Cung cầu cùng có lợi

ANTĐ - aChủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tại cuộc Hội thảo “Giải pháp thị trường: thông điệp chính sách và thực tiễn doanh nghiệp” mới đây đã đưa ra hình ảnh ví von khá chuẩn xác. Theo ông, nền kinh tế nước ta hiện nay giống như tình trạng người bệnh “trước kia bị cao huyết áp, giờ lại tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời thì sẽ... chết”. Cao huyết áp đương nhiên là nguy hiểm, song tụt huyết áp còn đáng lo sợ hơn.

Mặc dù nền kinh tế chưa đến suy thoái vì tăng trưởng GDP quý I-2012 vẫn ở mức 4%, nhưng thực sự đang rơi vào tình trạng trì trệ, đình đốn ở nhiều lĩnh vực. Biểu hiện là chưa bao giờ nước ta thừa điện, vậy mà trong quý I nhập khẩu xăng dầu lại giảm 20%, sức mua giảm liên tục trong 7 tháng qua, hàng tồn kho ngày càng chất đống. Ông Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thốt lên rằng, chưa bao giờ thị trường vốn lại “méo mó”, phức tạp như bây giờ. Suốt 3 năm qua, nền kinh tế loay hoay trong “vòng xoáy” lạm phát - giảm phát - lạm phát - rồi lại giảm phát. Dẫn đến hệ lụy thanh khoản ngân hàng, thanh khoản doanh nghiệp thiếu hụt trầm trọng, chi phí các loại tăng lên, tồn kho chất cao, số doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều. Việc sống còn hiện nay là phải khẩn cấp “cứu” doanh nghiệp, cứu sản xuất. Làm sao để hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản nằm ở ngưỡng có thể chấp nhận được, vì phá sản nhiều thì càng nhiều lao động thất nghiệp, càng gây bất an trong an sinh xã hội và bất an cho xã hội.

Theo Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, vừa qua đã có tới ba cuộc họp ở cấp Chính phủ bàn về các vấn đề cấp bách nhất hiện nay để “giải cứu” doanh nghiệp như giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp. Xem xét giảm lãi suất, giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng và xử lý ngân hàng yếu kém. Sau đó trần lãi suất có thể được xóa bỏ. Rồi hàng loạt giải pháp “chữa cháy” như khoanh nợ, cơ cấu nợ, tạo dựng quỹ ngân sách bảo lãnh cho các doanh nghiệp hoạt động cùng những động thái như nới lỏng cho vay tiêu dùng, bất động sản. Tới đây chắc chắn sẽ có những gói hỗ trợ nhưng không phải gói “giải cứu” như hồi năm 2009. Đây là thời điểm “lý tưởng”, cơ hội để nhìn lại mình và thay đổi nếu muốn làm ăn lâu dài và bài bản. Để “giải khát” vốn cho doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp phải minh bạch về thông tin tài chính, không nên tô hồng “bức tranh” kinh tế của mình. Không ít doanh nghiệp không có định hướng kinh doanh chiến lược rõ ràng, quản lý mang nặng kiểu gia đình trị, kinh doanh “ngẫu hứng” nên dễ “làm nát” đồng tiền.

Một bài học “cổ điển” nhưng đúng ở mọi thời điểm và có tác dụng rất mạnh đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Đó là xác định lại công nghệ, nguồn nhân lực và thị trường, ý thức cộng đồng trong doanh nghiệp và ngành hàng. Nhìn nhận thách thức và cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, đây là một quá trình “lột xác” không tránh khỏi đau đớn. Hệ quả là một số doanh nghiệp sẽ bị loại khỏi thị trường và tăng trưởng sẽ giảm.

Một số chuyên gia khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục giảm lãi suất xuống 9-10% vào tháng 6 tới. Giảm rủi ro là cơ sở để giảm lãi suất, doanh nghiệp mới dám vay đầu tư mở rộng sản xuất. Khi người tiêu dùng thấy không bị xói mòn giá trị vì lạm phát có thể bỏ tiền ra tiêu dùng. Như vậy là, cả bên cung lẫn bên cầu đều có niềm tin lớn hơn vào triển vọng kinh tế, đôi bên cùng có lợi.