Danh họa Tô Ngọc Vân: Bán vàng nuôi học trò

(ANTĐ) - Dù tuổi đã cao, trí nhớ đã giảm sút nhưng mỗi người học trò của danh họa Tô Ngọc Vân khi nhớ về người thầy của mình đều thể hiện tình yêu và lòng kính trọng vô bờ bến. Hình ảnh của thầy vẫn luôn là một điểm sáng trong ký ức những ngày gian khó học tập tại chiến khu Việt Bắc.

Danh họa Tô Ngọc Vân: Bán vàng nuôi học trò

(ANTĐ) - Dù tuổi đã cao, trí nhớ đã giảm sút nhưng mỗi người học trò của danh họa Tô Ngọc Vân khi nhớ về người thầy của mình đều thể hiện tình yêu và lòng kính trọng vô bờ bến. Hình ảnh của thầy vẫn luôn là một điểm sáng trong ký ức những ngày gian khó học tập tại chiến khu Việt Bắc.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân

Họa sĩ Tô Ngọc Vân

Khóa hội họa Tô Ngọc Vân

Không phải ngẫu nhiên mà khóa học Mỹ thuật kháng chiến, khóa học chính quy đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam do Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành lập tại chiến khu Việt Bắc vẫn được mọi người nhắc đến bằng cái tên trìu mến-khóa hội họa Tô Ngọc Vân. Không dừng lại ở việc ông chính là vị hiệu trưởng của trường mà bởi tài năng và học vấn uyên bác của một vị giáo sư, một danh họa lừng lẫy đã khơi nguồn sáng tạo đã ảnh hưởng lớn đến các sinh viên sau này.

Toàn bộ chương trình học tập của trường khi ấy với các môn học đa dạng như: Lịch sử mỹ thuật, lịch sử văn học Việt Nam, luật xa gần… đều do GS. Tô Ngọc Vân chủ trì với sự giúp đỡ của các giảng viên như họa sỹ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Khang… Thế hệ học viên ngày ấy đã được tiếp nhận một trình độ hội họa và thẩm mỹ cơ bản vững vàng để có cơ sở phát triển tài năng sau này.

Trong ký ức của các họa sỹ khóa Mỹ thuật kháng chiến, danh họa Tô Ngọc Vân luôn hiện lên là một người thầy thương yêu học trò hết mực. Khi ấy, mỗi tháng, Nhà nước chỉ chu cấp cho mỗi học sinh 20kg gạo nên chuyện ăn cơm độn thêm khoai, sắn là thường ngày. Khổ là vậy, nhưng không học sinh nào than phiền, chỉ chú tâm vào việc học. Nhưng đến cuối năm 1951, khóa đào tạo hội họa và âm nhạc của Chính phủ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc hết kinh phí.

Trường nhạc thì đã giải tán còn trường của họa sỹ Tô Ngọc Vân cũng đứng trước nguy cơ tan vỡ. Trước tình hình trên, ông về bàn với vợ đem bán mấy cây vàng để nuôi học trò học. Vậy là trường họa lại kiên trì bám trụ tại chiến khu và công lao lớn thuộc về thầy Tô Ngọc Vân. Và đây cũng là một trong lý do quan trọng nhất khiến cho khóa học Mỹ thuật kháng chiến gắn liền với tên tuổi của danh họa Tô Ngọc Vân.

“Đem hội họa phụng sự nhân dân”

Dấu ấn của danh họa hiển hiện trên từng trang vẽ và từng hành động của lớp học sinh ngày ấy. Quan điểm về nghệ thuật luôn được các thế hệ học sinh sau này coi như luận cương quan trọng nhất, trở thành tôn chỉ mục đích của ngành mỹ thuật: “Nhận của nhân dân cơm áo, chúng ta phải trả lại cho nhân dân bằng hội  họa, bằng cách đem hội họa phục vụ nhân dân, làm đẹp cuộc đời của nhân dân, hướng dẫn nâng cao trình độ thưởng thức  hội họa của nhân dân”.

Ở vào thời điểm đó, quan điểm này của danh họa có thể được phân tích bằng việc các họa sỹ sáng tác để phục vụ công cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi, làm cho nhân dân thêm yêu đất nước, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến, tổ chức các cuộc triển lãm, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân để có kinh nghiệm thực tế sát với cuộc sống của nhân dân.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các học viên đã thấm nhuần tư tưởng thầy Vân, gắn chặt  “học đi đôi với hành”, đi thực tế sáng tác rồi tổ chức triển lãm động viên tinh thần yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vừa để rút ra bài học thực tế và để nâng cao trình độ thưởng thức của nhân dân. Còn khi đã ra trường, lớp học sinh này đều được cử tham gia cùng các đơn vị chiến đấu, sáng tác trực tiếp tại chiến trường để khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội.

Trong lớp học ngày ấy, có họa sỹ Linh Chi chỉ kém thầy Vân hơn chục tuổi nhưng rất kính trọng thầy. Hai thầy trò đã có nhiều kỷ niệm với nhau. Trong cuốn nhật ký của họa sỹ Linh Chi vẫn lưu giữ những dòng hồi tưởng vắn tắt mà đầy đủ chi tiết vẽ nên hình ảnh người họa sỹ luôn say mê, yêu thích cái đẹp. “12h trưa 17-8-1953, tôi xuống xã với anh Vân, lúc đeo ba lô đi trên đường, đầy nắng của đồi chè Phú Thọ gần Thanh Phù, anh Vân bảo tôi: Anh Linh Chi ạ, chúng ta có cái nghề thật tốt đẹp. Anh có thấy cái bóng của tôi và anh in trên đường không phải là một màu đen mà là màu tím rất đẹp, rất rực rỡ bên cạnh cái màu hoa hiên đỏ chói lòa của ánh nắng không?

Tôi hỏi: anh Vân có ghét lối vẽ Beaux-Arts (Mỹ thuật) không? Tôi nghĩ anh sẽ khó trả lời vì anh xuất phát từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Anh trả lời dứt khoát: “Tôi rất ghét, chỉ có arts (nghệ thuật) làm gì có Beaux-Arts”.   

Bức họa cuối cùng

Những năm tháng tại chiến khu Việt Bắc, họa sỹ Tô Ngọc Vân còn tranh thủ thời gian để đi sáng tác. Có dịp được nhìn những tác phẩm do thầy vẽ, NSND Ngô Mạnh Lân kể lại “Khi ấy, tôi là học sinh nhỏ tuổi nhất của lớp. Có dịp được nhìn  ngắm những tác phẩm do thầy vẽ, tôi thấy thầy có con mắt thật tinh tường, luôn tìm thấy những nét đẹp của nhân vật bằng những nét vẽ đơn giản.

Đơn giản ở đây không có nghĩa là tước bỏ mà chỉ giản lược những chi tiết thừa, chứ hình vẫn rất gần với sự thật”. Cũng giống như văn học, tranh là người, là tiếng nói của tâm hồn người nghệ sỹ, thể hiện quan niệm về nghệ thuật.

Nhật ký của họa sỹ Linh Chi có ghi lại một câu chuyện mà qua đó tình yêu nghề và mong muốn nền mỹ thuật Việt Nam phát triển rực rỡ của họa sỹ được bộc lộ rõ. “Thuở hàn vi, một tờ báo tuần nhờ anh Vân vẽ vụ bản. Họa sỹ vẽ 3 thiếu nữ trên nền đỏ. Lúc đưa nhà in, thằng Tây làm bản kẽm đã tự tiện chữa cho một cô ngực nở hơn.

Anh Vân bắt chữa lại cho đúng nguyên bản, thằng Tây không nghe cho như thế mới đẹp. Anh Vân thấy thế liền mắng cho nó một trận rồi nhất định không ký vào bản bông. Năm ấy, báo thiếu đi một vụ bản và họa sỹ thiếu đi một khoản tiền tiêu Tết”. Khi đã chạm đến cái đẹp, họa sỹ cũng tỏ ra là một con người rất sắc sảo, đấu tranh tới cùng.

Không chỉ làm một người họa sỹ chân chính, đem nghệ thuật phục vụ nhân dân, họa sỹ Tô Ngọc Vân còn nêu gương sáng cho học trò mình khi ông tích cực tham gia cải cách ruộng đất, rồi đi chiến dịch làm nhiệm vụ của người chiến sỹ. Một thời kỳ sáng tác đầy khỏe khoắn và lạc quan.

Nhưng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, họa sỹ đã hy sinh trong một trận ném bom của địch vào ngày 17-6-1954 tại chân đèo Lũng Lô. Bức họa cuối cùng của ông - “Qua đèo Lũng Lô” đã khép lại sự nghiệp hội họa đang đà phát triển, trong sự tiếc nuối của bao người mến mộ tài năng Tô Ngọc Vân.

Phạm Thu Hương