu. Nhưng bây giờ thời gian đến dịp kỷ niệm không còn tính bằng năm, bằng tháng, mà đang được tính bằng ngày, bằng giờ, không biết đình Kim Ngân có được trả lại vị trí tôn nghiêm của nó vào dịp đại lễ?

Thanh Lê