Diễn viên Hiền Mai: "Hà Nội là ký ức đẹp nhất"

ANTĐ - Trần Hiền Mai - người mẫu, diễn viên là một cái tên sáng bền, như nhan sắc tự nhiên bất chấp thời gian của chị. Hiền Mai khác biệt với đa số nhân vật showbiz ưa ồn ào.

13 năm trước, tôi đến thăm Hiền Mai ở tầng trệt chung cư 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, gần đấy là căn hộ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Sau này, mỗi lần qua góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Đình Chiểu , tôi chỉ nhớ Hiền Mai. Hiền Mai ngày ấy chưa chồng và Hiền Mai bây giờ, là mẹ của cậu con trai 9 tuổi, không mấy khác. Khuôn mặt thanh thoát, nụ cười hiền, giọng nói còn âm sắc Hà Nội và vẫn tham gia nghệ thuật bằng vốn hiểu biết của một người có học.

-  Chào chị Hiền Mai, hôm nay chúng ta đi làm phim nhé, một bộ phim về Hà Nội?

- Đi ngay à? Tôi vừa quay xong 30 tập phim Bản lĩnh công tử (Đạo diễn Đào Bá Sơn) giữa tháng 6, nghỉ vài tuần mới đi tiếp được.

- Không, ngay bây giờ, không cần có kịch bản đâu, chị là chính chị trong bộ phim “Hà Nội của Mai”, được không? Độc giả An ninh Thủ đô Cuối tuần muốn biết quãng đời gia đình chị sống ở Hà Nội?

- Cha tôi, nhà văn Trang Nghị (1933 - 1998) chính gốc Sài Gòn, ra Bắc tập kết năm 1954, làm biên tập viên (BTV) tuần báo Văn nghệ. Má tôi, nhà báo Lê Thị Bi (bút danh Hiền Trang), người Nha Trang, cùng tuổi ba, ra Bắc thời chống Mỹ. Má tôi phụ trách biên tập toàn bộ bài vở, sáng tác VHNT của tuần báo Thống nhất - tờ báo chuyên phản ánh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cùng các đề tài liên quan đến cuộc đấu tranh ấy. Tòa soạn Thống nhất ở 80 phố Nguyễn Du, gia đình tôi sống trong căn phòng tập thể cùng địa chỉ. Má tôi đi làm quá gần, ba có thể đi bộ qua 17 Trần Quốc Toản.

- Trong phòng má chị, có bức ảnh đen trắng rất đẹp, chụp ba má con trùm khăn, hai cô con gái khoảng 6 và 3 tuổi, má bầu bĩnh rất xinh.

- Đấy là mùa Đông Hà Nội 1970, Hà Nội ngày xưa thơ mộng thật. Má tôi đã già, chúng tôi lớn tuổi rồi, thời gian chẳng bao giờ quay lại. Ba đã mất, má đãng trí quên khá nhiều kỷ niệm. Chúng tôi vẫn nhớ những năm tháng tuổi thơ Hà Nội. Tuổi thơ là phần đời đẹp nhất của đời người, chúng ta có nhiều người thân nhưng thời gian cứ làm họ rời xa chúng ta.

- Chị hãy “chiếu” cho chúng tôi bộ phim thơ ấu ấy!

- Tôi yêu mùa Đông xứ Bắc, được sinh vào mùa đông năm 1967. Chị gái tôi, Hiền Trang, sinh mùa hè năm 1964. Hai mùa khác nhau, nên hai chị em cũng có điểm “đối nghịch”. Chị Trang giống y chang ba, tôi là “bản sao” của má. Tôi vẫn nhớ căn phòng nhỏ ở phố Nguyễn Du, rất chật, phải khéo xoay xở mới đủ chỗ sinh hoạt. Phố Nguyễn Du trồng cây sữa, mùa Thu, hoa sữa nở, phố thơm lạ lùng. Sau này, tôi đến một số thành phố có hoa sữa, không đâu có mùi thơm ấy. Có lúc theo ba má ra hồ Halais dạo, lúc chị em tôi tự đi bộ ra chơi. Tôi nhớ mùa hè có quả nhót, hì hục chà vào quần áo, mân mê lâu mới ăn. Nhớ mùa sâu sinh nở, đi học qua, cứ nơm nớp sợ sâu rơi vào người, vì nó rụng đầy vỉa hè. Hồi nhỏ, tôi thường được ba dắt qua chơi nhà bác Hoàng Trung Thông 70 phố Ngô Quyền, khi bác là Tổng biên tập Báo Văn nghệ. Anh Hướng Dương hay cõng tôi, còn anh Phượng Vỹ học cùng chị Trang. Vậy mà đã gần 40 năm, tôi không gặp lại họ, ba má con mới chỉ kết nối lại điện thoại với hai anh từ tháng Tư. Chuyện hôm nay má quên, nhưng gặp người quen cũ, hay thuộc về thời xưa, má hào hứng, như khỏe ra. 

- Thế chị có hay trở về Hà Nội không?

- Năm nào tôi cũng đều ra vài lần, khi công việc, lúc du lịch. Đưa cả chồng con ra. Tôi thích mọi thứ của Hà Nội. Cụ thể hơn là phong cảnh, khí hậu, đồ ăn. Tôi mê ốc luộc của Hà Nội.

- Chị còn giữ kỷ vật gì của tuổi thơ?

- Những tấm bưu thiếp và búp bê gỗ. Còn chị Trang có 7 album sưu tập bướm mà chị bắt ở công viên Lênin có công tôi bắt cùng.(Cười)

- Chị học Đại học Sư phạm mà chỉ được làm cô giáo trong phim, như phim Cu Tí và cô giáo Mai (ĐD Phan Hoàng) là phim thành công, chị khẳng định được diễn xuất ngay từ phim đầu tay?

- Tôi học ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, khoa tiếng Nga, được học bổng thực tập ở Đại học Sư phạm Belgorot (1989 - 1990, LB Nga). Khi học cấp 3 Lê Quý Đôn, tôi đã rất thích theo nghệ thuật, má lại muốn tôi làm cô giáo, một nếp quen của thế hệ trước cho rằng, làm cô giáo thì hợp với phụ nữ, lại đỡ vất vả, ổn định. Tôi từng học ballet ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, chơi bóng đá, bóng chuyền, bơi thành thạo. Rồi vẫn theo ý má. Về nước, ĐD Phan Hoàng mời vào vai cô Mai, cô nuôi dạy trẻ. Sau đó, nhiều nhà nhiếp ảnh mời chụp hình, các nhà tạo mẫu mời trình diễn. Tôi không theo nghề giáo nữa, tôi không tiếc. Làm nghệ thuật vất vả nhưng phong phú hơn.

- Chị yêu điện ảnh mà tai nạn cũng vì nghề này. Đến giờ tôi vẫn phục chị về sức chịu đựng đấy.

- Đó là hồi tôi đóng vai Út, phim Ráng chiều, cô gái nghèo phải đi cào nghêu ở Cần Giờ, huyện nghèo nước lợ của TP HCM. Đầm mình lội bùn, tôi sợ rắn, đỉa, sợ giẫm mảnh chai mảnh sành, mà vẫn cứ tự làm, say nghề mà ê-kíp chính và đạo diễn Đỗ Phú Hải đi xe trước, tôi ngồi xe jeep do diễn viên Lê Vũ Cầu lái. Xe rời Cần Giờ lúc chiều muộn, qua khúc cua, mất phanh, xe bị quăng vào rừng, rơi xuống sình lầy. Gọi đạo diễn quay lại, mãi mới lôi được tôi ra sau khi cưa cửa xe, anh Cầu chỉ bị thương nhẹ, tôi bị kính ô tô đâm đầy mặt lại phải đi xe 4 tiếng, ói suốt, máu dây đầy quần áo. Vẫn mặc phục trang áo bà ba, mặt sưng to, cột sống gãy, vào cấp cứu Bệnh viện chợ Rẫy, họ bắt nằm chờ. Đấu tranh mãi để mổ ngay thì hết thuốc gây mê, và họ bảo, gây mê sau này mặt sẽ xấu, tôi chấp nhận khâu sống cả mặt. 

- Chị lại vừa hợp tác với đạo diễn Đào Bá Sơn sau 15 năm?

- Anh Đào Bá Sơn là người Hà Nội, một đạo diễn tài năng, làm việc tận tâm và sống hay. Năm 1998, tôi đã đóng vai chính - Trâm, cô thôn nữ trong phim Chuyện ở quê tôi của anh Sơn quay tại Cao Lãnh (Đồng Tháp). Năm nay, sau 15 năm, chúng tôi mới có dịp hợp tác trở lại, trong vai - vợ chồng. Tôi (vai bà Trang) “vợ” anh Sơn (vai ông Nam), cặp vợ chồng tri thức, nhưng bà mẹ quá chiều con nên con hư, gia đình đổ vỡ. Chúng tôi đóng vai bố mẹ của công tử Hùng (Huỳnh Anh), nhân vật chính của phim Bản lĩnh công tử (30 tập) quay ở Sài Gòn, Đà Lạt.

- Chị có thể nói một chút về ông xã được không? Anh ấy có mê điện ảnh không?

- Chồng tôi là người gốc Hà Nam, sinh ra ở Sài Gòn, vẫn nói tiếng Bắc. Anh là Việt kiều Mỹ về Việt Nam làm việc mà quen, lấy tôi, vì tôi mà định cư ở đây. Mẹ anh muốn cuối đời ở Việt Nam, bố đã mất, mẹ ở với chúng tôi. Anh cả ở Canada, chị gái ở Úc, hai em ở California, anh Nguyễn Hoàng Minh chồng tôi từng là đại diện dầu BP ở Việt Nam và hiện là Giám đốc Luật cho Công ty dầu khí Eni của Ý. Anh ấy mê điện ảnh và luôn ủng hộ vợ đóng phim, nhà có phòng chiếu phim là đủ biết chúng tôi nghiền phim thế nào. 

- Chị trẻ lâu, có bí quyết gì không? Xu hướng phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh, nhất là giới showbiz mỹ viện nhiều. Liệu có đến lúc chị bị “lôi kéo” không giữ được nhan sắc tự nhiên nữa?

- Tôi rất muốn trẻ lâu, nhưng quy luật không thể chống được. Trời cho, cố gắng giữ gìn, chăm sóc da, ăn uống để chậm lại việc lão hóa, chứ làm sao đòi mịn căng như hồi thanh niên. Nếp nhăn có vẻ đẹp riêng. Đẹp tự nhiên là tốt nhất. Tôi muốn là mình, vì vẻ đẹp thật và khác với đẹp nhân tạo, đẹp giả.

- Chị có thể chia sẻ thêm về lối sống riêng?

- Thích nhiều con mà trời chỉ cho sinh được mình Tony, chúng tôi cho cháu học đàn từ 4 tuổi. Sắp tới, cháu lên lớp 4, cháu chăm chỉ học tập là niềm vui của cả nhà. Tôi muốn sự đầy đủ nhất cho con, nhưng dạy con không quên chia sẻ với người nghèo. Tôi dạy con tôi gọi tôi là mẹ cũng là vì nhớ Hà Nội đấy.

- Còn nỗi lo?

- Mẹ chồng tôi nằm liệt, bị lẫn. Má tôi thì bị tim, đi đâu tôi cũng cảm thấy lo cho 2 bà mẹ ở nhà.

- Bộ phim tiếp theo của chị?

- Tôi có một số lời mời, đóng phim là đam mê, tôi sẽ thu xếp, không thể sống ở nước ngoài vì còn lo cho má và muốn đóng góp lâu dài cho điện ảnh. Tôi mong có kịch hay từ Hà Nội mời, để có thể trở về thành phố tuổi thơ, đóng phim ngoài đó.

- Cảm ơn chị Hiền Mai, hy vọng sớm  gặp lại chị ở thành phố tuổi thơ đầy ký ức và kỷ niệm của chị.