Đào Anh Khánh xé toạc “vỏ” giả dối

ANTĐ - “Đáo xuân” đã trở thành thương hiệu Đào Anh Khánh từ nhiều năm nay. Cứ vào đúng đêm 24-2 (cũng là đêm sinh nhật Đào Anh Khánh), tại Studio của anh, số 7 ngõ 462 Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, một chương trình luôn được coi là “lạ” đến quái đản được tổ chức với nhiều loại hình nghệ thuật: sắp đặt, múa đương đại, trình diễn… trên nền âm thanh, ánh sáng gây ấn tượng cực mạnh.

“Đáo xuân 7” với chủ đề “Vỏ - Thở”, Đào Anh Khánh đã thiết kế không gian trình diễn giới hạn bằng những sợi dây màu đỏ thả dài từ trên cao xuống, đầu dưới buộc vào những hòn đá sơn trắng, vẽ các đường ngang dọc ngẫu hứng, nền sân khấu có kẻ ô màu đen trắng như một bàn cờ. Đào Anh Khánh cùng các nghệ sĩ biểu diễn những động tác nhảy múa, uốn éo thân thể theo vũ điệu đầy hứng khởi, cao trào là màn xé bỏ vỏ bọc bên ngoài (được làm từ tiền âm phủ, giấy vàng, những quân bài Tây lên lớp nilon mỏng quấn chặt vào cơ thể) trong tiếng nhạc, âm thanh động cơ của dàn xe Harley gần 50 chiếc.

Tác phẩm “Vỏ” kéo dài 45 phút, mà theo diễn giải trước đó của Đào Anh Khánh: “Tác phẩm này diễn tả về sự giả tạo đang bao trùm cuộc sống hàng ngày. Con người càng văn minh, đời sống càng hiện đại thì càng nói dối khéo hơn, tinh vi hơn. Có người chỉ ở nhà mới thật, cứ ra khỏi cửa là “diễn” nhiều vai... Giả dối càng hiểm nguy hơn khi gắn liền với tham vọng: tiền tài, chức quyền. Tham vọng khiến người ta phải dối trá nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn. Cần xé bỏ lớp “vỏ” này để cuộc sống thanh thản, tự do và nhân văn hơn. Và quá trình tự xé bỏ như thể hiện khát vọng của hướng tới Chân - Thiện - Mỹ vốn giản đơn, thuần khiết (nhưng không dễ đạt được) trong cuộc sống. Đáng buồn nhất là những người quấn vỏ bọc mà không biết mình đã bị bọc...” Sau khi xé bỏ những lớp vỏ, Đào Anh Khánh châm lửa đốt cháy những đồng tiền (âm phủ), những quân bài và giấy vàng. Tất nhiên không thể thiếu những tiếng hú hét truyền đến cho người xem thông điệp: “Hãy biết và dám xé bỏ, đốt bỏ những lớp vỏ, để làm chính mình”.

Cùng lúc diễn ra tác phẩm “Vỏ”, sân khấu bên ngoài, nghệ sĩ Đặng Trung (biệt danh Trung AC) - biểu diễn tác phẩm kịch câm có tên “Thở”. Ý nghĩa của phần trình diễn này như lời kêu gọi bảo vệ môi trường, khi không khí trong lành giờ đã thành “xa xỉ”, thậm chí là mong muốn “hoang đường” vì thành phố đang trong tình trạng quá tải, quy hoạch thiếu khoa học, tình trạng nhập cư, xây dựng tràn lan... Khi mời nghệ sĩ Trung AC tham gia chương trình “Đáo xuân 7”, Đào Anh Khánh đã bày tỏ: “Chúng ta đang từng ngày phải thở, sống trong một môi trường ô nhiễm rất nặng, từ khí thải, C02, bụi bẩn, tiếng ồn do sản xuất, xây dựng và các phương tiện giao thông tạo ra… nên ở góc độ làm nghệ thuật, chúng tôi muốn đóng góp bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vừa là cảnh báo, vừa được thưởng thức nghệ thuật mới”. Với chiếc thang dây tượng trưng cho những tham vọng “leo thang” của con người, nghệ sĩ Đặng Trung và bạn diễn tương tác khá ăn ý trong từng chuyển động. Cuối cùng, chiếc thang dây (đã tẩm dầu hỏa trước đó) bị đốt cháy. Lửa, nhạc, ánh sáng và sự cổ vũ của khán giả khiến các nghệ sĩ cháy hết mình với tác phẩm.

Còn nhân vật chính - họa sĩ, nghệ sĩ trình diễn Đào Anh Khánh sau đêm “Đáo xuân 7” mới bắt đầu cuộc sinh nhật lần thứ 53 của mình kéo dài tới… 5h sáng 25-2. Anh không nói thêm bất cứ điều gì, có lẽ, những diễn ngôn trước ngày “Đáo xuân” và buổi trình diễn hết mình quá đủ cho những câu hỏi. Đào Anh Khánh không tiết lộ ngay số tiền quyên góp được sau “Đáo xuân 7”, chỉ cho biết thông tin: ngày 9-3-2012, anh sẽ cùng Công ty Gami tổ chức chuyến đi Tân Quang, Bắc Giang, Hà Giang để trao số tiền này cho các trẻ em nghèo.

Đào Anh Khánh trước nay vẫn luôn biết cách làm những “chuyện lạ” bằng ý tưởng độc đáo nhất, biết cách thu hút công chúng bằng những “chiêu trò” tưởng như điên khùng nhất. Và vẫn như mọi lần, “Đáo xuân” của Đào Anh Khánh vẫn luôn có nhiều quan điểm khác nhau: Người bảo lạ, người bảo điên, người bảo hay, người bảo đấy mới là nghệ thuật, người lại bảo chả phải, có người bảo hấp dẫn, có người bảo nhàn nhạt. Nhưng thế mới là Đào Anh Khánh!