Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi:

Cuốn theo “Những chân trời cuộn sóng”

ANTĐ - “Đối với một người cầm bút, công việc âm thầm, vất vả cực nhọc và gian nguy. Nhưng trong cái sự âm thầm đó có những giây phút hạnh phúc và thăng hoa” - nhà báo Hồ Quang Lợi đã nói như vậy về cái nghề mà 34 năm nay ông coi là máu thịt của mình. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (đứng bên trái)

 chúc mừng tác giả Hồ Quang Lợi tại buổi lễ ra mắt tập sách “Những chân trời cuộn sóng”

Mấy năm trước, khi ông tạm chia tay nghề báo để đảm nhiệm một cương vị mới - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, cứ ngỡ bạn đọc sẽ không còn được gặp ông qua những bài báo chính luận vô cùng sắc sảo, những bài bình luận sự kiện quốc tế nói theo chữ của nhà thơ Hữu Thỉnh là “cao tay và tài năng”, thế nhưng hóa ra ông vẫn âm thầm tiếp cận dòng chảy thông tin để cho ra mắt một tập sách đầy thuyết phục  mang tên “Những chân trời cuộn sóng” (NXB Hà Nội). 

Cuốn sách là tập hợp các bài viết chọn lọc về tình hình thời sự trong nước và quốc tế suốt hơn 20 năm qua theo một logic kết cấu hấp dẫn. Đúng như tên gọi của sách - “Những chân trời cuộn sóng”, nhà báo Hồ Quang Lợi đưa người đọc đến với những hình dung về quãng thời gian đầy biến động của thế giới trong dòng chảy lịch sử, đầy đặn về dung lượng các sự kiện, về sức đi và cả sức nghĩ của tác giả. “Tôi thích thú được cùng tác giả khám phá lại đất nước Nga và Liên bang Xô Viết một thời sôi động trong những đổi thay ở tầm chiến lược, đất nước mà tôi đã từng gắn bó suốt cả thời sinh viên” - nhà thơ Bằng Việt đã chia sẻ như vậy trong một bài viết thay lời tựa cho “Những chân trời cuộn sóng”. Trong buổi ra mắt sách vào chiều qua tại trụ sở NXB Hà Nội, không ít người đã xúc động khi đọc những trang viết về Trường Sa của nhà báo Hồ Quang Lợi, có lẽ đó là loạt bài mà ông đã cho phép tình cảm và “trái tim nóng” của mình lấn lướt “cái đầu lạnh”. Trường Sa dưới ngòi bút của ông không chỉ là nơi mở mắt ra là biển, bốn bề sóng vỗ, một năm có tới 8 tháng biển động nhưng vẫn luôn tràn đầy sự lạc quan và tinh thần quật cường của lính đảo, mà còn có nỗi nhớ, nhớ đến cồn cào một dáng hình con gái, khát khao được thấy những đứa trẻ nô đùa bên mép nước. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ rằng: “Tôi yêu cái chất văn trong từng bài báo của Hồ Quang Lợi lắm!”. Hồ Quang Lợi đã nắm bắt nhanh xu hướng, quy luật của vấn đề chính, và điều đó đã khiến những bài viết đáp ứng được nhiều đối tượng bạn đọc. Sâu hơn, tác giả còn cho người đọc tiếp cận được những dòng chảy ngầm của cuộc sống. Điều này không phải ai cũng làm được, chỉ có những nhà báo có sự nhạy cảm, có tầm nhìn, được đào tạo cơ bản và có nhiều năm lăn lộn thực tiễn mới thành công. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học  nghệ thuật Việt Nam khẳng định, tác giả “Những chân trời cuộn sóng” là một trong những cây bút chính luận tài năng. Qua những bài viết của nhà báo Hồ Quang Lợi, sinh viên chuyên ngành báo chí tìm thấy sự mẫu mực đậm chất văn chương. 

Trong buổi ra mắt sách giản dị, ấm cúng chiều qua, đã có không ít bạn đọc, đồng nghiệp và cả người thân của ông thắc mắc, công việc hiện tại của một Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, bận rộn như vậy, ông lấy đâu thời gian để viết? Chia sẻ rất chân thành, ông bảo, làm báo mới thật là nghề còn tuyên giáo là công việc. Ông chưa từng bỏ bút ngày nào và cũng chưa một ngày rời xa báo chí, vẫn cứ đọc, viết miệt mài. Và dù ông đã đạt được những thành quả nhất định trong cuộc đời làm báo nhưng ông vẫn cho rằng cái quan trọng nhất, không phải là cái “Tôi đạt được” mà chính là cái “Tôi cần cố gắng”. Người cầm bút phải nói được những điều thiết thực, chỉ lúc đó mới làm tròn bổn phận với nhân dân. Trách nhiệm của người cầm bút phải tôn vinh được cái thiện, phê phán cái xấu.  Cái dở nhất của người cầm  bút là cứ mãi viết một chiều hoặc là cái xấu, hoặc là mãi ngợi ca cái tốt. Viết về cái dở hay cái tốt thì cũng phải hướng đến sự thật, cái thiện và chính nghĩa. Tất cả những điều đó là ánh sáng của cuộc đời. 34 năm cầm bút, nhà báo Hồ Quang Lợi vẫn luôn nuôi dưỡng niềm say mê. Ông bảo, ông sẽ mãi say nghề, đến khi nào không thể say mê được nữa thì mới thôi.

Giáo sư Vũ Khiêu: “Hồ Quang Lợi nổi tiếng là cây bút chính luận cao nghề và tài năng… Văn phong của anh vừa sáng sủa, khúc chiết nhờ cấu trúc chuẩn mực của Pháp văn, vừa chuyển động liên tục hình ảnh, thể hiện bản lĩnh và cốt cách của riêng anh bằng lượng từ vựng Việt cuốn hút. Có thể coi anh là một nhà văn có tài. Nhiều bài báo của Hồ Quang Lợi không chỉ giàu thông tin, nhận định, ý tưởng mà còn là những bài văn đầy mỹ cảm… Cây bút trong tay của anh vùng vẫy xuôi ngược, dọc ngang, dào dạt sức sống”.


Nhà báo Phan Quang: “Hồ Quang Lợi là một trong các cây bút chính luận nổi tiếng của nền báo chí Việt Nam đương đại… Những gì anh viết ra đây mềm mại, đa chiều, lấp lánh chất văn - có thể hiểu là ít nhiều tùy thuộc cương vị công tác mới của tác giả. Sự kiên cường, quyết liệt, hiếu học, bền chí - những đức tính vốn có của người xứ Nghệ đã được bồi đắp thêm, hòa quyện cùng chất hào hoa, lịch lãm, tinh tế của sĩ phu Thăng Long, với tâm hồn Hà Nội từ tình yêu máu thịt”.