Còn lúng túng trong xử lý “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi

ANTĐ - Hơn 1 năm kể từ khi trường hợp mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân (bệnh da lạ) đầu tiên ở huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) được ghi nhận, đến nay số bệnh nhân đã nâng lên 205 và 10 trường hợp tử vong. Rất nhiều đoàn công tác của Bộ Y tế đã vào cuộc nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa tìm ra.
Còn lúng túng trong xử lý “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi ảnh 1
Vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh lạ ở Quảng Ngãi


Chỉ là… ước đoán

Tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã ghi nhận 115 trường hợp mắc hội chứng da dày sừng bàn tay, bàn chân tại 3 xã Ba Điền (109 trường hợp), Ba Ngạc (5 trường hợp) và Ba Tô (1 trường hợp), trong đó 34 trường hợp bị tái bệnh, 9 trường hợp tử vong (đều ở xã Ba Điền). Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị là 33 trường hợp. Tất cả bệnh nhân đều là người H’re. Qua xét nghiệm hầu hết có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu phổ biến… Thời gian qua, Bộ Y tế cũng như các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực như khử khuẩn môi trường, phát gạo cho dân, cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ điều trị, tuy nhiên điều quan tâm hơn cả là nguyên nhân gây bệnh thì vẫn chưa xác định được. 

PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua kết quả các mẫu xét nghiệm đã thực hiện không tìm thấy yếu tố chứng tỏ đây là bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn), chưa tìm thấy bằng chứng về các nguy cơ do vi khuẩn, virus tại vùng có bệnh nhân. Tuy phát hiện nhiều cá thể ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường và vật nuôi ở vùng này nhưng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, nguồn nước, thực phẩm hay lây từ người sang người. Nồng độ các kim loại nặng như arsen, chì, thủy  ngân, cadimi, đồng ở mức giới hạn cho phép. Điểm đáng chú ý là có nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm với nồng độ cao hơn nhiều (gấp 5-9 lần mức cho phép), đây là chất có nguy cơ gây tổn thương gan, ung thư gan. Vì vậy, nguyên nhân được các hội đồng khoa học nghĩ đến nhiều nhất lúc này là nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu vi chất.  

Được biết, có đến 94 mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm (trên tổng số 2.000 mẫu được lấy) cho thấy bệnh nhân bị thiếu vitamin B3. Tuy nhiên, TS. Long khẳng định, thiếu vitamin B3 chỉ là một trong số các yếu tố tác động đến bệnh… 

Liên tục sửa phác đồ điều trị

Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm hiện tại là phải nhanh chóng can thiệp và can thiệp quyết liệt bằng mọi biện pháp để giảm thiểu tối đa số mắc, số tử vong, đảm bảo sự an tâm của người dân trong khu vực có bệnh, chứ không phải chờ biết được nguyên nhân mới can thiệp. Thực tế trong y văn cũng có không ít bệnh không cần xác định được nguyên nhân vẫn có thể can thiệp điều trị hiệu quả, chẳng hạn như cao huyết áp, thận hư… Và về mặt này, Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo rất kịp thời khi huy động rất nhiều bác sĩ, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực từ da liễu, chống độc, hồi sức, nhi khoa… vào điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ BV tuyến dưới. Vậy nhưng hiệu quả của việc can thiệp đến đâu khi bệnh vẫn không thể chữa khỏi, số tái phát vẫn cao còn số tử vong thì không ai dám chắc đến bao giờ mới dừng lại?

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê cho biết, mới cách đây khoảng 1 tuần Bộ Y tế ban hành phác đồ hướng dẫn xử lý, chẩn đoán, điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Thực tế thì đây đã là phác đồ cập nhật, sửa đổi lần thứ 3 mà Bộ Y tế ban hành, dù bệnh này mới chỉ được ghi nhận trong vỏn vẹn 1 năm. Bản thân Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long luôn nhấn mạnh ưu tiên số 1 của ngành y tế là can thiệp ngay để giảm tử vong, tuy nhiên khi được hỏi tại sao không triển khai các chiến dịch can thiệp (phun khử khuẩn môi trường, phát gạo, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh…) sớm hơn (mới chỉ triển khai vài ngày qua), thì ông có vẻ như lúng túng: “Từ tháng 4, tháng 5-2011 Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Quảng Ngãi khử trùng khu vực này nhưng vì chưa định hướng được căn nguyên nên chưa thể bắt đầu chiến dịch”.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) - địa phương xuất hiện bệnh - giãi bày, tuy vừa mới triển khai chiến dịch phòng chống bệnh nhưng suốt một năm qua ngành y tế địa phương đã trăn trở cùng người bệnh, làm mọi biện pháp vì người bệnh. Cái khó là “bệnh này còn nguy hiểm hơn chống giặc, vì chống giặc còn biết giặc đánh mình bằng vũ khí gì để đối phó, đằng này không biết bệnh tấn công như thế nào thì làm sao mà chống” - bà Phượng tâm sự.