Để nhân vật gần khán giả

ANTĐ - Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu về những người khuyết tật vượt lên số phận được đạo diễn Phan Huyền Thư thai nghén chậm rãi và đầy day dứt. Chỉ đến khi “Cuộc đời sau trang sách” ra mắt người xem tại Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, chị mới thấy toại nguyện vì được chia sẻ với những người không may mắn khác mà mình từng gặp. Điều không ngờ hơn là bộ phim đã gây tiếng vang bởi cách làm đầy hiện thực…
Để nhân vật gần khán giả ảnh 1
Sơn Lâm, nhân vật dẫn dắt toàn bộ câu chuyện trong bộ phim

Không có ai là người khuyết tật!
Khác với các bộ phim tài liệu Việt Nam làm về những người khiếm thị, khiếm thính, những người kém may mắn mà đa phần là ở dạng phóng sự và mang màu sắc thương cảm, bộ phim “Cuộc đời sau trang sách” được Phan Huyền Thư chọn cách để cho các nhân vật tự bộc lộ bản thân và tự kể câu chuyện mà họ muốn chia sẻ với mọi người. Chị làm vậy với mong muốn triệt tiêu tối đa sự chủ quan áp đặt của đạo diễn bởi lẽ một người lành lặn sẽ khó có thể hiểu và giãi bày hết những vấn đề mà những người không may mắn về thể chất gặp phải. Hơn thế, được làm việc với nhiều đạo diễn nước ngoài, chị đã nghe được lời nhận xét của các bạn đồng nghiệp rằng: “Phim tài liệu Việt Nam luôn có một “ông Thánh” hiểu biết tất cả mọi chuyện trong phim khiến cho nhân vật không thể đến gần với khán giả”. Tuy nhiên vì hầu hết các nhân vật trong phim đều gặp  khó khăn trong phát ngôn, phát âm, vấn đề di chuyển cũng vô cùng khó khăn nên chị đã quyết định để Sơn Lâm - một nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn có khả năng đi lại, biểu đạt cảm xúc lẫn suy nghĩ bằng ngôn từ trở thành nhân vật dẫn chuyện xuyên suốt bộ phim. Nhờ vậy phim giúp khán giả  dễ theo dõi và cảm nhận hơn.
Để nhân vật gần khán giả ảnh 2
Những cảnh quay đầy tính lãng mạn tại vùng sông nước Long An, quê nhà em Minh Trí

Lần đầu tiên làm phim tài liệu về người khuyết tật, Phan Huyền Thư tâm sự cái khó thì nhiều, làm sao để người xem đồng cảm được với sự xúc động của mình mới là điều khó nhất. Và rồi không riêng gì chị mà cả êkíp làm phim đều quen dần với việc lo lắng từ những thứ nhỏ nhất cho nhân vật trong phim của mình, từ việc mai ăn gì, ngủ ở đâu, quay thế nào, kinh phí ra sao, rồi lại lo làm sao để nhân vật không bị mệt mỏi hay đau ốm. 

Không chỉ vậy, khi làm bộ phim này, Phan Huyền Thư chia sẻ chị muốn trong phim của mình không có ai là người khuyết tật, họ có thể bị bại liệt như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, có thể là nạn nhân di chứng da cam như Sơn Lâm và Trần Trà My, Minh Trí... nhưng họ trước hết là những người thầy, người bạn của chị. Cái khó của êkíp làm phim là phải hạ độ cao cho các góc máy sao cho tương đồng với chiều cao của các nhân vật, khiến cho mỗi nhân vật xuất hiện trên màn hình thật bình đẳng với chúng ta. Nói như suy nghĩ chân thành của chị thì: “Một cái nhìn nhân văn và chia sẻ thì không thể lười nhác mà úp máy từ trên cao xuống một cách trịch thượng”. 

Vẫn còn quá xa vời…
Để nhân vật gần khán giả ảnh 3
Êkíp thực hiện cảnh quay về cô gái Trần Trà My, nạn nhân chất độc dioxin 

Để quay được những cảnh phim về cậu học trò Minh Trí ở Long An không có 2 cánh tay nhưng rất hiếu học, Phan Huyền Thư đã cất công vào tận miền Tây Nam bộ. Nhưng chị lại bị ngã ngay trên ống vào cửa máy bay và bị sai khớp cổ chân. Vậy là chị đành ở nhà của Trí giữa mênh mang sông nước và ngồi một chỗ để… chỉ đạo êkíp thực hiện. Đêm đến, cả đoàn ngủ trên sàn nhà em Trí nhưng chị thì gần như không chợp mắt được vì lúc nào cũng có cảm giác hai con trăn được nuôi ở trong buồng sẽ trườn ra cuốn lấy mình bất cứ lúc nào. Hay như chuyện chị và Sơn Lâm đã có kế hoạch luyện tập thể lực để leo đỉnh Fanxipăng từ hơn 2 năm trước nhưng đến khi thực hiện hành trình trong phim lại không thể nên đành chịu ở dưới mà ngước lên. Đó cũng sẽ mãi là kỷ niệm không thể quên với Phan Huyền Thư. 

Vất vả là vậy, nhưng cũng giống như các bộ phim tài liệu đã ra đời trước đó, “Cuộc đời sau trang sách” khi được hoàn thành cũng chỉ biết cất vào kho và chờ đợi một ngày được khởi sắc trên kênh truyền hình. Còn thị trường cho phim tài liệu luôn là điều quá xa vời với các nhà làm phim tài liệu Việt Nam. Vậy nên, đạo diễn Phan Huyền Thư chỉ có một suy  nghĩ là ước gì các bộ phim tài liệu sẽ xuất hiện tại các rạp chiếu phim, có thể chỉ cần mỗi tuần một ngày trọn vẹn thôi cũng đã quý lắm rồi. Nhưng bù lại, bộ phim có thể được coi là may mắn hơn các bộ phim tài liệu khác khi được Hãng phim cho mượn phòng chiếu và đạo diễn bỏ tiền túi để đón các nhân vật đến giao lưu với khán giả. Sau đó, bộ phim đã nhận được rất nhiều lời mời của các trường học, có những ông bố, bà mẹ muốn có được một bản “copy” của phim để cho các con xem. “Tôi thấy vậy là đã quá mãn nguyện rồi!” - nữ đạo diễn chia sẻ.