Về cơ bản, các đại biểu tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Theo quy định của Luật Biển Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên thì ngoài vùng nội thủy, vùng lãnh hải, Nhà nước ta thực hiện quyền chủ quyền về thăm dò, khai thác, quản lý, bảo tồn tài nguyên và các hoạt động khác vì mục đích kinh tế tại vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Do đó, nếu trong các vùng biển này xuất hiện yêu cầu về kiểm tra hải quan thì cần phải giao cho cơ quan hải quan thực hiện.
Trước những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, ĐB Nguyễn Sỹ Hội (Nghệ An) kiến nghị: “Những vấn đề liên quan tới hoạt động của hải quan trên biển cần được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, giúp lực lượng hải quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Dù có xảy ra thương vong họ cũng cảm thấy yên tâm vì đã có luật pháp bảo vệ”.
Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Trung Lý , Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung dự án Luật Biểu tình vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Đa số đại biểu đã đồng ý với chủ trương này với tỷ lệ 85,14% trên tổng số ĐBQH tán thành. Trước đó, có ý kiến ĐBQH cho rằng, cần đưa Luật Biểu tình vào chương trình khóa XIII vì đó là quyền cơ bản của công dân, đã được quy định trong Hiến pháp. Ban hành Luật Biểu tình vừa đáp ứng nhu cầu chung, vừa đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.