Điện ảnh “Trung úy”, kịch nghệ “Binh nhì”

(ANTĐ) - Lê Thiện Tùng là gương mặt mới và cũng hiếm hoi của điện ảnh. Vừa dời vai Lâm Thanh trong “Chớp mắt cùng số phận” của đạo diễn Lê Ngọc Linh, anh lại được đạo diễn Hà Sơn mời vào vai trung úy Hà trong phim về đề tài chiến tranh “Trung úy”.

Điện ảnh “Trung úy”, kịch nghệ “Binh nhì”

(ANTĐ) - Lê Thiện Tùng là gương mặt mới và cũng hiếm hoi của điện ảnh. Vừa dời vai Lâm Thanh trong “Chớp mắt cùng số phận” của đạo diễn Lê Ngọc Linh, anh lại được đạo diễn Hà Sơn mời vào vai trung úy Hà trong phim về đề tài chiến tranh “Trung úy”.

Hai vai chính, hai nhân vật người lính trải qua thời chiến tới thời bình, Thiện Tùng đã phải vượt qua chính mình để hoàn thành vai diễn mà không để lẫn vào nhau. Đang là diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, nhưng thời gian đóng phim quá dài nên trên sân khấu anh vẫn chưa có vai nào dài hơi. Tôi gọi đùa anh, trong điện ảnh anh đã tới trung úy, nhưng kịch nghệ anh vẫn mới chỉ ở mức binh nhì…

Lê Thiện Tùng
Lê Thiện Tùng

- Vai diễn trung úy Hà đã đến với anh như thế nào?

- Tôi được người ta báo, đạo diễn Hà Sơn đang casting phim “Trung úy”. Có rất nhiều người đã tới. Và tôi tới, như là một cách khám phá chính mình thôi. Diễn viên trẻ ai cũng vậy, phải biết tìm cơ hội cho mình. Tất nhiên, làm diễn viên thì còn phải có may mắn nữa, may mắn mà mình có được một vai tử tế. Tôi may mắn được chọn vào vai chính.

- Lại là vai bộ đội. Trung úy Hà có gì khác với vai Lâm Thanh trong Chớp mắt cùng số phận?

- Thì vẫn là những vai người lính, nhưng mỗi con người sinh ra trong cuộc đời đã là một sự khác nhau, một tính cách khác nhau và một số phận khác nhau. Không ai giống ai và chẳng ai tẻ nhạt cả. Khi đọc kịch bản của Trung úytôi nhận thấy đây là một nhân vật dữ dội, nội tâm, dằn vặt nhiều và đi qua nhiều thử thách của chiến tranh cũng như thời hậu chiến.

Lâm Thanh là một sinh viên cầm súng ra trận với nhiều bỡ ngỡ mà không biết hết những khốc kiệt của chiến tranh rồi trở về với những cảnh ngộ đáng thương của người thương binh trong cơ chế bao cấp. Lâm Thanh là hình ảnh khá đặc biệt của người lính, trải dài số phận mình cùng vận mệnh đất nước. Bộ phim hơi dàn trải, nhưng vai diễn của tôi cũng không đến nỗi nào. Thực ra nó khá nặng với tôi. Vì là vai đầu tiên, nên tôi đã phải tìm hiểu rất kỹ. Tôi đọc lại cuốn Nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và tìm đến mộ anh thắp nén nhang, mong anh phù hộ cho đoàn phim và cho tôi hoàn thành vai diễn.

Nhiều khán giả xem xong đều nói, đây là một bộ phim xúc động, điều đó động viên tôi rất nhiều. Còn vai trung úy Hà thì lại rơi vào cảnh ngộ khác. Người lính này đã vì việc lớn mà phải hy sinh tất cả, mất đi tình yêu, bị hiểu lầm… Có hai dòng tư tưởng trong hai nhân vật chính của bộ phim. Hà đã hy sinh tất cả, cả hạnh phúc riêng tư cho chiến thắng. Còn cô gái yêu anh thì gạt bỏ mọi rào cản đề đi tìm tình yêu đích thực của mình. Tôi đã phải đọc thật kỹ kịch bản để tìm một lối đi cho nhân vật của mình, để không lặp lại vai Lâm Thanh, để thể hiện được những tình huống dữ dội của phim và sự dằn vặt của người lính trước những cảnh huống nghiệt ngã của số phận.

- Bộ phim chắc chắn sẽ có những cảnh nóng. Anh tự tin cho những cảnh quay nàychứ?

- Những cảnh nóng là những cao trào quan trọng nhất của bộ phim. Nó là một thử thách lớn. Trước khi lâm trận cả tôi và Quách An An đều vô cùng căng thẳng. Có lúc căng thẳng quá, Quách An An bật khóc. Cũng phải vài cảnh quay thử chúng tôi mới nhập được vào bối cảnh và diễn trôi chảy. Tôi biết nếu chuẩn bị không tốt, diễn không tốt, quay không khéo những cảnh ấy sẽ trần tục và phản cảm. Thật không dễ dàng. Những ngày mùa đông, trời Tây Bắc tối rất nhanh, và rét cắt da cắt thịt. Trời tối chúng tôi lại phải trút bỏ quần áo để… diễn. Thật không dễ chịu chút nào. Tôi tin là mình diễn giả nhưng khán giả sẽ thấy y như thật (cười).

- Anh không ngại vợ anh phản ứng khi xem những cảnh này?

- Đã lấy chồng làm diễn viên thì phải biết cảm thông chứ. Vợ tôi học cùng tôi từ hồi ở trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, tôi học diễn viên còn cô ấy học thiết kế thời trang. Ra trường thì làm đám cưới. Ai cũng bảo cưới sớm quá. Nhưng yêu nhau rồi thì cưới nhau. Cưới rồi thì có con thôi. Tự nhiên thế. Nói thế để hiểu rằng, chúng tôi yêu nhau đủ lâu để hiểu rõ con người nhau. Nên tôi tin vợ tôi sẽ không bao giờ ghen tuông với vai diễn của chồng.

- Mới bắt đầu sự nghiệp lại có gia đình, đó có phải là một cản trở không?

- Cũng không biết nữa. Nhưng tôi không hối tiếc gì. Vì bây giờ tôi đã có một cháu nhỏ 4 tháng tuổi, đi quay phim nhớ con phát điên. Tôi cưới vợ đúng lúc quayChớp mắt cùng số phận. Buổi sáng quay ở Nam Định, trưa về qua nhà gái ăn hỏi, chiều lại vào Thanh Hóa quay tiếp. Một tuần sau thì làm đám cưới. Cưới hôm trước, hôm sau tôi bay vào TP Hồ Chí Minh quay những cảnh tiếp theo. Không có trăng mật. Không có gì hết. Nhưng vợ tôi thông cảm hết. Có lẽ cô ấy hiểu rõ, những vai diễn này có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của tôi.

- Vậy là anh đã đeo đuổi Trung úy bao lâu rồi?

- Đã ba tháng. Và còn tiếp tục. Bộ phim có bối cảnh rộng, nhiều nơi, cả trong Nam ngoài Bắc, vất vả nhiều. Thực sự tôi thấy tiền của cũng đổ vào không ít, công sức của ê-kíp làm phim không biết bao nhiêu mà tính, vì thực sự quá vất vả. Chúng tôi làm việc với tinh thần cao hơn bình thường. Nếu bộ phim không được như mong đợi thì thật đáng buồn. Tôi hy vọng bộ phim sẽ có đông khán giả vì tôi nghĩ nó khá hấp dẫn. Nếu khán giả không đón nhận nó thì tôi thấy thật tiếc.

Thiện Tùng và Quách An An trong phim "Trung úy"
Thiện Tùng và Quách An An trong phim "Trung úy"

- Nãy giờ mải nói về Trung úy, giờ chuyển qua mảng… binh nhì nhé? Anh thấy mình có thế mạnh trong sân khấu không?

- Tôi nghĩ là có. Vì tôi yêu thích sân khấu. Đó là đam mê số một của tôi. Tôi đã rất vất vả để đến được với sân khấu. Tôi thi vào Đại học Sân khấu Điện ảnh và bị trượt, may mà đỗ vào khóa 1 diễn viên Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Trong trường, tôi thực sự không biết mình học được cái gì. Nhưng dần dần, nghệ thuật cứ ngấm vào mình lúc nào không biết. Tôi thích được sống trên sàn gỗ. Điện ảnh cũng là một ngả rẽ tốt. Truyền hình cũng là một cơ hội để tôi làm nghề. Nhưng sân khấu là cuộc sống, là con đường lâu bền mà tôi đã lựa chọn.

- Nhưng anh đâu có được những vai diễn lớn. Vì ở Nhà hát Kịch Hà Nội là… bầu trời đầy sao và sự cạnh tranh như một lẽ đương nhiên…

- Nhà hát Kịch Hà Nội có một điểm rất hay là quan tâm tới diễn viên trẻ một cách cụ thể. Chúng tôi được phát huy khả năng của mình. Tôi chưa có vai diễn dài trên sân khấu vì tôi xin nhà hát cho hoàn thành nốt vai trong phim, nếu không cơ hội cũng đã đến rồi. Nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, mình còn nhiều cơ hội làm nghề. Sợ nhất là cơ hội đến mà mình làm hỏng nó.

- Một diễn viên trẻ chưa có chỗ đứng trong nhà hát, cũng chưa có cơ hội kiếm tiền nhiều từ nghề diễn, lại phải làm chủ một gia đình, điều đó có đặt anh vào những khó khăn?

- Khó khăn, tất nhiên là khó khăn thì không kể hết, cát sê đóng phim thì thấp, không đủ tiêu trong những ngày quay phim nên toàn lấy tiền nhà đi tiêu. Đã có lúc tôi nghĩ mình phải làm thêm cái gì đó để cuộc sống vững vàng hơn. Nói là nói vậy thôi, chứ tôi yêu nghề diễn lắm. Và diễn viên là vậy đó, vất vả mấy cũng vẫn yêu nghề, vẫn hết sức gắn bó với nghề. Chúng tôi không có nhiều nhu cầu. Chúng tôi sống hồn nhiên với nghề diễn của mình.

- Kịch Hà Nội dựng vở mới không nhiều, anh có sợ mình sẽ bị già đi rất nhanh mà dấu ấn thì chưa kịp thấy?

- Nhà hát của tôi là một đơn vị hiếm hoi ở Hà Nội vẫn giữ phong cách kịch chính thống. Năm vừa rồi, đoàn kịch của tôi đi lưu diễn vở Đứa con bị đánh cắp, doanh thu rất cao và đó chính là cơ hội rõ nhất cho chúng tôi làm nghề. Rất nhiều khán giả trung thành của nhà hát đến xem và họ bày tỏ muốn kịch Hà Nội vẫn giữ phong cách ấy của mình. Đó chính là một niềm tin cho lứa diễn viên trẻ chúng tôi tiếp tục yêu nghề.

- Sau Trung úy, anh sẽ làm gì?

- Sẽ về với sân khấu. Và sẽ nhận một vai diễn mới trong điện ảnh, nếu được mời và thấy hợp.

- Cảm ơn Thiện Tùng!

Hoài Phố (Thực hiện)