Đêm thơ Nguyên tiêu tại Hoàng Thành Thăng Long: Thơ ca tạo ra giá trị tinh thần cho dân tộc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự kiện chính của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 - Đêm thơ Nguyên tiêu đã diễn ra vào tối ngày 5/2 tại Hoàng thành Thăng Long. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự, phát biểu và đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2023.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, trước đây, UNESCO đã vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhà thơ, nhà văn hoá lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, UNESCO đã vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Những sự vinh danh đó cho thấy sứ mệnh của những nhà thơ Việt Nam và sự đóng góp của họ trong việc tạo ra những giá trị tinh thần cho dân tộc và cho nhân loại.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại đêm thơ Nguyên tiêu

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại đêm thơ Nguyên tiêu

Đó là sự vinh danh vẻ đẹp sáng tạo, vinh danh tư tưởng nhân văn, vinh danh tinh thần sống của con người Việt Nam và vinh danh một nền văn hoá độc lập và khác biệt mà thơ ca chứa đựng và lan toả.

"Trong lịch sử lớn của dân tộc có lịch sử của thơ ca. Các nhà thơ Việt Nam hết thế hệ này đến thế hệ khác đã đi cùng dân tộc trên mọi chặng đường. Với quyền lực của ngôn từ, với vẻ đẹp của tư tưởng nhân văn và bản lĩnh của mình, thơ ca đã đi qua mọi thách thức, mọi đe doạ và đi qua cả cái chết để mang vẻ đẹp và niềm kiêu hãnh bước vào từng ngôi nhà trên xứ sở chúng ta và nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương con người và những giấc mơ đẹp đẽ cho mảnh đất này", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Quang cảnh của đêm thơ

Quang cảnh của đêm thơ

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát biểu tại ngày hội của những người yêu thơ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, lịch sử thơ ca dân tộc ta, từ khởi nguồn tới nay, chưa bao giờ đứng ngoài vận mệnh của đất nước. Ở mỗi thời kỳ, từ dựng nước đến giữ nước, thơ ca luôn đồng hành, trở thành vũ khí sắc bén của dân tộc để chống ngoại xâm, chống đồng hoá, để xây đắp văn hiến và duy trì sự phát triển dòng giống Lạc Hồng.

Hiếm dân tộc nào trên thế giới mà trong lịch sử phải đương đầu với nhiều cuộc chống xâm lăng như dân tộc Việt Nam ta. Và thực tiễn lịch sử đã cho thấy, hiếm dân tộc nào lãng mạn như dân tộc Việt Nam. Chúng ta có tướng soái làm thơ, có chiến sĩ là nhà thơ, và những vị vua là nhà thơ. Và chúng ta đã chứng kiến biết bao chiến sỹ cách mạng cũng là những nhà thơ tiêu biểu của đất nước, của dân tộc. Thơ ca được làm ở các lao tù của đế quốc, thơ ca được sáng tác trên suốt chặng đường hành quân của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta.

"Bên cạnh dòng thơ ca chống ngoại xâm, chúng ta có thơ ca tham gia vào xây dựng kiến thiết đất nước khi hoà bình. Chúng ta có thơ ca tham gia xây dựng kiến thiết đất nước khi hòa bình, chúng ta có thơ ca tham gia vào công cuộc đổi mới đất nước để bắt nhịp cùng xu thế phát triển của thời đại. Thơ ca như thể hòa quyện với dân tộc ta, trở thành một phần không thể thiếu của mỗi người Việt Nam", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

Một nghệ sĩ trình diễn trong đêm thơ

Một nghệ sĩ trình diễn trong đêm thơ

Sau tiếng trống Khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, tại sự kiện, công chúng yêu thơ đã được thưởng thức một đêm thơ Nguyên Tiêu xúc động, sâu lắng với nhiều tác phẩm thơ nổi tiếng, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc của nhà thơ Chính Hữu, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Bình Phương… và nhiều tác phẩm của các nhà thơ trẻ như Đoàn Văn Mật, Lý Hữu Lương… Các tác phẩm này được thể hiện qua phần trình bày của các nhà thơ, các nghệ sĩ như NSND Thúy Mùi, NSƯT Thu Hà...

Đêm thơ được chia làm 4 chương lớn gồm: Thơ mới và thơ trong kháng chiến chống Pháp; Thơ trong kháng chiến chống Mỹ; Thơ thời kỳ đổi mới và Thơ trẻ. Xen lẫn giữa phần đọc các tác phẩm thơ là phần trình diễn những ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ các bài thơ như “Đường chúng ta đi” (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du); “Thơ tình cuối mùa thu” (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu); “Mơ về nơi xa lắm” (nhạc Phú Quang, thơ Thái Thăng Long)… mang đến cho khán giả một đêm thơ Nguyên Tiêu – Ngày Thơ Việt Nam 2023 nhiều cảm xúc.