Di tích Việt “lên”... bản đồ
(ANTĐ) - Viện Bảo tồn di tích, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng cùng Công ty Alatca Media vừa bắt tay triển khai dự án “Bản đồ di tích Việt Nam”. Đây là một hệ thống ấn phẩm đa phương tiện, phát hành dưới nhiều dạng thức như: bản đồ, tờ gấp, sách ảnh, đĩa CD và VCD, website cùng một số chuyên mục về di tích trên truyền hình. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Dự án Bản đồ di tích Việt Nam.
Chùa Một cột- Ngôi chùa đầu tiên được đề cập trong “Hành trình chùa Việt” |
- PV: Thưa ông, xuất phát từ ý tưởng nào, Dự án Bản đồ di tích ra đời?
- Ông Nguyễn Đức Hùng: Chúng ta từng có bản đồ tài nguyên, khoáng sản, thổ nhưỡng... và sẽ rất tuyệt vời nếu như còn có thêm một sản phẩm nữa là bản đồ di tích. Việc ra đời bản đồ di tích đa phương tiện trên các loại hình truyền thông sẽ giúp nhân dân trong nước và kiều bào nước ngoài tiếp cận tổng thể giá trị di tích một cách trực quan về hình ảnh văn hóa Việt. Chúng tôi rất tự hào nếu được góp sức mình vào việc giữ gìn những di tích và giá trị văn hóa cổ truyền. Hiện nhóm dự án của chúng tôi gồm một doanh nghiệp, kết hợp với Viện Bảo tồn di tích và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng đã tập hợp được nhiều ý tưởng và tài chính để thực hiện.
- PV: Được biết, dự án này sẽ triển khai từ nay cho tới năm 2015, ông có thể nói rõ hơn về lộ trình thực hiện?
- Ông Nguyễn Đức Hùng: Dự án gồm nhiều loại hình và quy mô khác nhau được thực hiện với mốc nghiệm thu giai đoạn I là Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự kiến trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ xuất bản tập bản đồ di tích Việt Nam, ra mắt tập sách ảnh “Di tích Việt Nam và website Bản đồ di tích Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Việt - Anh đề cập một cách tổng thể về 2950 di tích đã được xếp hạng Quốc gia. Chúng tôi cũng lên kế hoạch hợp tác với VTV, VTC và HTV mở chuyên mục “Du lịch qua chùa Việt Nam” và “Du lịch qua chùa Hà Nội” trong năm 2010. Và đề mục quan trọng nhất của Dự án đa phương tiện này là series phim “Hành trình chùa Việt”.
- PV: Vậy series “Hành trình chùa Việt” sẽ được kết cấu thế nào, tập trung vào một số ngôi chùa tiêu biểu, hay “điểm danh” tất cả số lượng chùa hiện có?
- Ông Nguyễn Đức Hùng: Hiện chúng tôi đang hoàn thiện kịch bản của loạt ký sự đặc biệt này. Đây không phải là một bộ phim về các ngôi chùa rời rạc mà là một bộ phim sử hoành tráng, hệ thống, có tính khoa học cao về lịch sử du nhập Phật giáo vào Việt Nam, lịch sử hình thành các ngôi chùa. Với thời lượng từ 20 - 30 phút/tập, mỗi tập phim sẽ giới thiệu 1 đến 3 ngôi chùa. Không chỉ đơn thuần nói về ngôi chùa đó ai trụ trì, lịch sử phát triển ra sao, mà mỗi ngôi chùa sẽ được đề cập trong tổng thể mối liên hệ chặt chẽ với các ngôi chùa khác cả về lịch đại và đồng đại.
Chúng tôi cũng sẽ dành một phần để nói đến những ngôi chùa nổi tiếng đã mất đi, như chùa Báo Thiên - Hà Nội chẳng hạn. Theo kế hoạch, từ tháng 9-2008 đến 10-2010, 50 tập phim đầu tiên về chùa Hà Nội sẽ được hoàn thiện. Năm 2010 là thời điểm khởi quay tại các ngôi chùa miền Trung và năm 2012 dự án sẽ được thực hiện tại miền Nam.
- PV: Các di tích hiện đang bị lấn chiếm, xuống cấp, thậm chí biến dạng qua chính những lần tu bổ. Dự án có đề xuất gì cho việc bảo vệ tính nguyên gốc không?
- Ông Nguyễn Đức Hùng: Với sự tư vấn của các giáo sư và các nhà nghiên cứu, “Hành trình chùa Việt” sẽ phục dựng những gì là nguyên trạng của ngôi chùa trong quá khứ bằng kỹ thuật đồ họa 3D.
- PV: Kinh phí để thực hiện dự án có được Nhà nước hỗ trợ hay được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa?
- Ông Nguyễn Đức Hùng: Dự án này sử dụng 100% kinh phí xã hội hóa, không dùng ngân sách Nhà nước.
- PV: Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Vân (Thực hiện)